Tuần trước, Ma Xiaowei, giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, thông báo một số bệnh nhân có thể lây lan 2019-nCoV trong thời kỳ ủ bệnh kéo dài tới 14 ngày trước khi triệu chứng xuất hiện. Trong nghiên cứu công bố hôm 30/1 trên tạp chí New England Journal of Medicine, các bác sĩ mô tả một bệnh nhân ở Đức nhiễm virus khi ghé thăm đối tác ở Thượng Hải dù không bộc lộ triệu chứng. Những thông tin trên dấy lên khả năng bệnh nhân có thể phát tán virus rất lâu trước khi họ biết mình mắc bệnh.
Hiện nay, giới nghiên cứu biết rất ít về những gì diễn ra trong giai đoạn ủ bệnh của nCoV. Họ đang xem xét một số đặc điểm như virus xâm nhập vào cơ thể người từ bộ phận nào, chúng chủ yếu cư trú ở đâu và tác động tới hệ miễn dịch ra sao.
Để lây nhiễm, virus phải xâm chiếm tế bào và bắt đầu sao chép. Tốc độ lan rộng khắp cơ thể của virus phụ thuộc vào vòng đời của chúng. Đối với SARS, khoảng thời gian là chưa đầy 24 giờ. Virus có thể tác động tới tế bào, sau đó phát ra hàng nghìn mầm bệnh trong gần một ngày sau, theo Tim Sheahan, nhà dịch tễ học ở Đại học North Carolina ở Chapel Hill, người nghiên cứu dịch SARS năm 2003. Đó là cách virus có thể tăng lên theo cấp số mũ. Cuối cùng, virus tái sắp xếp màng của tế bào, thúc đẩy vài tế bào nhập vào nhau. Quá trình gây ra tổn thương ở mô của vật chủ đủ để báo động hệ miễn dịch, kích hoạt phản ứng gây ra các triệu chứng khi bệnh nhân bắt đầu chống lại sự lây nhiễm.
Những chủng virus corona như virus gây ra dịch SARS và MERS đặc biệt thành thạo trong việc tránh hệ miễn dịch phát hiện và kìm hãm phản ứng miễn dịch. Điều này góp phần lý giải tại sao chúng thường có thời gian ủ bệnh lâu hơn, trung bình từ 2 đến 7 ngày, thậm chí kéo dài tới 2 tuần, so với bệnh lây nhiễm thông thường như cúm mùa (ủ bệnh từ 1 đến 4 ngày). Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác nCoV tác động đến hệ miễn dịch như thế nào.
Dù các nhà khoa học Mỹ sẽ sớm tiếp cận mẫu vật nCoV để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, hiện nay họ chỉ có thể nghiên cứu virus thông qua phân tích dữ liệu dịch tễ và di truyền mà Trung Quốc công bố. Việc hiểu rõ những đặc điểm trong thời kỳ ủ bệnh đóng vai trò rất quan trọng giúp cộng đồng nghiên cứu và y bác sĩ xác định nên cách ly bệnh nhân khi nào và trong bao lâu.
Nghiên cứu gần đây dựa trên dữ liệu từ 34 bệnh nhân ở ngoài Vũ Hán ước tính thời kỳ ủ bệnh rất đa dạng, từ 1 tới hơn 11 ngày, trung bình khoảng 6 ngày. Nhưng có vài câu hỏi các nhà nghiên cứu chỉ có thể trả lời sau khi xem xét virus thực sự.
Một phương pháp là sử dụng mô hình động vật để theo dõi cách virus truyền qua đường hô hấp. Việc tìm hiểu bệnh nhân nhiễm từ đâu và virus cư trú ở đâu là mấu chốt để quyết định mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan, theo Vineet Menachery, nhà vi trùng học ở Đại học Texas Medical Branch. Một virus sao chép ở đường hô hấp dưới thì thường nghiêm trọng hơn, nhưng virus sao chép ở đường hô hấp trên có thể dễ lây lan hơn.
Nơi virus nhân bản cũng có ý nghĩa đối với cách kiểm tra bệnh nhân. Phương thức kiểm tra phổ biến trên khắp thế giới dựa vào nhiệt độ cao và triệu chứng hô hấp. Nếu nCoV sao chép ở đường hô hấp dưới, có thể dùng dụng cụ thử nhớt mũi để kiểm tra bệnh nhân ngay cả khi họ không bộc lộ triệu chứng.
Virus cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường, theo Buchmeier. "Bạn có thể cho rằng đây chỉ là bệnh hô hấp nhưng trên thực tế, nó có thể lây nhiễm qua bất kỳ bề mặt niêm mạc nào. Và chúng ta không biết việc lây nhiễm qua những con đường khác nhau có khác biệt gì ở thời kỳ ủ bệnh", Buchmeier nói.
Menachery đang lên kế hoạch nghiên cứu cách virus tương tác với hệ miễn dịch trong dòng tế bào hô hấp của người. Ông và cộng sự hy vọng có thể xác định công cụ virus sử dụng để lẩn tránh hệ miễn dịch và cơ thể mất bao lâu để đưa ra phản ứng miễn dịch. Thông tin thu được sẽ giúp phát triển vắcxin ngừa virus.
An Khang (Theo The Scientist)