"Trong các cuộc xung đột tại Dải Gaza trước đây, số liệu từ họ được coi là đáng tin cậy và không ai hoài nghi về chúng", Philippe Lazzarini, lãnh đạo cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine (UNRWA), ngày 27/10 nhận định về thống kê thương vong tại Dải Gaza do cơ quan y tế của Hamas đưa ra.
Ông Lazzarini cho biết 57 nhân viên UNRWA đã thiệt mạng từ khi xung đột giữa Israel - Hamas leo thang vào đầu tháng 10, phản ánh thương vong lớn tại Dải Gaza.
Theo ông Lazzarini, tỷ lệ nhân viên UNRWA thiệt mạng trên tổng số nhân sự của cơ quan tương đương với tỷ lệ người Gaza thiệt mạng trên tổng dân số của vùng lãnh thổ. Do đó, ông đánh giá con số phía Hamas đưa ra là hợp lý.
Bình luận của ông Lazzarini được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/10 bày tỏ hoài nghi về số thương vong do giới chức tại Dải Gaza công bố. "Tôi không tin họ nói thật về số người thiệt mạng. Nhưng tôi chắc chắn rằng có người vô tội đã tử vong, đó là cái giá của xung đột", ông Biden nói.
Cơ quan y tế tại Dải Gaza ngày 26/10 phản ứng bằng cách công bố tên, số căn cước, giới tính và tuổi của hơn 7.000 người đã thiệt mạng trong các đợt tập kích của Israel. Cơ quan này cũng cho biết hơn 17.000 người bị thương.
Sau đợt tấn công của Hamas ngày 7/10, Israel phong tỏa toàn bộ Dải Gaza, cắt nguồn cung lương thực, nhiên liệu và điện cho khu vực. Ông Lazzarini cảnh báo sẽ có thêm người tại Dải Gaza thiệt mạng "không chỉ vì bom đạn và các cuộc tập kích, mà còn do hậu quả của hành động phong tỏa khu vực".
"Các dịch vụ cơ bản đang sụp đổ, thuốc men, thực phẩm và nước uống cạn dần, đường phố tại Dải Gaza ngập tràn nước thải", ông Lazzarini cho biết, đồng thời kêu gọi cấp phép thêm cho hàng viện trợ vào Dải Gaza. "Chúng ta cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo để đảm bảo hàng viện trợ đến tay những người cần chúng".
Theo ông Lazzarini, các chuyến xe chở hàng viện trợ vào Dải Gaza đi qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập mang theo thực phẩm, nước uống và thuốc men, song không có nhiên liệu để duy trì hoạt động của các dịch vụ quan trọng.
"Các lò bánh, trạm bơm, máy hỗ trợ sự sống trong bệnh viện đều cần nhiên liệu để hoạt động", ông Lazzarini nói. UNRWA cần 160.000 lít nhiên liệu mỗi ngày cho các hoạt động của cơ quan, song hiện phải "hạn chế đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu".
Israel tuyên bố không cho phép chuyển nhiên liệu vào Dải Gaza do cho rằng loại hàng này có thể tới tay Hamas. Ông Lazzarini khẳng định UNRWA "có cơ chế giám sát chặt chẽ và sẽ không để bất cứ viện trợ nhân đạo nào rơi vào tay kẻ xấu".
Lynne Hastings, điều phối viên nhân đạo của LHQ phụ trách khu vực, cho biết đang đàm phán với Israel để giải quyết các mối lo ngại của nước này. "Đây là điều khá chính đáng, đặc biệt khi liên quan đến nhiên liệu, được chúng tôi coi là mặt hàng lưỡng dụng với rủi ro cao", bà Hastings nói.
Bà Hastings ước tính khoảng 300.000-400.000 người vẫn ở miền bắc Dải Gaza, trong khi Israel "nói rõ rằng họ không muốn chúng tôi chuyển hàng tới đây". "Do đó, các nhân viên LHQ sẽ phải chấp nhận những rủi ro an ninh nhất định để chuyển viện trợ mang tính sống còn cho khu vực này", bà Hastings nói.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)