Rất hiếm khi các nước Trung Đông, một trong những điểm nóng địa chính trị trên thế giới, có thể tìm thấy tiếng nói chung. Nhưng chuỗi chiến thắng bất ngờ mà Morocco giành được tại World Cup 2022 ở Qatar đã khuấy động niềm vui và tự hào của những người hâm mộ trong thế giới Arab, góp phần xóa nhòa chia rẽ chính trị ở khu vực trong thời gian giải bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra.
Có lẽ nổi bật nhất là tình cảm mà người Palestine dành cho đội tuyển bóng đá Morocco, bất chấp việc chính phủ Morocco đã quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel như một phần của Hiệp định Abraham 2020.

Các cầu thủ Morocco ăn mừng bàn thắng trong trận tứ kết World Cup trước đội tuyển Bồ Đào Nha tại sân vận động Al Thumama ở Doha, Qatar, hôm 10/12. Ảnh: AP.
Đội Morocco đã vẫy cờ Palestine sau khi đánh bại Tây Ban Nha hồi tuần trước, khiến không ít người hâm mộ Palestine xúc động. Trong suốt giải đấu, lá cờ Palestine đã tung bay khắp nơi, được những người hâm mộ Arab và cả một số người không thuộc thế giới Arab mang theo, đến mức có người đùa rằng Palestine là đội thứ 33 tại World Cup.
Người Palestine tin rằng đó là một dấu hiệu cho thấy công chúng Arab vẫn ủng hộ họ rất mạnh mẽ, dù chính phủ một số nước như Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Sudan, đã bình thường hóa quan hệ với Israel. Palestine cho rằng hành động này của các nước Arab là động thái "quay lưng" với họ.
"Tôi chưa từng nghĩ đến điều này. Nó đang lan rộng và cho thấy rằng Palestine không chỉ là vấn đề chính trị, mà còn là vấn đề con người", Ahmed Sabri, một thanh niên Palestine ở Doha, cho biết sau khi xem trận thắng của Morocco trước Bồ Đào Nha hồi cuối tuần trước. Anh choàng lá cờ Palestine trên lưng.
Người bạn Ai Cập của anh, Yasmeen Hossam, choàng lá cờ Morocco, nói: "đây là kỳ World Cup đầu tiên ở Trung Đông và là kỳ đầu tiên dành cho Trung Đông".
Nguồn gốc sâu xa của xung đột giữa Israel và Palestine bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc giữa người Do Thái và người Arab ở Lãnh thổ Ủy trị Palestine. Đây được được gọi là "cuộc xung đột phức tạp nhất thế giới". Bất chấp tiến trình hòa bình lâu dài và những nỗ lực hòa giải chung giữa Israel với Ai Cập và Jordan, người Israel và người Palestine đến nay vẫn không thể đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Morocco là đội Arab và châu Phi đầu tiên tiến xa đến thế tại một kỳ World Cup. Họ sẽ đối đầu đội tuyển Pháp trong trận bán kết diễn ra vào ngày 14/12. Một phần động lực ủng hộ mà người Arab dành cho đội tuyển Morocco đơn giản đến từ nhu cầu cần có thứ gì đó để ăn mừng giữa bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đang sa lầy vì khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang và chia rẽ chính trị.
Đối với không ít người, họ cảm thấy sung sướng khi chứng kiến văn hóa Arab được thể hiện một cách tích cực trên đấu trường quốc tế, như việc đội Morocco cầu nguyện theo kiểu Hồi giáo trên sân hay cảnh cầu thủ chạy cánh Soufiane Boufal nhảy với người mẹ đội khăn trùm kín đầu của anh sau chiến thắng ở trận tứ kết trước tuyển Bồ Đào Nha.
"Tất cả chúng tôi đều cảm thấy gắn bó với đội tuyển Morocco như một nguồn hy vọng và hạnh phúc trong thời điểm mà tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta thực sự cần những tin tốt", nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Lebanon Danny Hajjar nói.
Niềm phấn khích trước mỗi trận thắng của Morocco đã xóa bỏ mọi ranh giới và chia rẽ chính trị trong khu vực, theo bình luận viên Lee Keath của hãng thông tấn AP.
Người Algeria cũng không thể đứng ngoài niềm vui chung, dù chính phủ của họ đã cắt quan hệ với Morocco vào năm ngoái. Mâu thuẫn giữa hai quốc gia lâu nay vẫn âm ỉ liên quan đến khu vực Tây Sahara, nơi Morocco sáp nhập vào năm 1975 song Algeria lại ủng hộ những người bản địa Sahrawi trong phong trào Mặt trận Polisario đòi độc lập tại đây.
Algeria đã giận dữ trước việc Mỹ công nhận chủ quyền của Morocco đối với lãnh thổ này, để đổi lấy việc Rabat chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Israel.
Tại biên giới thường xuyên căng thẳng giữa Morocco và Algeria, người hâm mộ xếp hàng ở cả hai phía và cổ vũ lẫn nhau. Ở thành phố Nice, Pháp, cộng đồng người Algeria và người Tunisia đã hòa chung với người Morocco trong các quán cà phê hay đến nhà của nhau để xem các trận đấu, đốt pháo hoa ăn mừng trên con phố đi bộ nổi tiếng Promenade des Anglais.
Nhưng trái lại, truyền hình nhà nước Algeria không đưa tin về chuỗi chiến thắng của Morocco, loại họ hoàn toàn khỏi bản tin hàng ngày về World Cup.
Đối với người Palestine, World Cup mang đến cho họ một luồng gió mới giữa bầu không khí nhiều căng thẳng. Tiến trình hòa bình với Israel vẫn đóng băng, một chính phủ cực hữu ở Israel chuẩn bị lên nắm quyền, căng thẳng đã gia tăng trong những tháng gần đây với một số cuộc đụng độ nổ ra, đặc biệt ở khu vực Bờ Tây.

Cổ động viên ăn mừng trên Đại lộ Champs Elysees ở thủ đô Paris, Pháp, sau khi đội tuyển Morocco đánh bại Bồ Đào Nha tại vòng tứ kết World Cup hôm 10/12. Ảnh: Anadolu Agency.
Cùng lúc, nhiều người Palestine đang cảm thấy họ bị các chính phủ Arab lãng quên. Ngoài việc tham gia Hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa UAE, Bahrain, Sudan, Morocco với Israel, một số quốc gia Arab như Ai Cập hay Jordan vẫn giữ im lặng về tương lai của người Palestine, trong khi tăng cường hợp tác với Israel.
Qatar, nước chủ nhà World Cup, ủng hộ mạnh mẽ người Palestine và là huyết mạch kinh tế chính đối với Dải Gaza, khu vực do nhóm chiến binh Hamas kiểm soát và bị Ai Cập cùng Israel phong tỏa suốt nhiều năm.
Ahmed Abu Suleiman, huấn luyện viên bóng đá từ trại tị nạn Shati ở thành phố Gaza, cho biết ông cảm thấy tự hào khi thấy lá cờ Palestine tung bay giữa những người hâm mộ ở Doha.
"Các chính phủ thay đổi, nhưng người dân không thay đổi. Họ vẫn quan tâm đến vấn đề Palestine, đến vết thương của người Palestine", ông nói.
Hàng nghìn người kéo đến chật kín nhà thi đấu thể thao chính ở thành phố Gaza với màn hình lớn do Qatar tặng để xem trận Morocco - Bồ Đào Nha. "Đó là cảm giác rất khó tả. Tôi thề rằng tôi thấy như thể chính đội Palestine đang thi đấu trên sân vậy", một người hâm mộ Palestine nói. "Tất cả chúng tôi đều là người Morocco".
Cảnh hân hoan cũng diễn ra trên khắp khu vực Bờ Tây sau chuỗi chiến thắng của Morocco. Ở Đông Jerusalem, hai người đàn ông đứng trên Cổng Damascus của Thành Cổ liên tục phất lá cờ Morocco màu đỏ, trong khi hàng trăm người bên dưới reo hò và hô vang "Thượng đế, Morocco, Jerusalem là Arab".
Bầu không khí sôi động cũng bao trùm Israel, nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người Do Thái gốc Morocco.
Avi Nachmani, phát ngôn viên Liên đoàn Thế giới Người Do Thái Morocco, trụ sở tại Israel, cho biết nhiều người Israel gốc Morocco vẫn có tinh thần hướng về nguồn cội. "Thắng lợi của đội tuyển đã làm gia tăng tình cảm đó", ông nói.
Nachmani cho biết cảnh các cầu thủ Morocco ăn mừng với mẹ của họ khiến ông nhớ đến cách người Do Thái Morocco tôn vinh cha mẹ mình. "Họ không quên mình đến từ đâu", ông nhấn mạnh.
Dù vậy, những dấu hiệu chia rẽ thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Sau trận đấu với Bồ Đào Nha, ẩu đả nổ ra ở Beirut sau khi một nhóm cổ động viên Morocco từ khu dân cư người Hồi giáo đi xe máy qua khu vực Cơ đốc giáo, giương cờ Palestine và hô vang "Thượng đế là đấng vĩ đại nhất". Những CĐV này đã đụng độ với một nhóm dân địa phương coi việc làm của họ là hành động khiêu khích tôn giáo.
Với lịch sử chia rẽ và xung đột kéo dài ở Trung Đông, nhà soạn nhạc Hajjar cho hay ông không ngạc nhiên nếu có thêm xích mích nổ ra trên đường phố sau trận bán kết sắp tới. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng "tất cả mọi người có thể tận hưởng trận đấu một cách vô tư nhất".
Vũ Hoàng (Theo AP)