Maurice Obstfeld – cựu chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng lo ngại này là có cơ sở. "Tình hình hiện tại càng kéo dài, khả năng các nền kinh tế chịu hậu quả tương tự thập niên 70 càng lớn", ông nói.
Thập niên 70 có hai đợt giá nhiên liệu tăng, là OPEC cấm vận dầu mỏ năm 1973 và Cách mạng Hồi giáo tại Iran 6 năm sau. Vòng xoáy tăng giá – tăng lương là nguyên chân chính gây ra lạm phát dai dẳng và khiến các nền kinh tế tăng trưởng ì ạch một thời gian dài sau đó.
Tại Đức, sau cú sốc giá dầu 1973, các công đoàn phản ứng với việc lạm phát lên gần 8% bằng cách đẩy lương tăng hai chữ số. Việc này đã góp phần đẩy Đức vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại chiến Thế giới II.
Còn hiện tại, vài tuần kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai quân đội tại biên giới Ukraine, giá dầu thô đã vượt 130 USD một thùng. Nga hiện cũng là nước sản xuất chính nhiều hàng hóa, từ lúa mỳ, phân bón đến nickel. Lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm náo loạn các thị trường này.
Dù vậy, nhìn chung, giới kinh tế học cho rằng hậu quả này vẫn có thể tránh được. Tuy nhiên, những lý do họ đưa ra thì không mấy vui vẻ với cả các doanh nghiệp và người lao động.
Một là các nước sẽ tập trung đối phó lạm phát. Tăng trưởng kinh tế yếu đi, thậm chí suy thoái có thể là cái giá phải trả cho việc này. Các nền kinh tế mới nổi sẽ đặc biệt chịu tổn thương.
Điều này một phần là vì các ngân hàng trung ương, như Fed, đã rút ra bài học từ quá trình lạm phát kéo dài hồi thập niên 70, Mark Zandi - kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết. "Họ thà đẩy nền kinh tế vào suy thoái sớm, hơn là vừa tăng trưởng chậm vừa lạm phát và thất nghiệp cao (stagflation) rồi sau đó rơi vào một cuộc suy thoái tồi tệ hơn", Zandi nói.
Một lý do chính khác mà các nhà kinh tế học không cho rằng tình hình thập niên 70 lặp lại, là người lao động khó đàm phán tăng lương như thời đó. Tại Mỹ và Anh, các công đoàn đang giảm quy mô đáng kể. Thậm chí tại Đức – nơi họ đóng vai trò lớn hơn – người lao động cũng đã được cảnh báo về hậu quả nếu lương tăng quá cao.
Điều này đồng nghĩa khả năng lặp lại vòng xoáy tăng lương – tăng giá là rất khó. Tình hình hiện tại thậm chí còn khiến các hộ gia đình phải cân nhắc giảm chi, khi thu nhập không theo kịp giá lương thực thực phẩm và xăng.
Cả trong thập niên 70 lẫn hiện tại, các cú sốc đều đánh vào các nền kinh tế vốn đang đối mặt với lạm phát. Ví dụ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được dự báo tăng 7,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái - cao nhất kể từ năm 1982.
Thập niên 70 chứng kiến sự chấm dứt hoàn toàn hệ thống bản vị vàng, khiến đồng đôla mất giá. Bên cạnh đó là hệ quả từ đợt kích thích từ thập niên 60. Thậm chí, sự thiếu hụt cá cơm biển – nguyên liệu chính cho thức ăn gia súc – khiến giá thịt bò tăng cao.
Còn hiện tại, nguồn cơn lạm phát là Covid-19 khiến chuỗi cung ứng gián đoạn. Các chính phủ phải tăng chi tiêu công và nới lỏng chính sách tiền tệ. Châu Âu thậm chí đối mặt với khủng hoảng năng lượng trước cả khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Tuy nhiên, sự khác biệt là các nền kinh tế phát triển hiện ít phụ thuộc vào năng lượng hơn là cách đây 4 thập kỷ. "Tiêu thụ dầu trên GDP hiện thấp hơn và hiệu suất sử dụng năng lượng cũng được cải thiện", Paul Donovan – kinh tế trưởng tại UBS Wealth Management nhận định, "Không chỉ năng lượng, chúng ta hiện còn ít sử dụng hàng hóa hơn nhiều. Chỉ khoảng 20% giá bánh mỳ là tiền bột mỳ mà thôi".
Dù vậy, một vài số liệu trên có thể thay đổi trong cuộc khủng hoảng lần này. Tại châu Âu – nơi nhập khẩu dầu khí Nga lớn nhất – gánh nặng về chi phí năng lượng lên nền kinh tế này có thể sẽ lên cao nhất kể từ thập niên 70, theo Alex Brazier – cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Anh.
Làn sóng tăng giá do hàng hóa cũng đồng nghĩa các ngân hàng trung ương đau đầu hơn khi phải cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và thúc đẩy kinh tế. Tại Mỹ, nhà đầu tư vẫn dự báo Fed sẽ nâng lãi ít nhất 6 lần năm nay, mỗi lần 0,25%, bắt đầu từ tuần tới. Các nhà kinh tế học tại Citigroup còn dự báo Fed sẽ nâng lãi 0,5% vào một thời điểm nào đó.
Dù vậy, Isabella Weber – nhà kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst – cho rằng việc dựa vào Fed để kiềm chế giá cả có thể gây ra những thiệt hại kinh tế không cần thiết. Bà cho rằng nên có ít nhất một cuộc thảo luận nghiêm túc về việc chính phủ phải kiểm soát giá hàng thiết yếu.
Từ tháng 12, Weber đã lên tiếng cảnh báo việc này. Hiện tại, bà cho biết tình hình còn tồi tệ hơn, do giá thực phẩm và năng lượng đều tăng cao.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực để không lặp lại sai lầm thập niên 70. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cảnh báo các công ty về việc lợi dụng tăng giá. Khi thông báo cấm nhập khẩu dầu Nga hôm 8/3, Biden cho biết chính phủ Mỹ sẽ rà soát kỹ ngành xăng dầu để tìm dấu hiệu "tăng giá quá mức hoặc trục lợi".
Về lương, tại nhiều quốc gia (như Mỹ và Anh), năng lực đàm phán lương của các liên đoàn lao động đã giảm đáng kể. Đức, nơi công đoàn vẫn còn khá mạnh, cũng rút ra bài học từ thập niên 70. Hiện tại, các công đoàn và chủ lao động đã tìm đến chính phủ để nhờ trợ giúp. IG Metall (công đoàn lớn nhất Đức) và Gesamtmetall (hiệp hội các chủ doanh nghiệp) đang "tìm gói giải pháp toàn diện" để bù đắp ảnh hưởng của lạm phát.
Các nước như Pháp và Tây Ban Nha thì dùng chính sách tài khóa để xoa dịu cú sốc lạm phát. Họ hỗ trợ các hộ gia đình trả hóa đơn. Một số nhà kinh tế cũng ủng hộ cách tiếp cận tương tự tại Mỹ.
Tất cả những chính sách này giúp kinh tế toàn cầu có bộ đệm tốt hơn hẳn thập niên 70. Christopher Smart – kinh tế trưởng tại Barings cho biết. Ông dự báo nếu có xảy ra, thời kỳ stagflation cũng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Dù vậy, ông cho rằng việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã châm ngòi cho "một cuộc khủng hoảng thực sự có thể kéo dài nhiều năm hoặc hàng thập kỷ".
Hà Thu (theo Bloomberg)