Ở Singapore, hàng chục nghìn cư dân cùng ký một bản kiến nghị, kêu gọi chính phủ cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh vào nước này.
Một số nhà hàng, cửa hiệu ở Hàn Quốc treo biển không nhận khách đại lục. Vùng ngoại ô thành phố Toronto, Canada, các phụ huynh đồng loạt phản đối một gia đình vừa trở về từ Trung Quốc đưa con đến trường, yêu cầu cháu bé phải ở nhà trong vòng 17 ngày.
Đến ngày 4/2, chủng nCoV thuộc họ virus corona đã lây lan gần 20.000 người trên thế giới, 426 ca tử vong, phần lớn ở Trung Quốc. Điều này tạo nên làn sóng kỳ thị và phân biệt đối xử với người dân đại lục.
Người dân Bangkok, Thái Lan, tránh xa các trung tâm mua sắm nổi tiếng. Một cơ sở thẩm mỹ ở khu phố Gangnam sầm uất của Seoul yêu cầu nhân viên chỉ tiếp khách hàng người Trung Quốc đã lưu trú tại Hàn Quốc từ 14 ngày trở lên.
Yaeko Suenaga, chủ một nhà hàng sushi ở Tokyo cho biết, cô có thể hiểu được tâm lý của những cơ sở kinh doanh từ chối nhận khách đại lục.
"Tôi không nghĩ điều này bắt nguồn từ việc phân biệt chủng tộc, mà từ nỗi sợ nhiễm phải một căn bệnh có thể gây chết người", Suenaga cho biết. Nhà hàng của cô vẫn tiếp đón bất cứ ai, nhưng toàn bộ nhân viên đều đeo khẩu trang y tế để ngăn ngừa dịch bệnh.
Kwong Wing Catering, một chuỗi nhà hàng ở Hong Kong cũng thông báo chỉ nhận thực khách nói tiếng Anh hoặc tiếng Quảng Đông.
"Theo một cách nào đó, tự tách mình ra khỏi những yếu tố có khả năng lây lan dịch bệnh là một phản ứng tự nhiên của con người, đặc biệt là khi căn bệnh đó chưa có biện pháp chữa trị", Karen Eggleston, Giám đốc chương trình Chính sách Y tế châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Stanford cho hay.
Tại Australia, The Herald Sun đã đăng tải dòng chữ "China Virus Panda-monium" bên trên hình ảnh chiếc khẩu trang màu đỏ (cách đọc chệch từ "pandemonium" có nghĩa là "đại dịch", ghép với "panda" có nghĩa gấu trúc, loài vật biểu tượng của Trung Quốc). Điều này khiến hơn 46.000 người trong cộng đồng gốc Hoa tại Australia phẫn nộ và cùng ký một bản kiến nghị, gọi đây là hành động phân biệt chủng tộc không thể chấp nhận.
Sự phân biệt này ảnh hưởng tới cả những người dân châu Á khác đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, một phụ nữ Việt Nam cho biết cô đã bị một tài xế taxi hét lên khiếm nhã: "Giữ lấy virus của mình đi, người Trung Quốc bẩn thỉu. Cô không được chào đón ở nước Pháp".
Tại Australia, Andy Miao, 24 tuổi, sinh viên gốc Hoa vừa trở về sau chuyến đi Trung Quốc, cho biết, hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng ném cho anh những cái nhìn thiếu thiện cảm nếu anh không đeo khẩu trang.
Người dân châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng từng chịu đựng tình cảnh tương tự vào năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát. Sau gần hai thập kỷ, số lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đã tăng lên rất nhiều.
Nhiều nước đã nỗ lực ngăn chặn sự phân biệt đối xử này bằng các hình thức khác nhau. Tại Toronto, các chính trị gia, hội đồng nhà trường và một số nhóm hoạt động xã hội đã kêu gọi công dân không lặp lại thái độ kỳ thị đã bao trùm thành phố vào năm 2003, khi dịch SARS quét qua và gây tử vong cho 44 người tại đây.
Với Indonesia, dù chính phủ đã đình chỉ các chuyến bay từ Vũ Hán, Thống đốc bang West Sumatra ông Irwan Prayitno không chấp thuận yêu cầu dừng đón khách du lịch từ Trung Quốc của một số đại diện công dân. Cuối tháng một, ông đã đích thân đến sân bay đón 174 hành khách đại lục.
Michiko Kubota, chủ cửa hàng thời trang tại một trung tâm thương mại ở Tokyo cho biết, cô hy vọng chính phủ Nhật Bản có thể làm nhiều điều hơn để hỗ trợ người dân Trung Quốc sinh sống tại đây.
Thục Linh (Theo NY Times)