Các dự án thuộc các lĩnh vực big data, y sinh tính toán, gene và tế bào, khoa học vật liệu, giao thông thông minh, IoT, nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên... lựa chọn trong số 200 hồ sơ đăng ký sau 6 tháng công bố nhận tài trợ, bởi Hội đồng Khoa học công nghệ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).
Mức tài trợ cao nhất là 10 tỷ đồng/dự án, các nhà khoa học được sử dụng để chi trả cho lương của thành viên dự án, chi phí thuê chuyên gia trong nước và quốc tế; mua nguyên, nhiên, vật liệu và các vật tư, dụng cụ; mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thực hiện công bố quốc tế và đăng ký sáng chế...
Các dự án nhận được tài trợ cần đạt được tối thiểu một trong bốn yêu cầu gồm: Có bài báo công bố trên tạp chí quốc tế hoặc các tổ chức nghiên cứu có uy tín xếp hạng Q1 hoặc tương đương; sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng; chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; đào tạo thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ trong nước. Trong tháng 8/2019, các dự án sẽ bắt đầu nhận tài trợ để triển khai.
Là một trong số 20 chủ nhiệm dự án nhận tài trợ đợt này, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại Học Fulbright Việt Nam sẽ sử dụng dữ liệu lớn để tối ưu hóa, tính toán kết nối, khả năng phục hồi và nhu cầu của mạng lưới xe bus ở TPHCM. Ông cho biết, nhóm nghiên cứu chỉ mất trên 3 tháng từ khi nộp hồ sơ, xét duyệt và có kết quả lựa chọn dự án được tài trợ. Với cách làm này, ông tin tưởng các nhà khoa học có cơ hội hiện thực hóa ý tưởng nghiên cứu, có cơ sở để đi tiếp các bước đã đi để đạt đến đỉnh cao.
Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VinIF cho biết, Quỹ được thành lập nhằm hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của Việt Nam. Việc tài trợ hướng đến các nghiên cứu khoa học, công nghệ có thể đem lại sự thay đổi cho xã hội; xây dựng hệ sinh thái nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và gắn kết nhà nghiên cứu - viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp.
Quỹ VinIF được thành lập ngày 21/8/2018 với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hoạt động dựa trên nguyên tắc phi lợi nhuận. Các tài sản mua sắm và hình thành từ dự án như sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ cùng các kết quả dự án khác hoàn toàn thuộc về chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu hoặc tổ chức chủ trì.
Để được nhận tài trợ, chủ nhiệm dự án phải là nhà khoa học có bằng tiến sĩ, đã có kinh nghiệm và thành tựu; số lượng người nước ngoài tham gia dự án không được vượt quá 30%. Trường hợp chủ nhiệm dự án là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, cần có thời gian làm việc trong nước tối thiểu 3 tháng/năm trong thời gian chủ nhiệm dự án. Quỹ sẽ tài trợ hàng năm cho các dự án xuất sắc để thúc đẩy các nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tế.