TS Trần Việt Hùng (41 tuổi) là nhà sáng lập Got It - startup công nghệ đã huy động 25 triệu USD vốn đầu tư có trụ sở tại thung lũng Silicon, Mỹ. Một ngày hè 2019, anh nhận được lá thư xin thực tập tại Got It của cậu bé 13 tuổi. Có chút ít kiến thức về lập trình, cậu bé mong muốn được trải nghiệm công việc thực tế của một lập trình viên trong vài tháng hè. Nhận thấy hình ảnh của bản thân ngày trẻ trong cậu bé, anh quyết định nhận cậu vào và đào tạo thêm. Từng tham gia giảng dạy cho sinh viên đại học, anh thử nghiệm dùng giáo trình sinh viên đại học Mỹ dạy cậu bé.
Với "đồ án tốt nghiệp" là chế tạo xe tự lái bằng trí tuệ nhân tạo cho cậu bé 13 tuổi, anh tìm mua một chiếc xe điều khiển từ xa, tháo hết thiết bị trong đó ra, thay bằng một board mạch Raspberry Pi và kết nối nó với một camera nhỏ. Sau đó, anh và các kỹ sư tại Got It hướng dẫn cậu bé thu thập dữ liệu để đào tạo ra các AI model và để cho AI điều khiển cái xe. Cuối cùng, chiếc xe cũng có thể tự lái được trước sự ngạc nhiên của nhiều người.
"Bọn trẻ con bây giờ khá thật. Nếu được đầu tư để tiếp cận công nghệ từ sớm, chúng sẽ phát triển và có tương lai rất sáng", anh Hùng nghĩ và mong muốn làm điều gì đó cho lớp trẻ Việt Nam.
Đầu tháng 11/2020, anh cùng cộng sự trong nước lên kế hoạch chi tiết cho năm mới. Nhiều năm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo (AI) tại thung lũng Silicon, anh Hùng Trần luôn mong muốn có thể ứng dụng những kết quả này để ươm mầm thế hệ trẻ Việt Nam.
Nhận thấy, thế hệ trẻ Việt có lợi thế học toán, xác suất, thống kê khá tốt, nhưng lại không được tiếp xúc công nghệ từ sớm. Đến khi học đại học, chương trình cho sinh viên lại không đào tạo kỹ sư làm sản phẩm công nghệ, mà chủ yếu đào tạo kỹ sư gia công phần mềm để học nhanh và dễ kiếm việc. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của lớp trẻ Việt Nam trong tương lai.
Anh Hùng tính toán, mỗi năm Việt Nam có khoảng 7-8 triệu trẻ em từ 8-16 tuổi. Nếu có thể đào tạo tốt 10% trong số này thì có thể có thêm hàng trăm nghìn kỹ sư công nghệ giỏi trong tương lai. "Không những thế, những kiến thức khoa học máy tính giúp trẻ em học được tư duy logic để giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực của đời sống không nhất thiết phải đi theo con đường công nghệ. Các kỹ năng này tạo lợi thế cạnh tranh trong tương lai khi mà làm ngành nghề gì cũng phải ít nhiều liên quan tới công nghệ", anh nói.
Với niềm tin này, TS Hùng nhen nhóm ý tưởng thành lập tổ chức phi lợi nhuận đào tạo các kiến thức về STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán). Từ cuối năm 2019, anh Hùng bắt đầu tìm kiếm đồng đội để phát triển STEAM for Vietnam. Trình bày ý tưởng, anh nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn trẻ đang học tập và làm việc tại Mỹ, cùng chung mong muốn giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận kiến thức về khoa học máy tính, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. STEAM for Vietnam được ra đời tháng 6/2020 và khởi động bằng việc cung cấp kiến thức về khoa học máy tính, tạo nền tảng ban đầu cho trẻ em.
"Đây là những người mà có nhiều tiền cũng không dễ gì tuyển được. Để thu hút họ thì phải đưa ra một câu chuyện và một kế hoạch thực thi rõ ràng", anh chia sẻ. Đến nay, đội ngũ vận hành của dự án là 140 kỹ sư máy tính, quản lý sản phẩm, khoa học dữ liệu, và chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác cũng như các du học sinh Việt trên toàn thế giới.
Cùng một khái niệm nhưng tư duy và cách học của mỗi người đều khác nhau nên những kiến thức về STEAM được các chuyên gia thiết kế từ đầu để áp dụng phù hợp với độ tuổi, tâm lý và hành vi người học. Mà theo anh Hùng, AI đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình cá nhân hóa việc dạy và học nói chung và những kiến thức về khoa học máy tính, lập trình nói riêng.
Cụ thể, AI giúp phân tích từng thao tác chuột, từng hành vi và tương tác trong quá trình học với chuyên gia, từ đó phân biệt được học viên nào phù hợp với giảng viên nào để phân lớp cho phù hợp, ngoài ra các thông tin phân tích được cũng giúp cho việc đưa ra lộ trình phù hợp (có thể không theo thứ tự định sẵn) để tối ưu hóa quá trình học. Nhờ hiểu rõ hành vi người dùng, AI cũng có thể tự động đưa ra những kiến thức bổ trợ cho học viên khi thực hành và làm bài tập.
"Dự án sẽ tiến hành thu thập dữ liệu tương tác giữa học viên và chuyên gia để thực hiện ghép thầy và trò có kiểu dạy và học phù hợp, giúp tiếp cận kiến thức dễ dàng nhất, đề xuất lộ trình học phù hợp cho mỗi học viên, đưa ra các bài tự thực hành và tự học ở nhà theo phương pháp adaptive learning (học thích ứng)", TS Hùng nói.
TS Hùng cho biết, để sớm đưa AI nhằm mục đích cá nhân hóa dạy và học, đội ngũ các nhà khoa học dữ liệu của tổ chức đang trong quá trình thiết kế các thí nghiệm, thu thập dữ liệu, phân tích và đo lường hiệu quả liên tục để hy vọng có thể áp dụng được ngay trong các khóa học của kỳ học tiếp theo vào mùa hè tới. Mục tiêu chung mà anh Hùng hướng tới là kết nối những người Việt giỏi ở khắp nơi trên thế giới, những chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau, với cùng một lý tưởng muốn giúp phát triển thế hệ trẻ Việt Nam.