"Kurash" trong tiếng Uzbekistan nghĩa là "vật". Đây cũng là quốc gia gắn liền với sự phát triển của môn võ này, đặc biệt là giai đoạn hiện đại. Với lịch sử khoảng 3.000 năm, kurash ghi dấu ấn trong nhiều lãnh vực, từ xã hội, văn hóa đến quân sự ở khu vực Trung Á. Nhiều triết gia thời Trung Cổ đã nhắc về môn võ này trong các tác phẩm của họ. Triết gia người Uzbekistan Avicenne (980-1037) - được xem là người tiên phong của y học hiện đại - từng viết rằng "tập kurash giúp cơ thể và tinh thần được khỏe mạnh".
Thế kỷ 9 đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh mẽ của kurash. Môn võ này được tập luyện rộng rãi, biểu diễn hoặc thi đấu trong các lễ hội truyền thống, các sự kiện địa phương... Đến thế kỷ 14, dưới thời Hoàng đế Thiếp Mộc Nhi (1336-1405) của đế quốc Timur - vùng lãnh thổ rộng lớn gồm Trung Á và Iran ngày nay, kurash được dùng để huấn luyện cho các binh sĩ. Theo thời gian, sự yêu thích môn võ này đã lan tỏa sâu rộng khắp vùng Trung Á. Ngày nay, có hàng triệu người thường xuyên tập luyện kurash tại Uzbekistan.
Đầu những năm 1980, Komil Yusupov - võ sĩ kurash, judo và sambo nổi tiếng ở Uzbekistan - quyết tâm mở ra con đường mới cho môn võ vật cổ truyền, với mục tiêu trở thành môn thể thao thi đấu quốc tế. Ông nghiên cứu, tổng hợp lại các kỹ thuật, luật lệ để soạn ra luật thi đấu mới với tiêu chí vẫn bảo tồn được những nền tảng truyền thống. Do đặc biệt ưu tiên các đòn đánh đứng, kurash không có địa chiến như judo. Luật thi đấu mới cũng được thiết kế cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với các đòi hỏi của một môn thể thao quốc tế, bao gồm những quy định về trang phục, hạng cân, thời gian của trận đấu...
Sau những biến động về chính trị ở giai đoạn cuối những năm 1980, đến đầu thập niên 1990, kurash hiện đại ra đời. Năm 1992, ông Komil Yusupov gặp Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov để thảo luận về việc phát triển mạnh mẽ môn võ này ra khỏi khu vực Trung Á. Sau đó, một nhóm các chuyên gia, võ sĩ nòng cốt dưới sự điều phối của Yusupov đã bắt đầu hành trình đưa kurash đến với nhiều nước. Năm 1992, nhóm tham gia biểu diễn ở các liên hoan võ thuật tại Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản...
Sau nhiều nỗ lực quảng bá, tháng 9/1998, tại Tashkent (Uzbekistan), hội nghị với đại diện 28 nước thuộc châu Âu, châu Á và châu Mỹ lập nên Liên đoàn Kurash Quốc tế (AIK). Các đại biểu đã thống nhất bầu Yusupov làm Chủ tịch, và Tổng thống Karimov làm Chủ tịch Danh dự. Cũng tại cuộc họp này, luật thi đấu mới do Yusupov soạn thảo đã được thông qua, trở thành luật thi đấu quốc tế của kurash.
Cùng dịp hội nghị thành lập AIK năm 1998, giải Quốc tế Kurash lần đầu tiên được tổ chức ở Tashkent với các võ sĩ đến từ 30 quốc gia. Giải diễn ra tại sân vận động Jar có 30.000 chỗ ngồi và gần như luôn kín khán giả. Tiếp nối thành công này, tháng 5/1999, Tashkent tổ chức giải Vô địch Thế giới Kurash lần thứ nhất, quy tụ võ sĩ từ 50 quốc gia. Lúc ấy, đấy là giải thể thao lớn nhất Uzbekistan từng tổ chức. Giải có ba hạng cân, dưới 73kg, dưới 90kg và không kể cân, và nhà vô địch ở ba hạng này đều là võ sĩ chủ nhà. Sau đó, kurash từng bước trở thành môn thi đấu ở một số đại hội thể thao khu vực và châu lục, bao gồm ASIAD và SEA Games.
Đầu tháng 7/2006, đoàn của Uỷ ban Olympic Uzbekistan sang làm việc với Tổng cục Thể dục Thể thao, và đề nghị được gặp riêng ông Nguyễn Hữu An - lúc ấy là Trưởng bộ môn Judo, ngỏ ý muốn phát triển kurash ở Việt Nam. "Sau khi nghiên cứu về kỹ thuật, luật thi đấu, tôi thấy có thể tham gia được", ông An - người hiện tại phụ trách các môn judo - kurash của Tổng cục Thể dục Thể thao - cho biết.
Sau đó, Việt Nam bắt đầu dự các giải quốc tế. Ban đầu, vì quá mới mẻ, lượng võ sĩ đi thi đấu hạn chế, và thường nhận hỗ trợ kinh phí từ AIK. "Để có thể tham gia thi đấu ngay, và do kurash có nhiều điểm tương đồng với judo, nên lực lượng chính của kurash Việt Nam đều là VĐV judo chuyển sang", ông An kể thêm.
Năm 2006, các võ sĩ Việt Nam dự giải vô địch thế giới tại Ukraine và không đạt huy chương nào. Một năm sau, ở giải vô địch thế giới diễn ra tại Mông Cổ, Việt Nam giành một HC đồng. Tới 2009, Đại hội Võ thuật châu Á tại Thái Lan và Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á (AIMAG) tại Việt Nam đều đưa kurash vào thi đấu.
Trong hơn 15 năm qua, các võ sĩ Việt Nam đều đặn giành huy chương tại các giải đấu khu vực, châu lục và thế giới. Thậm chí, trong năm 2013, tại giải vô địch thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, võ sĩ người Hà Nội Đào Lê Thu Trang giành HC vàng hạng dưới 48kg. Đến năm 2019, Việt Nam lần đầu tổ chức giải Vô địch các CLB Kurash toàn quốc.
Ở SEA Games 30 năm 2019, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn môn kurash với bảy HC vàng, một HC bạc, hai HC đồng. Hồi tháng 3, ngay trước thềm SEA Games 31, đội tuyển sang Dushanbe, Tajikistan dự giải vô địch châu Á. Và trong lần đầu góp mặt giải đấu tầm cỡ châu lục sau một thời gian dài không thi đấu - tập huấn quốc tế vì Covid-19, các võ sĩ Việt Nam đã giành bốn huy chương. Đó là HC bạc hạng trên 87kg của Trần Thị Thanh Thuỷ và ba HC đồng của Tô Thị Trang hạng dưới 48kg, Bùi Minh Quân hạng dưới 81kg, Vũ Ngọc Sơn hạng dưới 73kg.
Trên sân nhà từ ngày 10/5 đến 13/5, đội tuyển đặt mục tiêu giành năm HC vàng trong tổng số 10 hạng cân thi đấu - năm nam, năm nữ. Trong ngày thi đấu đầu tiên của bộ môn này ngày 10/5, Việt Nam giành bốn HC vàng. Tô Thị Trang - á quân châu Á 2022 - còn là người mở hàng HC vàng cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2021.
Luật thi đấu của kurash có nhiều điểm tương đồng với judo, cũng xét điểm theo tư thế ngã của đối phương. Nếu quật đối phương lưng chạm thảm với tốc độ nhanh, võ sĩ ra đòn được điểm tuyệt đối Khalol, và được xử thắng tức thì. Nếu đòn quật tốc độ chậm, hoặc đối phương té nghiêng một bên, võ sĩ ra đòn được điểm Yonbosh, và hai Yonbosh được tính là Khalol. Trong trường hợp đối phương chỉ ngã ngồi, hoặc ngã úp, người đánh được tính điểm Chala, nhưng điểm này thì không được cộng dồn để thành Khalol. Khác biệt lớn nhất của Kurash với Judo là không có địa chiến, chỉ đấu đứng. Ngoài ra, khi hết nửa thời gian mà chưa bên nào có điểm hoặc ưu thế, thì hai VĐV sẽ vào tư thế Chazo: dùng hai tay nắm đai nhau và bắt đầu đấu trong tư thế đó sau hiệu lệnh của trọng tài, để quyết định người thắng. |
Lan Chi
* [Cập nhật] Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 31
* Lịch thi đấu chi tiết của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31