Gia đình chị Trần Thị Ngọc An (30 tuổi, ngụ xã Định Hòa, huyện Lai Vung) có vườn cau sau nhà rộng 7.000 m2, trồng hơn 10.000 cây. Mục đích ban đầu chỉ là trồng cau bán trái. Nhiều lần mo cau rụng, gia đình chị phải dọn dẹp tốn công, chưa kể việc đốt bỏ còn phát thải khí C02. Bỏ hoài thấy tiếc, nữ cử nhân chuyên ngành kinh tế tìm cách tận dụng làm đồ dùng.
"Tôi biết một số nước làm được đồ nhà bếp bằng mo cau, nên ấp ủ nghiên cứu máy móc, để tạo ra chén dĩa, mất hơn một năm trời", chị An chia sẻ với Đài truyền hình Đồng Tháp.
Sau khi gia đình sử dụng, thấy sản phẩm có độ bền, lại thân thiện với môi trường, năm 2022 chị nảy ý tưởng khởi nghiệp từ mo cau. Hiện nay, cơ sở sản xuất mang tên Cau Việt của chị đã sản xuất được 15 loại sản phẩm từ mo cau như chén, dĩa, muỗng, quạt...
Chị An chia sẻ, trong quá trình khởi nghiệp, chị gặp không ít khó khăn. Do là sản phẩm từ thiên nhiên nên nguồn nguyên liệu hạn chế, phụ thuộc vào diện tích trồng cau. Để ra thành phẩm, chị phải thực hiện nhiều công đoạn thủ công. Đầu tiên, thu gom mo cau rụng rồi phơi khô để bảo quản được lâu. Sau đó, vệ sinh mo cau, rửa sạch, đợi ráo nước, đem vào máy ép nhiệt với nhiệt độ khoảng 120 độ C. Ở nhiệt độ này, cái mo cau sẽ được định hình sản phẩm theo khuôn. Sau đó, chị tiếp tục chọn lọc, giữ lại các sản phẩm sạch đẹp, cái nào có khuyết điểm thì bỏ ra. Cuối cùng, vệ sinh sạch sẽ lại rồi đóng gói.
Thời gian đầu, chị chưa có kinh nghiệm, những sản phẩm không đẹp mắt lắm. Chị kiên trì theo đuổi, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, sản phẩm dần hoàn thiện, mang tính nghệ thuật và được khách hàng đón nhận.
Sản phẩm cứng cáp để người dùng có thể cầm nắm chắc chắn. Chén dĩa từ mo cau có màng bọc tự nhiên chống thấm nước nên có thể đựng được thức ăn dạng lỏng, nếu đựng thực phẩm khô như các loại hạt... thì có thể tái sử dụng nhiều lần. Sản phẩm có hương thơm dịu nhẹ và màu sắc tự nhiên của mo cau tạo nên cảm giác ngon miệng và gần gũi với thiên nhiên.
Theo chị An, những sản phẩm này 100% làm từ mo cau, dùng nhiệt độ cao để ép thành khuôn, không chứa phẩm màu, hóa chất, chịu được nhiệt độ cao không nóng chảy, an toàn khi đựng thức ăn sôi, nóng và dùng được trong lò vi sóng. Sản phẩm khi bỏ đi có thể phân hủy tự nhiên trong thời gian 6-7 tháng, tạo chất hữu cơ tốt cho đất, giảm bớt gánh nặng rác thải cho môi trường.
Cũng tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, kết hợp việc đưa công nghệ vào sản xuất, anh Nguyễn Trường An (31 tuổi, ngụ ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) đã tạo ra những sản phẩm có giá trị sử dụng và thân thiện môi trường. Nhận thấy Đồng Tháp có rất nhiều vỏ ấu bị thải bỏ sau khi chế biến, anh đã nghiên cứu làm phân vi sinh hữu cơ từ loại phế phẩm này, từ tháng 10/2020.
Sau nhiều lần thử nghiệm, đến nay, anh An đã chế biến ra phân bón dạng bột và dạng viên từ vỏ ấu. Sản phẩm được đóng theo túi 2 kg và bao 25 kg. "Tôi đã giới thiệu sản phẩm cho nhiều người thử nghiệm và thấy hiệu ứng khá cao, được nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng ưa chuộng", anh An chia sẻ về các loại phân vi sinh hữu cơ từ vỏ ấu.
Bên cạnh đó, anh An còn nghiên cứu làm rượu vang làm từ ấu hay sản phẩm ấu luộc nước dừa và đã được người dùng đón nhận. "Tôi cũng đang nghiên cứu thêm một số sản phẩm làm từ ấu khác để có thể tận dụng toàn bộ loại củ này, tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ cây ấu", anh An cho biết.
Nhằm khuyến khích thanh niên địa phương phát triển những ý tưởng khởi nghiệp xanh, tỉnh Đồng Tháp có nhiều chương trình đồng hành.
Đơn cử chương trình "Chuyến xe Khởi nghiệp Đất Sen hồng", "Ươm tạo Đàn Sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng năm 2023" trong năm 2023.
Năm nay, trong khuôn khổ Diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 2024, cuộc thi "Sáng kiến Mekong năm 2024" được tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững".
Cuộc thi nhằm góp phần tôn vinh những đơn vị kinh doanh theo hướng sáng tạo, bền vững, xanh hóa, biết thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng lực chuyển đổi và các mô hình chuyển đổi gắn với yếu tố đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, ban tổ chức chào đón các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mô hình, giải pháp liên quan đến ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; vận dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; giải pháp chế biến, khai thác, tạo giá trị gia tăng tài nguyên bản địa; và các lĩnh vực khác phù hợp chủ đề cuộc thi.
Ngoài giải thưởng tiền mặt - một giải nhất (100 triệu đồng), một nhì (50 triệu đồng), một ba (30 triệu đồng) và 5 khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng), dự án đạt giải còn nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt, chủ nhân các giải thưởng còn có cơ hội tham gia khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trong khuôn khổ diễn đàn; được hỗ trợ hoàn thiện giải pháp sáng tạo theo kế hoạch của ban tổ chức và UBND tỉnh Đồng Tháp (theo chính sách được triển khai tại tỉnh).
Đối tượng dự thi gồm cá nhân, tập thể, đơn vị, tổ chức thuộc ngành nghề phù hợp quy định pháp luật lẫn tiêu chí cuộc thi. Các dự án, mô hình, giải pháp, sáng kiến dự thi đã, đang và có thể áp dụng ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, có thời gian triển khai hoạt động không quá 5 năm.
Ban tổ chức nhận bài thi trước ngày 25/10.
Tham khảo thể lệ cuộc thi và nộp bài dự thi tại đây.
Kim Ánh