Nhóm nhân viên mới của công ty mì ăn liền Kim Mai Lang cuối tháng 4 được đưa về vùng nông thôn ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, nơi họ tham gia khóa đào tạo dài một tuần.
Ngày đầu tiên, huấn luyện viên yêu cầu mỗi người chống đẩy 80 cái và đứng dưới nắng hàng tiếng đồng hồ. Ngày cuối cùng, họ phải hoàn thành hàng trăm động tác squat, đi bộ 60 km vác túi nặng hành quân xuyên vùng nông thôn giữa thời tiết 30 độ C, thậm chí xin đồ ăn từ người lạ để "trau dồi kỹ năng sinh tồn".
Đây không phải lần đầu các công ty Trung Quốc áp dụng chương trình huấn luyện tân binh theo phong cách quân đội. Các nhà quản lý tin rằng đây là phương thức hiệu quả để bồi đắp tinh thần đồng đội nhưng nhiều người lao động cảm thấy bất bình.
Sự việc tại công ty Kim Mai Lang gây xôn xao dư luận khi báo chí địa phương dẫn lời kể của một nhân viên ngày 11/6. Nhiều người cho rằng khóa huấn luyện không nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần đồng đội mà chỉ nhằm kiểm tra nhân viên có sẵn sàng thuận theo văn hóa làm việc khắc nghiệt của công ty hay không.
"Đây là giai đoạn đầu tiên của dạy dỗ nhân viên làm việc như trâu như ngựa: Bỏ chạy hoặc đầu hàng" là bình luận thu hút nhiều tương tác nhất.
Các khóa huấn luyện tân binh khắc nghiệt đang ngày càng trở nên phổ biến ở các công ty tại Hà Bắc, đặc biệt là những doanh nghiệp quản lý kiểu "tiêu chuẩn cao, cường độ cao", theo truyền thông địa phương. Cách làm này cũng đang lan rộng ở nhiều khu vực tại Trung Quốc.
Liang Yi, 24 tuổi, cho biết từng phải tham gia khóa huấn luyện tương tự lúc mới đi làm cho một công ty điện lực tư nhân lớn có trụ sở tại Giang Tây, miền đông Trung Quốc hồi năm 2023.
Cô ở nông thôn 13 ngày, tham gia các hoạt động chạy, đứng nghiêm, và nhiều bài tập thể chất giữa cái nóng lên tới 38 độ C. "Tôi cảm thấy bị lừa", Liang nói. "Tôi cho rằng khóa huấn luyện không cần thiết. Việc này đòi hỏi thể lực. Tôi sụt vài cân mà chúng tôi không học hỏi được bất kỳ kỹ năng thực tế nào cần thiết cho công việc".
Trong quá trình tuyển dụng, công ty không đề cập tới chương trình huấn luyện. Khi cô phản đối, quản lý nhấn mạnh khóa đào tạo là cần thiết để bồi dưỡng tinh thần đồng đội và sự kiên cường.
"Đôi khi, có cảm giác như công ty đang muốn kiểm soát chúng tôi về mặt tinh thần, chỉ trích chúng tôi không đủ năng lực vượt qua những cái mà công ty gọi là 'thử thách nhỏ nhặt'", Liang nói.
Thái độ phản đối với các chương trình huấn luyện này đang gia tăng, không chỉ ở người lao động trẻ như Liang. Trong bài xã luận đăng ngày 11/6, Jimu News, báo của chính quyền tỉnh Hồ Bắc, bình luận rằng sự gia tăng các trại huấn luyện kiểu này thể hiện "văn hóa sói", khái niệm chỉ các chủ lao động đòi hỏi nhân viên tuyệt đối vâng lời và làm việc chăm chỉ quá mức mà không cần khen thưởng.
"Việc họ quá quyết liệt sẽ dẫn tới các hành vi phạm pháp, vô nhân tính, khiến nhân viên căng thẳng", bài xã luận có đoạn. "Trong thời đại công sở ngày nay, văn hóa sói đã lỗi thời".
Tuần này, nhiều chuyên gia pháp lý đưa ra nhận định rằng công ty Kim Mai Lang có thể đã vi phạm luật lao động. Chen Yuan, luật sư công ty luật Yingke Bắc Kinh ở Thượng Hải, cho rằng khóa huấn luyện kiểu này chỉ nên được áp dụng nếu nó cần thiết với một số vị trí nhất định.
Công ty phải tuân thủ luật đảm bảo an toàn và sức khỏe, đồng thời thông báo cho nhân viên về tính chất cụ thể của chương trình. Trong trường hợp này, Kim Mai Lang có thể đã vi phạm quyền của nhân viên bởi không thông báo rõ ràng cho họ về chương trình.
Đại diện của nơi tổ chức khóa huấn luyện cho Kim Mai Lang cho hay chương trình tương đối khắc nghiệt nhưng "người trưởng thành có thể hoàn thành được" và luôn có nhân viên y tế túc trực. Đơn vị này đã xóa video quảng cáo có mặt của các nhân viên Kim Mai Lang trên các tài khoản mạng xã hội.
Hồng Hạnh (Theo Sixth Tone/Zgcsj)