Chia sẻ trong phiên ba của CTO Talks ngày 21/5 về nguồn nhân lực ông nghệ, ông An Ngọc Thao - Giám đốc Vinasa, người có cái nhìn tổng quát về doanh nghiệp và đội ngũ lãnh nhân sự công nghệ của Việt Nam, khẳng định: Chất lượng nguồn chất lượng cao của Việt Nam không thua kém mặt bằng chung của thế giới nhưng số lượng chưa nhiều. Ví dụ trong lĩnh vực AI, Việt Nam chỉ có khoảng 150 chuyên gia đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường học. Số lượng người tham gia trong các doanh nghiệp vẫn tương đối ít.
Chung nhận định với giám đốc Vinasa, Cao Văn Việt - Giám đốc sản phẩm của FPT Software cho rằng về mặt bằng chung, trình độ của kỹ sư Việt Nam cao hơn một chút so với các nước trong khu vực. "Bằng chứng là trong các cuộc thi, đội tuyển Việt Nam luôn giành những vị trí đầu bảng. Các tổ chức quốc tế như HackerRank, Topcoder cũng xếp hạng lập trình viên Việt Nam ở top dẫn đầu", Việt nói.
Còn theo Nguyễn Xuân Hiệu - CTO Techplus Solution - trong một số khía cạnh, kỹ sư Việt Nam thậm chí nhỉnh hơn mặt bằng chung của thế giới. Bằng chứng là chúng ta có nhiều kỹ sư người Việt có tiếng nói và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng công nghệ. Không ít người trong số đó là những startup tỷ USD.
Mặc dù được đánh giá là có đội ngũ kỹ sư trẻ, năng động, ham học hỏi, thị trường nhân lực số của Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế. Theo Bùi Thanh Minh - Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm của Misa, điểm yếu đầu tiên của lập trình viên Việt Nam là ngoại ngữ chưa tốt. "Trong ngành công nghệ thông tin, kiến thức luôn được cập nhật mỗi ngày, nếu muốn theo kịp xu hướng của quốc tế, các kỹ sư phải tốt về tiếng Anh. Vì vậy, ngoài việc nâng cao về trình độ kỹ thuật, ngoại ngữ cũng là điều cần lưu ý với kỹ sư Việt", Thanh Minh nói.
Một thách thức khác với thị trường nhân lực số ở Việt Nam là nguồn cung luôn thiếu hụt so với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều công ty thậm chí phải cạnh tranh để lôi kéo nhân sự giỏi. Cao Văn Việt dẫn chứng, ở FPT Software, trung bình mỗi năm phải tuyển dụng thêm 6.000 nhân sự nhưng vẫn luôn thiếu khoảng 1.000 vị trí. Trong những năm tới, khi quy mô doanh nghiệp mở rộng lên 10.000 nhân sự mới mỗi năm, con số thiếu hụt còn lớn hơn nữa.
Tương tự tại Misa, ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư, lập trình viên của công ty vẫn tăng 30% trong năm 2020. "Tìm đủ số lượng nhân sự đã khó, tìm được nguồn nhân sự chất lượng cao còn khó hơn nhiều", Bùi Thanh Minh chia sẻ. Đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp trong nước. Một số startup như Techplus Solution luôn phải tìm cách cân bằng giữa việc tìm kiếm một nhân sự giỏi, có kinh nghiệm hay tuyển dụng nhiều kỹ sư mới ra trường. Trong nhiều thời điểm, các doanh nghiệp buộc phải lựa chọn những người chưa có kinh nghiệm để về đào tạo.
Giải thích rõ hơn về việc tại sao thị trường đang rất "khát" nhân sự công nghệ thông tin, nhưng nguồn cung vẫn thiếu hụt lớn, ông An Ngọc Thao cho biết: Toàn ngành công nghệ thông tin Việt Nam hiện có khoảng 1,1 triệu lao động, nhưng trong đó chỉ có 30% là lập trình viên, tương đương 290.000 người. Chỉ có 158/248 trường đào tạo về công nghệ thông tin, trung bình cung ứng ra thị trường khoảng 50.000 sinh viên. Con số này trên thực tế là không đủ trong bối cảnh ngành công nghệ Việt Nam đang liên tục mở rộng.
Theo Giám đốc của Vinasa, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự, các công ty buộc phải đào tạo thêm nhân sự thay vì phụ thuộc thị trường. Một số nhân trong các ngành khác cũng được bổ sung kiến thức, kỹ năng để tham gia vào thị trường công nghệ thông tin.
"Về mặt quản lý nhà nước, Chính phủ đang đưa ra chiến lược đào tạo bài bản, hi vọng trong tương lai sẽ có đủ nguồn nhân sự chất lượng cao. Ở góc độ doanh nghiệp, các tổ chức như Vinasa cũng đang hợp tác với các viện nghiên cứu để đào tạo lớp nhân sự mới. Những nền tảng học lập trình trực tuyến như CodeLearn cũng đang giúp chia sẻ gánh nặng của thị trường nhân lực số", ông Thao cho biết.
Theo các lãnh đạo công nghệ, với quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường, trong vòng 10 năm tới, các ngành liên quan đến lập trình, kỹ sư về AI, Data science, Cloud, Blockchain vẫn sẽ được thị trường săn đón và có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, để tạo được nguồn nhân lực số chất lượng cao trong tương lai, các doanh nghiệp, tổ chức phải tiếp cận với thế hệ trẻ sớm hơn, ngay từ bậc tiểu học, trung học thông qua các cuộc thi hoặc giáo dục STEM đang phát triển ở Việt Nam.
Khương Nha