Qatar dự kiến đón 1,2 triệu người, lượng khách đông đảo chưa từng có, tới nước này dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022 diễn ra từ 20/11 đến 18/12. Điều này đặt ra thách thức rất lớn với Qatar trong đảm bảo an ninh cho một sự kiện quy mô lớn như vậy.
Quốc gia vùng Vịnh có dân số 3 triệu người, nhưng chỉ 12% số này là công dân Qatar, khiến Doha đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự đảm bảo an ninh cho World Cup. Nước này là quốc gia nhỏ nhất giành quyền đăng cai World Cup trong lịch sử.
Để đối phó với các nguy cơ về an ninh trong gần một tháng diễn ra sự kiện, Doha đã xây dựng Chiến dịch Lá chắn World Cup, đề nghị các quốc gia thân thiện và đồng minh như Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, Italy và Pakistan giúp sức, thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên trách với quân số tổng cộng 50.000 người.
Các binh sĩ, cảnh sát đặc nhiệm từ những nước này sẽ đảm bảo an ninh tại 8 sân vận động ở Qatar và các khách sạn nơi 32 đội tuyển bóng đá quốc gia lưu trú.
Một số đơn vị "thiện chiến" nhất tham gia chiến dịch là đội đặc nhiệm Polis-Ozel-Harekat (POH) của Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh sát chống bạo động Pháp, đơn vị từng sử dụng hơi cay để đối phó các "hooligan" Anh trong trận chung kết Champions League hồi tháng 5 giữa Liverpool và Real Madrid.
Pháp huy động 191 cảnh sát đến Qatar, trong đó có nhiều chuyên gia về máy bay không người lái (UAV). Chó nghiệp vụ, đơn vị chống khủng bố và cảnh sát đặc nhiệm chuyên xử lý hooligan đều được triển khai.
Trong khi đó, lực lượng POH của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu được điều động để chống khủng bố. Họ được trang bị súng trường, súng ngắn, trực thăng tấn công, xe bọc thép.
Nước này cũng đã điều chiến hạm cùng 250 binh sĩ tới bảo vệ không phận và lãnh hải của Qatar trong thời gian World Cup diễn ra.
Ankara còn cử 3.000 cảnh sát chống bạo động, 100 cảnh sát đặc nhiệm, 50 chuyên gia bom mìn, 80 chó nghiệp vụ, được phân công giám sát các địa điểm có nguy cơ bị tấn công khủng bố. Đơn vị này phụ trách ngăn chặn tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân tại giải đấu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã huấn luyện gần 800 nhân viên Qatar về các vấn đề từ "an toàn thể thao" cho đến "can thiệp vào các sự kiện xã hội".
Các thành viên lực lượng cảnh sát Qatar đã được cảnh sát New York, Mỹ hướng dẫn hồi đầu năm về phương thức đảm bảo an ninh trong các sự kiện lớn.
Hồi tháng 7, Mỹ ký kết thỏa thuận với Qatar để "xác định các du khách liên quan đến khủng bố, buôn người nhập cảnh vào nước này theo đường hàng không, đồng thời giám sát các nguy cơ an ninh tiềm ẩn tại sân bay quốc tế Hamad".
Trong khi đó, Anh sẽ gửi các đơn vị hải quân, không quân đến Qatar hỗ trợ chống khủng bố. Một đơn vị cảnh sát Anh sẽ được triển khai, đóng vai trò như "vùng đệm" giữa người hâm mộ nước này và lực lượng địa phương. Họ có thể làm dịu tình hình nếu cần, tránh trường hợp các hooligan có hành vi quá khích trên đất Qatar.
Hàn Quốc cử các sĩ quan quân cảnh kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm trong các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ ở nước ngoài, trong lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố, truy bắt tội phạm quân sự, bảo vệ văn phòng tổng thống và các sự kiện mang tính quốc gia.
Nội các Pakistan tháng trước thông qua một dự thảo thỏa thuận cho phép chính phủ triển khai quân đội tới Qatar bảo vệ an ninh giải đấu, song chưa xác nhận số lượng binh sĩ được điều động. Morocco được cho là ủng hộ việc hỗ trợ an ninh cho Qatar. Truyền thông địa phương cho biết vài nghìn lính đặc nhiệm có thể được triển khai.
Qatar huy động hàng trăm nhân viên an ninh điều hành các trạm kiểm soát an ninh ở sân vận động. Họ sẽ quản lý an ninh đám đông xếp hàng bên ngoài sân, kiểm tra và khám xét nếu cần thiết để ngăn hành vi đưa ma túy hoặc vũ khí vào sân.
Những nhân viên an ninh này được huấn luyện tập trung 5 ngày/tuần về cách tiếp cận người hâm mộ bằng "ngôn ngữ cơ thể tích cực, sự tập trung và nụ cười".
Đức Trung (Theo Sun)