Cựu tổng thống Barack Obama trở lại sân khấu vận động tranh cử ở thành phố Pittsburg, bang Pennsylvania vào đêm 10/10 để kêu gọi những cử tri từng mến mộ mình đồng lòng đưa ứng viên Dân chủ Kamala Harris về đích trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Ông kêu gọi cử tri ở bang chiến trường quan trọng này tái lập kết quả cuộc bầu cử 4 năm trước: Ngăn Donald Trump trở lại với ghế tổng thống Mỹ.
"Chúng ta không cần thêm 4 năm phủ bóng bởi sự kiêu ngạo, rối loạn, ầm ĩ và chia rẽ. Nước Mỹ đã sẵn sàng sang trang mới. Chúng ta cần một câu chuyện tốt đẹp hơn, một người có thể giúp chúng ta sát cánh cùng nhau, thay vì chống lại nhau. Pennsylvania, chúng ta đã sẵn sàng đón Tổng thống Kamala Harris", ông Obama tuyên bố.
Theo Stephen Collison, nhà phân tích chính trị của CNN, cựu tổng thống 63 tuổi xuất trận vào chặng cuối mùa bầu cử Mỹ với kỳ vọng giúp Phó tổng thống Harris tạo ra cú hích mang tính quyết định để lôi kéo cử tri ở bang chiến trường, những nơi bà Harris đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Obama chọn đến Pennsylvania thay vì Ohio, giữa giai đoạn ông Trump đang dần tạo được ưu thế ở các bang chiến trường, đặc biệt đối với nhóm cử tri ở các vùng nông thôn và lao động bình dân.
Tổng kết các khảo sát của Hill cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Harris tại Pennsylvania là 49%, chỉ dẫn trước ông Trump một điểm phần trăm, còn ứng viên thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Casey đang dẫn trước ứng viên Cộng hòa Dave McCormick với cách biệt ít ỏi 4 điểm phần trăm.
Phe Dân chủ lo ngại sức hút của bà Harris đã chững lại. Nhóm cử tri 18-29 tuổi, độ tuổi bà Harris nhắm đến, đang không đăng ký bỏ phiếu nhiều như kỳ vọng. Số liệu cử tri đăng ký bỏ phiếu ở Pennsylvania vào tháng 9 thấp hơn số liệu năm 2020 khoảng 15%, theo nghiên cứu từ Đại học Tufts.
"Cựu tổng thống Obama tin cuộc bầu cử năm nay sẽ có tác động rất to lớn. Ông ấy đang làm mọi cách để giúp Phó tổng thống Harris, Thống đốc Tim Walz và các ứng viên Dân chủ trên cả nước giành chiến thắng", Eric Schultz, cố vấn cấp cao cho ông Obama, bình luận.
"Ông ấy muốn đảng Dân chủ giữ được Nhà Trắng, duy trì thế đa số tại Thượng viện và giành lại Hạ viện. Chúng tôi sẽ tập trung vào vận động và thuyết phục cử tri bỏ phiếu, đặc biệt ở những bang then chốt", Schultz nói.
Những nguồn tin thân cận với ông Obama tiết lộ cựu tổng thống Mỹ đang lo ngại về cục diện cuộc đua, với khoảng cách vô cùng sít sao giữa hai ứng viên Trump và Harris trong các cuộc khảo sát.
Việc ông Obama chọn "xuất quân" ở Pennsylvania, bang nhà của Tổng thống Biden, cho thấy phe Dân chủ đang muốn tránh mọi kịch bản bất ngờ và củng cố vững chắc "bức tường xanh" ở đông bắc Mỹ, với ba bang quan trọng Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.
Các cựu tổng thống thường có khả năng đưa ra thông điệp trực diện hơn, giúp ứng viên của đảng tập trung vào vấn đề chính sách và tránh lún sâu vào khẩu chiến, công kích cá nhân với đối thủ. Màn thể hiện tại Pittsburg càng chứng tỏ ông Obama có thể nói những điều mà bà Harris phải cân nhắc.
"Tôi hiểu vẫn có người bất mãn về tình hình hiện tại, rằng chúng ta có thể làm tốt hơn. Nhưng tôi không thể hiểu tại sao vẫn có người tin rằng Donald Trump sẽ thay đổi được tình hình, giúp các bạn có cuộc sống tốt hơn", ông Obama nói tại Pittsburg, rồi mỉa mai rằng Trump là "tỷ phú giỏi than vãn", "chỉ nghĩ đến cái tôi, tiền bạc và danh vọng".
Sự xuất hiện của Obama ở chặng cuối cuộc đua vào Nhà Trắng còn một lần nữa khuấy động lại bầu không khí "đối địch" với Trump, người có nhiều duyên nợ với ông trong hơn một thập kỷ qua.
Năm 2015, ông Trump khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình bằng những lời công kích nhắm vào gốc gác và các di sản của ông Obama, từ y tế đến nhập cư. Sau khi rời Nhà Trắng, Obama cũng nhiều lần chỉ trích chính sách của người kế nhiệm.
Phát biểu tại Pittsburg, cựu tổng thống Obama tiếp tục chê bai ông Trump là "chỉ có ý tưởng về kế hoạch" chứ không thể vạch ra những chính sách thực tế như bà Harris. Ông cũng cho rằng Trump "điên rồ" khi rao bán Kinh thánh và ủng hộ các thuyết âm mưu vô căn cứ.
Obama nhấn mạnh chiến thắng của bà Harris là thuốc giải duy nhất cho những hỗn loạn, rối ren mà chính quyền Trump để lại cho xã hội và nền chính trị Mỹ. Cựu tổng thống kêu gọi cử tri nam giới da màu ngừng "chần chừ ủng hộ" bà Harris, gác lại bất mãn và đi bỏ phiếu.
Trong những năm qua, Obama vẫn được coi là nhà diễn thuyết hiệu quả nhất của đảng Dân chủ, với nền tảng cử tri ủng hộ đông đảo trong cộng đồng da màu và trí thức.
"Lợi ích lớn nhất mà ông Obama có thể mang lại cho bà Harris là khả năng truyền tải thông điệp cực tốt hướng đến nam giới da màu, những người đang bị thu hút bởi hình ảnh mạnh mẽ của ông Trump. Không ai khác trong đảng Dân chủ đủ khả năng trở thành đối trọng xứng tầm với hình ảnh 'mạnh mẽ giả' của Trump", Christy Setzer, chiến lược gia bầu cử của đảng Dân chủ, bình luận.
Thanh Danh (Theo CNN, Reuters, Hill)