Kipchoge và khát vọng chinh phục giới hạn

Chạy marathon (42,195km) trong 2 giờ mà không có bất kỳ trợ giúp nào là thử thách tiếp theo mà Eliud Kipchoge khao khát chinh phục.

* Marathon nam Olympic Tokyo 2020: 5h Chủ nhật 8/8, trên VnExpress.

Nếu ai đó có khả năng vượt qua "ngưỡng cơ thể" của con người trong một cuộc đua marathon ngay thập kỷ này, không ai khác chính là Eliud Kipchoge.

Trong sự kiện Ineos 1:59 - tại Vienna, Áo hôm 20/10/2019, Kipchoge hoàn thành marathon trong 1 giờ 59 phút 40,2 giây, trở thành người đầu tiên phá rào cản 2 giờ (sub2) dành cho cự ly 42,195 kilomet. Hôm đó, Kipchoge nhận được nhiều sự hỗ trợ bên ngoài, từ thiết bị tới con người, đồng thời không có đối thủ cạnh tranh, nên không được tổ chức Guinness hay Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics) công nhận kỷ lục. Nhưng nó vẫn là một minh chứng cho thấy con người đủ khả năng vượt qua mốc 2 giờ.

Thử thách với Kipchoge hiện tại là lập kỷ lục tương tự, nhưng trong điều kiện cạnh tranh bình thường. Thể trạng của Kipchoge - một lợi thế mang tính "di truyền" của người Kenya - cùng kế hoạch tập luyện bài bản, kỷ luật tạo niềm tin rằng chân chạy 36 tuổi đủ sức làm nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử loài người.

Cuộc thi marathon ở Olympic Tokyo 2020 diễn ra lúc 5h Chủ nhật 8/8 (giờ Hà Nội) là cơ hội để anh chinh phục thử thách đó.

Bí quyết cho bước chạy

Các VĐV Kenya như Kipchoge tốn ít thời gian hơn so với những đối thủ châu Âu trong giai đoạn giữ tư thế. Vì vậy, họ cải thiện hiệu quả bước chạy.
Khi chạy, Kipchoe sử dụng kỹ thuật nửa bàn chân.

Kỷ lục chạy marathon liên tiếp được rút ngắn cho thấy bức tranh rõ hơn về cách mà con người vượt qua giới bạn của bản thân. Tham vọng, quyết tâm, được kết hợp với những cải tiến kỹ thuật tập luyện, dinh dưỡng và tiến bộ công nghệ. Cộng đồng khoa học cũng tham gia vào quá trình này. Các lĩnh vực khác nhau, từ cơ sinh học tới di truyền học, năng lượng học hoặc khoa học hiệu suất... đều đóng góp vào các kỷ lục chạy marathon mà mới nhất là của Kipchoge, với 2 giờ 1 phút 39 giây ở Berlin Mararathon 2018. Nhờ đó, thế giới đã có một tiêu chuẩn rõ ràng về việc tạo nên một chân chạy marathon hoàn hảo - một siêu VĐV được rèn luyện nhờ những cải tiến. Nhưng đâu là tới hạn thời gian con người có thể chinh phục?

Simon Angus, một chuyên gia về thống kê và nghiên cứu các siêu VĐV, từng viết một bài báo trên tạp chí "Medicine and Science in Sports and Exercise" vào năm 2019. Trong đó ông khẳng định giới hạn của con người là 1 giờ 58 phút 5 giây cho cự ly marathon. Tương tự, Angus còn nêu rõ khung thời gian con người lập kỷ lục ở cự ly này : năm 2032 sẽ có 10% và 2054 là 25% - cơ hội đạt kỷ lục thế giới mới.

Haile Gebrselassie, một huyền thoại marathon người Ethiopia - cựu kỷ lục gia thế giới - thì không bận tâm nhiều đến các tính toán về số liệu. Sau khi Kipchoge chinh phục sub2 ở Vienna và làm nảy sinh nhiều tranh cãi xoay quay chuyện thành tích này không được công nhận kỷ lục, Gebrselassie có nói một câu mang tính biểu tượng: "Tôi chạy để làm nên lịch sử, để vượt lên, để chứng tỏ rằng sẽ chẳng có giới hạn nào với loài người".

Tiến Thành - Thuỳ Liên (theo AS)