Các bác sĩ và lãnh đạo Trung tâm Y tế Đại học Nebraska tính toán nếu họ tiếp tục sử dụng khẩu trang y tế chỉ một lần, sẽ hết khẩu trang sau vài tuần.
Đứng trước tình thế này, ngày 19/3, trung tâm bắt đầu quy trình thử nghiệm khử trùng khẩu trang bằng tia cực tím để tái sử dụng. Thay vì dùng một lần, những chiếc khẩu trang y tế sẽ được sử dụng nhiều lần trong một tuần hoặc lâu hơn.
Trung tâm này là nơi đầu tiên tại Mỹ lựa chọn cách khử trùng và tái sử dụng khẩu trang, mặc dù cách này vi phạm quy định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
"Chúng tôi đang đưa ra những lựa chọn tốt nhất trong lúc này", bác sĩ Mark Rupp, Trưởng Khoa Truyền nhiễm của trung tâm cho biết. Ông tin rằng khẩu trang sau khi khử khuẩn vẫn bảo vệ được các nhân viên y tế.
"Rõ ràng bạn có thể tiêu diệt và làm bất hoạt virus bằng tia cực tím", Rupp nói.
Ông cũng không phủ nhận có những rủi ro vì đang thử nghiệm, nhưng đây là giải pháp tốt nhất mà trung tâm có thể làm trong thời gian chờ nguồn cung mới.
"Tôi ngủ rất ngon. Nếu chúng ta bị kiện, tôi vẫn nghĩ chúng ta đang làm điều đúng đắn", bác sĩ Rupp chia sẻ.
Trung tâm Y tế Đại học Nebraska dùng tia cực tím để khử khuẩn, do tính tiện lợi và hiệu quả cao. Các bệnh viện đã sử dụng ánh sáng tia cực tím để khử trùng phòng sau khi điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.
"Chúng tôi dùng đèn UV lớn, nhấn bắt đầu và rời khỏi phòng, để đèn sáng trong 3-5 phút", Tiến sĩ John Lowe, người thiết kế chương trình khử khuẩn cho biết. Tiến sĩ Lowe sử dụng gấp 3 lần lượng tia cực tím cần thiết để khử trùng cho khẩu trang. Ngoài ra, ông cũng cho kiểm tra kỹ khẩu trang trước mỗi lần sử dụng.
Các nhân viên y tế viết tên lên khẩu trang trước khi sử dụng. Sau khi được tháo ra để khử khuẩn, khẩu trang được đặt trong các túi màu nâu có tên nhân viên.
Hiện tại, các nhân viên tái sử dụng mỗi khẩu trang trong một tuần trước khi vứt bỏ nó. Tuy nhiên, trung tâm có thể quyết định tiếp tục sử dụng chúng trong 10 ngày hoặc thậm chí hai tuần, bác sĩ Rupp nói.
Khử trùng và tái sử dụng khẩu trang không phải là ý tưởng mới. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều phương pháp bằng ánh sáng cực tím, thuốc tẩy, khí ethylene, nhiệt ẩm. Họ kết luận có thể khử trùng để tái sử dụng. Nhưng các nghiên cứu quy mô nhỏ và mối quan tâm khoa học về vấn đề này còn lẻ tẻ khi chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt khẩu trang.
Thiếu hụt khẩu trang và vật tư y tế là tình trạng chung đang báo động tại Mỹ cũng như các nước chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Kho dự trữ vật tư y tế chiến lược của chính phủ Mỹ hiện có 12 triệu chiếc khẩu trang N95 và 30 triệu khẩu trang y tế thông thường. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Mỹ sẽ cần tới 3,5 tỷ chiếc khẩu trang để sử dụng suốt một năm.
Tính đến ngày 22/3, Covid-19 đã xuất hiện ở 187 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 300.000 người bệnh, hơn 13.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn thứ ba trên thế giới với hơn 26.000 ca và hơn 320 người tử vong, sau Trung Quốc và Italy.
Lê Cầm (Theo New York Times)