Hệ thống GMD phóng đạn đánh chặn hôm 30/5
Lầu Năm Góc ngày 30/5 lần đầu tiên thử nghiệm đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên Thái Bình Dương, trong nỗ lực nhằm đối phó với nguy cơ Triều Tiên sở hữu vũ khí mang đầu đạn hạt nhân tầm xa. Quả tên lửa đánh chặn này là một phần của Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), lá chắn cuối cùng bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đối phương.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho biết cuộc thử nghiệm được tiến hành trong điều kiện chiến đấu thực tế, chống lại mục tiêu được trang bị mồi bẫy, mô phỏng mối đe dọa từ ICBM trong thập niên 2020. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ý nghi vấn về tuyên bố này, theo National Interest.
Đây là lần đánh chặn thành công thứ hai liên tiếp của GMD trong 5 lần thử nghiệm từ năm 2010 đến nay, đạt tỷ lệ diệt mục tiêu 40%. Philip E. Coyle, học giả cấp cao Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí, cho rằng tỷ lệ thành công này cho thấy lá chắn tên lửa Mỹ chưa đủ khả năng đánh chặn ICBM thực sự trong điều kiện chiến tranh.
Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) thậm chí còn cho rằng các vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Mỹ sẽ không thể tiến hành khi trời mưa, cho thấy lá chắn này chưa thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Khi chiến tranh nổ ra, đối phương sẽ không chờ đến khi thời tiết đẹp mới phóng tên lửa, Coyle nói.
"Dự án này còn lâu mới đạt được thành công. Đây chỉ là một bước tiến rất nhỏ", ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình chống phổ biến vũ khí tại Đông Á (EANP), tuyên bố.
Theo Lewis, ngay cả khi MDA tiến hành thử nghiệm trong điều kiện thực tế, chương trình phòng thủ tên lửa này vẫn chỉ nằm ở giai đoạn nghiên cứu phát triển công nghệ, MDA thậm chí còn chưa phát triển chiến lược và học thuyết sử dụng GMD trong tác chiến thực tế.
"Tôi không cho rằng MDA có khả năng biến hệ thống GMD thành một lá chắn có khả năng tác chiến thực sự để bảo vệ nước Mỹ", Lewis nói. Ông chỉ ra rằng MDA hiện nay không thuộc bất cứ quân chủng nào trong quân đội, trong khi lục quân và không quân Mỹ đảm nhiệm vận hành lá chắn này.
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên
Dù có khả năng giải quyết mọi vấn đề kỹ thuật, GMD vẫn sẽ phải đối mặt với một điểm yếu chí tử, đó là nó có thể bị áp đảo trước số lượng lớn ICBM đối phương phóng đồng loạt. Với 36 tổ hợp đang được triển khai, Mỹ không có đủ đầu đạn để đánh chặn số lượng khổng lồ tên lửa đạn đạo của các nước như Nga hay Trung Quốc.
Theo Lewis, Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới có thể xây dựng được lá chắn tên lửa đạt hiệu quả 100%. Đây được coi là lý do Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nhằm sở hữu mẫu ICBM có khả năng bắn tới Bắc Mỹ.
Dù lá chắn chống ICBM sẽ có tác dụng trong trường hợp Mỹ bị tấn công phủ đầu bất ngờ, nó khó có thể gây ảnh hưởng tới tham vọng tên lửa của Triều Tiên, chuyên gia quân sự Dave Majumdar kết luận.
Tử Quỳnh