Làng có diện tích 44 héc-ta (440.000 mét vuông), cung cấp tối đa 48.000 bữa ăn mỗi ngày trong các nhà hàng tự phục vụ. Ban tổ chức cung cấp 700 lựa chọn thực đơn, 3.000 ghế ngồi trong hai nhà hàng chính, và tối đa 2.000 nhân viên trong giờ cao điểm.
Thực đơn chia làm ba nhóm chính: phương Tây, Nhật Bản và châu Á. Thực đơn châu Á lại chia làm ba nhóm nhỏ gồm đồ ăn Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Làng mở cửa chỉ một ngày sau khi Tokyo ban hành tình trạng khẩn cấp mới, để ứng phó biến chủng Delta. Các cư dân làng, chủ yếu gồm VĐV và quan chức, sẽ được xét nghiệm nCoV mỗi ngày. Họ bị cấm ra khỏi làng để tới những địa điểm ngoài chương trình Olympic Tokyo, như những khu vui chơi giải trí.
Dự kiến có 2.200 VĐV và quan chức tới làng cho đến hết tuần này, Chủ nhật 18/7. Đã có hai thành viên Uganda, một VĐV Serbia và một quan chức Israel dương tính nCoV ở làng. Điều này dấy lên lo ngại liệu ban tổ chức có thể ngăn ngừa dịch bệnh lan toả trong làng.
Làng nằm ở quận Harumi, ven vịnh Tokyo, gồm 3.800 căn nhà. Làng được sử dụng đến hết Paralympics ngày 8/9. Các căn hộ sau đó sẽ được bán và cho thuê lại từ năm 2024.
Đoàn thể thao Việt Nam gồm 43 thành viên, trong đó có 18 VĐV tranh tài ở 11 môn, sẽ bay sang Tokyo ngày 18/7. Các thành viên phải xét nghiệm âm tính mới được nhập làng. Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch không áp chỉ tiêu, nhưng Đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu đoạt huy chương.
Tại Olympic Rio 2016, Việt Nam đoạt một HC vàng, một HC bạc đều do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Danh sách VĐV Việt Nam dự Olympics Tokyo: Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Nguyễn Thị Thanh Thủy (judo), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (boxing), Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Quách Thị Lan (điền kinh), Lường Thị Thảo/Đinh Thị Hảo (rowing).
Xuân Bình