Lostarmour, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga, hôm 23/2 công bố video từ máy bay không người lái (UAV) trinh sát, cho thấy tổ hợp tên lửa phòng không S-300V1 Ukraine triển khai trong khu rừng gần làng Veliky Bobrik thuộc tỉnh Sumy, miền bắc nước này.
Khẩu đội tên lửa Ukraine được bố trí phân tán trong rừng, bị lộ vị trí do các vết xích xe và rừng cây rụng lá mùa đông. UAV Nga phát hiện ít nhất 3 xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar dẫn bắn (TELAR), cùng đài radar điều khiển hỏa lực đa kênh 9S32-1.
Lực lượng Nga quyết định tung đòn tập kích bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M sau khi xác định tổ hợp S-300V1 Ukraine đã yên vị trong rừng.
Tên lửa Iskander-M Nga tập kích tổ hợp S-300V1 Ukraine tại tỉnh Sumy trong video công bố ngày 23/2. Video: Lost Amour
Quả đạn nhằm vào nơi ẩn náu của đài radar đa kênh và kích hoạt đầu nổ mạnh ở trên cao để gây sát thương tối đa, khiến các tên lửa trong xe TELAR gần đó phát nổ và tạo ra lượng lớn mảnh văng. UAV Nga tiếp tục quần thảo quanh khu vực mục tiêu để xác nhận kết quả đòn đánh.
"Vì lý do nào đó, binh sĩ Ukraine tin rằng khẩu đội S-300V1 có thể ẩn mình trong cánh rừng thưa. Lực lượng Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-M để thuyết phục họ điều ngược lại", tài khoản The_Wrong_Side trên Telegram chuyên đăng tư liệu về các đòn tập kích của Nga tại Ukraine cho hay.
Theo truyền thông Nga, trận tập kích đã phá hủy radar dẫn bắn đa kênh, một bệ phóng, 5 thiết bị quân sự chuyên dụng và khiến 20 binh sĩ Ukraine thương vong.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về video.
Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 9/2 đăng hai video tổ hợp S-300V1 nước này khai hỏa, nhưng không tiết lộ địa điểm và mục tiêu nhắm tới. Giới phân tích dữ liệu tình báo nguồn mở đánh giá đây là những hình ảnh cực hiếm, nhấn mạnh Ukraine mới chỉ công bố tổng cộng 4 video tên lửa S-300V1 khai hỏa trong gần 3 năm chiến sự.
Tên lửa S-300V1 Ukraine khai hỏa trong video công bố hôm 9/2. Video: BQP Ukraine
S-300V là tổ hợp phòng không lục quân tầm xa được Liên Xô phát triển tối ưu cho nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo, bảo vệ các đội hình bộ binh cơ động trên chiến trường. Điều này khiến nó được ví như "lá chắn tên lửa đạn đạo" của lục quân Liên Xô.
Mỗi hệ thống thường gồm một xe chỉ huy, ba đài radar cảnh giới, 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar (TELAR), cùng các xe hậu cần kỹ thuật.
Các xe chiến đấu đều đặt trên khung gầm bánh xích MT-T, có khả năng cơ động trên địa hình phức tạp tốt hơn xe bánh lốp của hệ thống S-300P. Mỗi xe TELAR có thể mang tối đa 4 tên lửa 9M83 với tầm bắn 75 km, hoặc hai quả đạn 9M82 lớn hơn với tầm bắn khoảng 100 km.
Ukraine thừa hưởng một số tổ hợp S-300V1 sau khi Liên Xô tan rã, song không rõ bao nhiêu trong số này còn hoạt động. Phiên bản này được cho là có số lượng rất ít, được quân đội Ukraine lấy ra từ kho niêm cất sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Biến thể S-300V1 được trang bị tên lửa 9M83 cỡ nhỏ, do mẫu 9M82 hạng nặng và có tầm bắn xa hơn chỉ xuất hiện trên biến thể S-300V2 và các thế hệ sau. Dù vậy, S-300V vẫn là một trong các hệ thống tên lửa có tầm bắn xa và hiện đại nhất trong biên chế quân đội Ukraine trước khi nước này tiếp nhận những khí tài phương Tây như tổ hợp phòng không Patriot.

Vị trí làng Veliky Bobrik, tỉnh Sumy. Đồ họa: RYV
Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định ngay cả khi còn nhiều tổ hợp S-300V1, Ukraine cũng khó lòng đảm bảo nguồn đạn cho chúng bởi Nga là bên duy nhất sản xuất loại tên lửa này.
Nhu cầu đánh chặn tên lửa đạn đạo là động lực quan trọng khiến Mỹ và các đồng minh quyết định viện trợ tổ hợp Patriot cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 19/2 thừa nhận Ukraine đang cạn dần đạn cho Patriot và gặp khó khăn trong đối phó với tên lửa Nga.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, AFP, AP)