"Tiền của Trump đấu với nỗi phiền của Kamala!", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/8 viết trên mạng xã hội Truth Social, khi những biến động dữ dội trên thị trường chứng khoán, tài chính khiến các nhà đầu tư Mỹ hoảng loạn. "Cử tri có quyền lựa chọn, thịnh vượng của Trump hay cú lao dốc của Kamala và cuộc đại suy thoái năm 2024".
Đến giữa buổi chiều ngày hôm đó, Trump đã đăng ít nhất 10 bình luận về chủ đề kinh tế, dường như nhằm tìm cách gây lo ngại về nguy cơ suy thoái, hy vọng rằng cử tri sẽ đổ lỗi cho đảng Dân chủ. Chiến dịch của ông nhanh chóng tạo ra một video điểm lại những bản tin truyền hình gần đây về các rắc rối kinh tế của đất nước, gắn chúng với Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris.
Các bài đăng của ông được đưa ra sau khi chỉ số Nikkei 225 Nhật Bản giảm hơn 12% vào cùng ngày, mức giảm tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ sau Thứ hai Đen tối năm 1987. Điều này lập tức thúc đẩy làn sóng bán tháo trên khắp châu Âu và Mỹ.
Bất ổn trên thị trường toàn cầu bùng lên trùng hợp với thời điểm báo cáo việc làm tháng 7 được công bố và gây thất vọng khi một số nhà kinh tế lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang quá thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất.
Theo giới quan sát, những bất ổn kinh tế gần đây tại Mỹ có nguy cơ làm sâu sắc thêm quan điểm của cử tri rằng nền kinh tế đang không ổn định, tạo cơ hội cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Trump xoay chuyển tình thế trong cuộc đua với Phó tổng thống Harris.
"Tin tức tiêu cực về nền kinh tế sẽ đè nặng lên chiến dịch của Harris", Micah Roberts, nhà thăm dò ý kiến đảng Cộng hòa, nhận xét. "Điều này có thể đặt dấu chấm hết cho 'kỳ trăng mật' mà bà ấy đang tận hưởng".
Mặc dù Harris đang dẫn trước Trump kể từ khi Tổng thống Biden rút lui khỏi cuộc đua Nhà Trắng, cựu tổng thống vẫn duy trì được lợi thế về khía cạnh kinh tế. Vấn đề càng trầm trọng hơn với Harris khi bà và Tổng thống Biden không thể làm gì nhiều trong ngắn hạn để xoa dịu các nhà đầu tư. Các thành viên Fed do Tổng thống bổ nhiệm nhưng hoạt động hoàn toàn độc lập.
Chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Trump đã trải qua nhiều tuần khó khăn kể từ sau khi Tổng thống Biden tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử và đảng Dân chủ bắt đầu đoàn kết xung quanh Phó tổng thống Harris. Bà nhanh chóng chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò, gây quỹ được số tiền khổng lồ và khiến cuộc đua trở nên cân sức hơn.
Tuy nhiên, hơn 50% số người được hỏi trong cuộc thăm dò mới nhất do Wall Street Journal thực hiện cho biết Trump có khả năng xử lý nền kinh tế tốt hơn và chỉ 40% nói rằng Harris phù hợp với nhiệm vụ quản lý kinh tế. Trong nhóm những cử tri độc lập, 57% tin vào khả năng quản lý nền kinh tế của Trump và chỉ 25% đặt niềm tin cho Harris.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao, ở mức mà người Mỹ chưa từng phải đối mặt trong nhiều năm. Ngay cả khi tỷ lệ lạm phát đã chậm lại, người Mỹ vẫn phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa so với trước đại dịch.
Nhà Trắng lập luận rằng thực tế nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia công nghiệp tương tự. Các đồng minh của bà Harris giải thích bà không liên quan chặt chẽ đến lạm phát như Tổng thống Biden, dù vậy mối liên kết giữa Harris với ông chủ Nhà Trắng vẫn khiến không ít cử tri ngần ngại đặt niềm tin vào bà, giới quan sát đánh giá.
Trump thường ca ngợi nền kinh tế Mỹ trong thời kỳ ông nắm quyền, trước khi đại dịch Covid-19 khiến nó chao đảo. Ngay cả khi tăng trưởng việc làm và thị trường chứng khoán được cải thiện dưới thời Tổng thống Biden, cựu tổng thống vẫn cố tình phớt lờ nó.
"Nếu Harris thắng cử, bạn sẽ nhanh chóng đối diện với một cuộc khủng hoảng kinh tế mang tên Kamala", Trump phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Atlanta hồi đầu tháng.
Đảng Dân chủ trong khi đó cho rằng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về hướng đi của nền kinh tế.
"Mọi thứ về nền kinh tế đều biến động, hiếm khi nó thay đổi đột ngột theo một hướng duy nhất và tôi không nghĩ điều đó đang xảy ra", Jason Furman, cố vấn kinh tế hàng đầu cho cựu tổng thống Barack Obama, nói.
Trong khi nền kinh tế là trọng tâm chiến dịch của ông, Trump thường bị phân tâm và thường xuyên đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi, làm suy yếu nỗ lực tranh cử. Ông từng bị chỉ trích vì cáo buộc bà Harris "bỗng nhiên trở thành người da đen". Và thượng nghị sĩ J.D. Vance, ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa, cũng chịu sức ép từ dư luận về bình luận vô cảm nhắm vào "những bà cô không con".
Harris đến nay cho thấy bà khá thận trọng trước vấn đề kinh tế, thừa nhận rằng cử tri vẫn cảm thấy lo lắng về điều này. "Chúng tôi tin vào tương lai nơi mọi người đều có cơ hội xây dựng doanh nghiệp, sở hữu nhà, tạo dựng của cải cho nhiều thế hệ", bà phát biểu trong một cuộc vận động hồi đầu tháng ở Atlanta.
"Phát triển tầng lớp trung lưu sẽ là mục tiêu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi", bà tuyên bố.
Nhóm Harris đã phát đi tín hiệu rằng bà sẽ tiếp tục chỉ trích hồ sơ cũ và cả kế hoạch quản lý nền kinh tế của Trump cho nhiệm kỳ thứ hai, trong đó có việc áp dụng mức thuế quan lớn lên các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có lĩnh vực sản xuất ôtô. Giới chuyên gia kinh tế nhận định việc ban hành mức thuế lớn như vậy sẽ gây ra lạm phát.
"Kế hoạch của chúng tôi là giảm chi phí và tiết kiệm hàng nghìn USD mỗi năm cho nhiều gia đình trung lưu", Phó tổng thống Mỹ nói tại Atlanta. "Nhưng Donald Trump lại có một kế hoạch khác sẽ khiến giá cả tăng lên với các gia đình trung lưu".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Reuters, AFP)