Trong bối cảnh nhiều hoạt động xã hội bị ngưng trệ vì Covid-19, việc thi đấu, tập luyện của đội tuyển kurash cũng chịu ảnh hưởng. Đến cuối năm 2021, các võ sĩ kurash Việt Nam mới có thể tăng tốc quá trình chuẩn bị cho SEA Games - giải đấu cũng được dời sang tháng 5/2022.
Cùng lúc, ban huấn luyện nhận thông báo từ Liên đoàn Kurash Thế giới về việc giải vô địch châu Á tại Tajikistan được dời sang tháng 3/2022. Thay đổi này vô tình lại thuận lợi bởi đội tuyển cũng đã lên kế hoạch đi tập huấn ở Uzbekistan - cái nôi của võ kurash và là quốc gia láng giềng với Tajikistan. Ngày 10/3, đội tuyển, với 10 võ sĩ và hai HLV, bắt đầu chuyến tập huấn - du đấu tại Trung Á kéo dài đến 30/3.
Giai đoạn một đội đồn trú tại Termez - thành phố cách thủ đô Tashkent, Uzbekistan khoảng 600 km, và gần Dushanbe - nơi đăng cai giải vô địch châu Á tại Tajikistan. Tại đây, các võ sĩ Việt Nam tập luyện cùng đội kurash thành phố Termez và được hai HLV dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn. "Tại Termez, đội tuyển thu được nhiều bài học hữu ích về các kỹ thuật cầm nắm áo để chiếm ưu thế, hoặc cách khống chế gây khó khăn cho đối phương, cùng với những bài tập tình huống rất hiệu quả trong thi đấu", HLV trưởng Nguyễn Tuấn Học nói với VnExpress.
Từ Termez, đội sang Dushanbe dự giải vô địch Kurash châu Á từ 17/3 đến 20/3. Trong lần đầu tranh tài tại giải đấu lớn tầm cỡ châu lục sau một thời gian dài bị "đóng băng", các võ sĩ Việt Nam chưa tìm lại được cảm giác thi đấu tốt nhất. Tuy nhiên, đội vẫn giành bốn huy chương, với HC bạc hạng trên 87kg của Trần Thị Thanh Thuỷ và ba HC đồng của Tô Thị Trang hạng dưới 48kg, Bùi Minh Quân hạng dưới 81kg, Vũ Ngọc Sơn hạng dưới 73kg.
Trong số này, Vũ Ngọc Sơn, Bùi Minh Quân, Trần Thị Thanh Thuỷ đều từng đoạt HC vàng ở SEA Games 30 ở Philippines năm 2019. Tô Thị Trang là gương mặt mới, nhưng tỏ ra bắt nhịp nhanh với các đàn anh, đàn chị và đem về thành tích cho đội.
Giải vô địch châu lục không chỉ giúp các võ sĩ tìm lại cảm giác thi đấu cao nhất, mà còn là dịp để ban huấn luyện xem giò đối thủ sắp tới tại SEA Games. Thái Lan giành ba HC đồng, trong khi Indonesia cũng đoạt một HC đồng. "Thái Lan dự gần đủ các hạng cân, Indonesia thì chỉ gửi ba VĐV sang. Ở những trận gặp các đối thủ Thái Lan, như ở hạng cân dưới 48kg, dưới 6kg và dưới 81kg, các VĐV Việt Nam đều thắng thuyết phục. Đội tuyển không đối đầu trực tiếp trận nào với các võ sĩ Indonesia, nhưng chúng tôi đã theo dõi và nhận thấy họ có VĐV hạng dưới 81kg thi đấu tốt dù không giành huy chương", HLV Nguyễn Tuấn Học đánh giá.
Sau giải châu lục tại Dushanbe, đội tuyển tiếp tục được thi đấu cọ xát ở hai giải đấu nữa. Đội đoạt một HC đồng tại giải Quốc tế lần 3 ở Tajikistan, rồi hai HC vàng, một HC bạc, một HC đồng tại giải Vô địch Tashkent, Uzbekistan, để khép lại chuyến du đấu tập huấn hơn ba tuần ở Trung Á.
Sau khi về nước ngày 30/3, toàn bộ đội tuyển tập trung tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 1 Hà Nội. "Chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện về thể lực và rèn thêm chiến thuật để các võ sĩ có thể phân phối sức, tấn công, phòng thủ hợp lý, để làm chủ được trận đấu và tự tin ra đòn hiệu quả", ông Học nói thêm.
Ở SEA Games 30 năm 2019, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn môn kurash với bảy HC vàng, một HC bạc, hai HC đồng. Trên sân nhà từ ngày 10/5 đến 13/5 tới, đội tuyển đặt mục tiêu giành năm HC vàng trong tổng số 10 hạng cân thi đấu - năm nam, năm nữ.
"Kurash Việt Nam có thuận lợi hơn ở SEA Games 30, vì đó là kỳ đầu môn võ được đưa vào thi đấu tranh huy chương. Việt Nam lúc đó cũng có một thời gian tiếp cận môn võ này và chuẩn bị lực lượng tốt", HLV Tuấn Học giải thích về việc hạ mục tiêu thành tích so với SEA Games ở Philippines ba năm trước. "Nhưng SEA Games 31 sẽ khó khăn hơn, vì các nước trong khu vực cũng tăng cường lực lượng, nhập tịch hoặc mời các võ sĩ hai quốc tịch về thi đấu. Ở hạng dưới 52 kg, Thái Lan có Noelle Grandjean - VĐV mang hai quốc tịch Thái - Pháp đánh rất ấn tượng. Ở hạng cân này tại SEA Games 30, Hoàng Thị Tình đoạt HC vàng, nhưng bây giờ Tình trở lại thi đấu môn sở trường là Judo, và chúng tôi phải đôn một VĐV trẻ hơn lên tranh tài".
Tuy nhiên, theo ông Học, với lợi thế sân nhà và sự cổ vũ của khán giả nhà, ông tin đội tuyển vẫn sẽ hoàn thành mục tiêu huy chương tại SEA Games 31.
Kurash là môn võ vật cổ truyền của các nước Trung Á, đặc biệt là Uzbekistan. Môn Kurash hiện đại bắt đầu được thành lập liên đoàn và tổ chức các giải đấu quốc tế từ cuối thập niên 1990. Kỹ thuật và thể thức thi đấu của môn này có nhiều điểm tương đồng với Judo, nhưng không có phần địa chiến. |
Lan Chi