Xây dựng chuỗi giá trị từ cây dược liệu Đương quy di thực (Angelica acutiloba) góp phần cải thiện sinh kế người đồng bào Bana tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định

Nhóm: Làng Bana

LĨNH VỰC NôNG NGHIệP

Mô tả sản phẩm

Giới thiệu sản phẩm:

1. Điều kiện tự nhiên xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định
Địa hình-thổ nhưỡng: xã An Toàn có địa hình vùng cao tương đối bằng và có độ cao tuyệt đối trên 1.000 mét với dạng địa hình đồng bằng bóc mòn lượn sóng, bên trong rãi rác các đồi sót thoải, độ cao tương đối trên 300 mét và có độ dốc nhỏ. Thổ nhưỡng chủ yếu là đất mùn vàng đỏ, giàu dinh dưỡng cùng với mật độ sông suối dày đặc. Vùng này đất tốt, thảm thực vật còn khá phong phú, thuận lợi phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày và có nhiều tiềm năng phát triển các cây dược liệu vùng á nhiệt đới có giá trị cao, là vùng bảo tồn cây dược liệu tự nhiên và phát huy giá trị các loại dược liệu quý.
Khí hậu: xã An Toàn, huyện An Lão là vùng chuyển tiếp khí hậu giữa Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nằm trong khu bảo tồn rừng quốc gia với diện tích 22.450 ha, độ cao 800-1200 m. Khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, biên độ nhiệt 15-30 oC, nhiệt độ trung bình năm 22-24 oC, lượng mưa trung bình năm cao 2400-3200 mm/năm, độ ẩm trung bình năm cao từ 80-90%.
Với điều kiện khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng trên, biên độ nhiệt ngày và đêm thấp, độ ẩm không khí cao, ổn định; vùng rừng núi An Toàn đã có một số loài cây dược liệu bản địa đang sinh trưởng phát triển tốt như các loài dược liệu có củ bao gồm Đảng sâm, sâm Lai châu, Thất diệp nhất chi hoa, Đương quy… Do đó, việc khai thác tiềm năng, lợi thế về đặc điểm sinh thái môi trường, đất đai, thời tiết khí hậu của địa phương, tìm kiếm các loại cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao, sẽ mở ra một hướng sản xuất mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
2. Điều kiện kinh tế - xã hội ở xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định
Xã An Toàn có mật độ dân số rất thấp (4 người/km2), gồm 241 hộ dân với tổng dân số là 910 người (theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh Bình Định vào tháng 7 năm 2023), là 1 trong 2 xã có dân số thấp nhất tỉnh Bình Định. Người đồng bào Bana và Hre chiếm hơn 90% dân số của xã An Toàn, trong đó chủ yếu là người Bana (85%). Tuy nhiên, sức lao động của họ rất hiệu quả, lực lượng trong độ tuổi lao động có thể lực tốt, đây là một điểm mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Hiện này, điều kiện kinh tế của người đồng bào ở An Toàn vẫn vô cùng khó khăn, họ chủ yếu sinh sống bằng nghề truyền thống từ xa xưa như phát nương, làm rẫy, trồng trọt các loại sắn, lúa, khóm... vốn không mang lại lợi ích cao về kinh tế. Ngoài ra, để mưu sinh thì người đồng bào còn thường xuyên săn bắn thú rừng và chặt phá rừng, gây nguy cơ sụt giảm diện tích rừng đặc dụng, ảnh hưởng đến môi trường sống và gây suy giảm nghiêm trọng số lượng các loại động vật quý hiểm cần được bảo tồn. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này đó là kinh tế người dân còn quá khó khăn và nhận thức về bảo tồn rừng, động vật quý hiếm chưa cao. Vì vậy, rất cần những mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững, phát huy các ưu thế, tiềm năng địa phương để cải thiện đời sống người dân, góp phần nâng cao sự nhận thức và trình độ của người dân bản địa.
Một số nông sản An Toàn có chất lượng tốt và an toàn như Khóm, Mật ong, Cam, các loại dược liệu như Sâm bảy lá, Chè dây, Bách bộ, Lan kim tuyến, Nấm lim xanh có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, giá trị hiện nay của các mặt hàng này còn thấp do chưa được xây dựng thương hiệu, chưa kết nối được cung cầu trên thị trường nên chưa mang lại được lợi ích tối ưu cho người dân An Toàn.
3. Sự cần thiết xây dựng dự án liên kết từ giải pháp
Với các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và con người đã được đề cập, xã An Toàn rất cần một mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững nhằm thay đổi tư duy và phát triển kinh tế địa phương. Những đặc điểm thuận lợi ở An Toàn và các thử nghiệm trồng dược liệu thành công tại Hợp Tác Xã (HTX) An Toàn cho thấy mô hình trồng dược liệu là phù hợp và cần thiết triển khai, đầu tư quy mô lớn để nhân rộng.
Đương quy di thực (Angelica acutiloba) là 1 trong 100 loài dược liệu quý được Bộ Y tế ưu tiên phát triển theo Thông tư số 10/2022/TT-BYT về Hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Quyết định 3657/QĐ-BYT Về việc ban hành danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030. Nhu cầu thị trường về các loại Đương quy hiện rất cao, theo thống kê của Cục Quản lý Y dược học cổ truyền, hàng năm Việt Nam nhập khẩu hàng trăm tấn dược liệu từ Trung Quốc, giá trị hàng triệu USD. Trong các mặt hàng nhập khẩu, Đương quy là dược liệu hầu như phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhu cầu dược liệu của Việt Nam khoảng 60.000 tấn/năm nhưng các vùng trồng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 15.600 tấn/năm. Đương quy được sử dụng rất phổ biển trong các sản phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu hoặc thực phẩm chức năng nhóm hoạt huyết, cơ khớp, bổ dưỡng và nhóm làm đẹp; trong các phòng khám và bệnh viện y học cổ truyền nhu cầu sử dụng rất cao.
Kết quả trồng thử nghiệm hơn hai năm tại HTX cho thấy Đương quy phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu An Toàn, cho tốc độ sinh trưởng nhanh, củ to chắc, hàm lượng hoạt chất đảm bảo. Vì vậy, việc mở rộng, chuyển giao, tạo mô hình liên kết với người dân bản địa là hết sức tiềm năng và cần thiết. Dự án liên kết được xây dựng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025, thuộc Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Người dân địa phương sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ dự án, được sự hỗ trợ về chuyên môn từ chính quyền và các Dược sĩ, Kỹ sư tại HTX, được đào tạo bài bản về mô hình trồng dược liệu, có công việc ổn định, nâng cao thu nhập. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về thay đổi mô hình kinh tế, là bước đi tiên phong tạo tiền đề cho toàn dân địa phương học hỏi, cùng nhau phát triển kinh tế địa phương. Ngoài những lợi ích về kinh tế, dự án còn tạo được tác động xã hội, môi trường. Người dân sẽ nhận thức cao hơn về trồng dược liệu về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu nạn phá rừng, săn bắt thú rừng, góp phần giữ rừng. Dự án sẽ là điểm tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho các dự án tương tự trên toàn Việt Nam.
4. Tổng quan về cây Đương quy di thực (Angelica acutiloba)
Mô tả cây: Cây thảo, sống lâu năm, cao 40-60 cm, có mùi thơm đặc trưng. Thân hình trụ rãnh dọc, hơi tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim ba lần, mép chia thùy và có răng cưa không đều; cuống lá dài 3-12 cm, có bẹ to ôm thân. Cụm hoa tán kép ở ngọn cây gồm các hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Mùa hoa tháng 7-9. Quả bế dẹt, có rìa màu tím nhạt, thơm.
Phân bố, sinh thái: Đa phần các giống Đương quy đều có nguồn gốc ở vùng ôn đới, như ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Cây thường mọc ở các vùng núi cao với khí hậu ẩm mát. Tại Trung Quốc, Đương quy được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Thiểm Tây. Ở nước ta, dược liệu này đang được trồng trong phạm vi nhỏ ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hoặc các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, chưa được phổ biến rộng rãi. Đương quy trồng ở Việt Nam cũng phải lựa chọn thời vụ, sao cho mùa gieo hạt và sinh trưởng của cây trùng với thời gian có nhiệt độ thấp nhất trong năm, tuy nhiên chất lượng cây trồng ở vùng đồng bằng có khác so với cây được trồng ở vùng núi cao. Hiện nay trong nước trồng chủ yếu là loài Đương quy di thực hay còn gọi là Đương quy Nhật Bản (Angelica acutiloba), cũng được dùng tương tự như Đương quy. Thời gian thu hoạch của Đương quy Nhật Bản khi cây được 10-12 tháng tuổi.
Bộ phận dùng: Sử dụng bộ phận rễ của cây Đương quy di thực. Sau khi thu hoạch, người dân cắt bỏ phần lá và rễ con, giữ lại phần rễ, phơi trong râm hoặc cho vào thùng sấy lửa nhẹ đến khô. Củ to, thịt chắc, dẻo, màu trắng hồng, nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt sau cay là loại tốt.
Chế biến: Rửa qua rễ bằng rượu (nếu không có rượu thì rửa nhanh bằng ít nước, sau vẩy cho ráo nước). Ủ một đêm cho mềm, bào mỏng 1mm. Nếu muốn để được lâu, rửa bằng nước và muối; sau đó, phải sấy nhẹ qua lưu huỳnh hoặc đốt xông nóng (không đốt trực tiếp), cho đến khi dược liệu có màu đỏ tươi hay màu vàng kim tuyến, rồi sấy than. Theo kinh nghiệm nhân dân Trung Quốc, không phơi chỗ râm mát (đương quy có màu xanh) và cũng không phơi nắng (mất tinh dầu). Dược liệu dài 10-20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt thành 3 phần: phần đầu gọi là Quy đầu, phần giữa gọi là Quy thân, phần dưới gọi là Quy vĩ. Đường kính Quy đầu 1,0-3,5 cm, đường kính Quy thân và Quy vĩ từ 0,3-1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt, cay, hơi đắng.
Thành phần hóa học: Rễ chứa tinh dầu (0,4-0,7%), các phenylpropanoid (acid ferulic, coniferyl furelat...), coumarin (angelol G, angelicon, umbrelliferon…), polysaccharid, acid amin, vitamin...
Tác dụng dược lý: Đương quy có tác dụng bảo vệ gan, ức chế sự ngưng kết tiểu cầu và giải phóng serotonin từ tiểu cầu, tăng tuần hoàn máu não, chống loạn nhịp, tác dụng trên tim giống quinidin, làm tăng hoạt tính thực bào của đại thực bào. Tinh dầu có tác dụng ức chế co cơ trơn, giúp giãn cơ. Ngược lại, hợp chất tan trong cồn-nước, không bay hơi lại có tác dụng hưng phấn cơ trơn và làm tăng mạnh sự co bóp.
Công dụng và cách dùng: Đương quy được dùng để chữa các bệnh phụ nữ như kinh nguyệt không đều, sa tử cung, bế kinh, đau bụng kinh, rối loạn tiền mãn kinh. Đương quy được dùng làm thuốc bổ huyết, trị thiếu máu, giảm đau trong viêm khớp, đau bụng, đau do vận động, chữa tê bại, tê liệt. Ngoài ra còn trị mụn nhọt, táo bón, tăng huyết áp, viêm gan mạn và xơ gan.

Tính năng cơ bản:

Hình thức liên kết
*Liên kết cung cấp sử dụng giống cây dược liệu Đương quy: Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn tiến hành nhân giống, cung cấp giống đạt tiêu chuẩn cho dự án.
*Liên kết về sản xuất dược liệu: Liên kết này thực hiện chủ yếu thông qua chủ trì liên kết và các thành viên liên kết là các hộ dân, người đồng bào thiểu số tại xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định và về lâu dài liên kết này sẽ được mở rộng quy mô.
*Liên kết tiêu thụ: Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm là Dược liệu Đương quy do các hộ tham gia liên kết sản xuất được. Từ nguồn nguyên liệu tươi sẽ trực tiếp chế biến thành cao dược liệu tại xưởng cô cao của Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn. Cung cấp cho nhà máy và sản xuất thành phẩm hoạt huyết HuLang bán cho các nhà thuốc và bệnh viện trên toàn quốc. Hiện nay HTX An Toàn đã cung cấp sản phẩm hoạt huyết HuLang cho hơn 400 nhà thuốc, bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phương hướng phát triển bền vững: tiếp tục mở rộng vùng trồng tạo kế sinh nhai, giảm nghèo bền vững cho bà con đồng bào trong xã An Toàn. Từ kinh nghiệm canh tác và kỹ thuật đã được chuyển giao, bà con sẽ tiếp tục trồng mùa vụ tiếp theo, hướng tới mục tiêu thay đổi sinh kế, chuyển đổi cây trồng chủ lực là dược liệu Đương quy.
Định hướng cụ thể một số sản phẩm sau thu hoạch: Dược liệu Đương quy sau thu hoạch có thể sử dụng vào nhiều mục đích như:
Rễ củ tươi có hình dáng tốt, củ to có thể chọn lựa bán vào các nhà hàng, chuỗi siêu thị, cơ sở chế biến rượu... Loại Đương quy này ngoài chế biến món ăn có thể đóng bình thủy tinh, làm sản phẩm rượu Đương quy. Trong đó, HTX đang có một khu ăn uống Nẫu Ecovalley tại xã An Toàn, quan hệ với các nhà hàng quán ăn tại địa bàn huyện An Lão và các huyện lân cận bằng việc cung cấp sản phẩm rau thảo mộc từ đầu năm 2023. Ngoài ra, HTX đang liên kết với thương hiệu rượu Belifood của Công ty TNHH Thực phẩm Trương Gia (An Nhơn) và với cơ sở sản xuất Mộc Thảo để cung cấp củ Đương quy ngâm rượu.
Với dược liệu Đương quy có hình thái kém hơn, sau thu hoạch đem sơ chế bằng cách sấy, đóng gói/thái lát bán khô hoặc chiết cao, đem cao này sử dụng vào mục đích sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng. Từ năm 2022, HTX đã liên tục cung cấp cao dược liệu Đương quy cho Công ty cổ phần Bidicomed (cùng nằm trong chuỗi giá trị Bidicomed của HTX) để sản xuất sản phẩm Viên hoạt huyết HuLang, hiện đang được bày bán tại hàng trăm nhà thuốc trên toàn quốc. Hơn nữa, với sản lượng hàng chục tấn/năm, HTX đủ điều kiện để ký hợp đồng cung cấp Đương quy cho các công ty đông dược như Nhất Nhất, OPC... Ngoài ra, sắp tới HTX đang có kế hoạch hợp tác cung cấp củ Đương quy khô cho Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định và các cơ sở khám chữa bệnh Đông y.
Lá đương quy có thể dùng chiết tinh dầu làm mỹ phẩm hoặc chế biến món ăn. Hiện tại, HTX đang sử dụng lá đương quy với nhu cầu cao để phục vụ khách tham quan các món lá đương quy xào, lẩu gà đương quy - thu hái theo phương pháp thích hợp để không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của củ.
Hạt đương quy được thu hoạch để sản xuất cây giống hoặc bán hạt giống.
Tính năng cơ bản giải pháp
*Đất đai: Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn thuê lại đất của người dân tại vị trí phù hợp mục đích sử dụng và được UBND xã An Toàn thống nhất Đơn đề nghị tham gia dự án và Bản cam kết của hộ gia đình. Mặc dù các hộ tham gia liên kết đều có đủ điều kiện về sở hữu đất đai để tham gia dự án, các hộ và UBND xã An Toàn đề nghị HTX cung cấp quỹ đất để canh tác tập trung vì lý do đất canh tác của các hộ nằm rải rác cách xa nhau, lực lượng cán bộ kỹ thuật của HTX có hạn. Trong khi đó, các hộ lại chưa có kinh nghiệm canh tác cây dược liệu, cần cán bộ kỹ thuật cầm tay chỉ việc, theo dõi sâu sát để phòng trừ rủi ro tự tin tham gia dự án.
Hơn nữa, HTX cũng mong muốn các hộ canh tác tập trung để có thể tận dụng giếng nước và hệ thống máy bơm có sẵn tại HTX; giám sát thường xuyên và hỗ trợ kịp thời, đảm bảo năng suất và sự thành công của dự án để tạo niềm tin cho bà con tiếp tục tham gia liên kết vào những năm sau, dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng để cải thiện sinh kế và thoát nghèo. Đồng thời, để đảm bảo giá bán cao cho sản phẩm, chuỗi liên kết cần hướng đến các tiêu chuẩn GACP, tích hợp với diện tích trồng trọt đang có của HTX để thiết lập mã vùng trồng nhằm áp dụng chuyển số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nhật ký trồng trọt chung để đáp ứng yêu cầu của các đối tác lớn.
Như vậy, các hộ dân tham gia dự án với tư cách là xã viên liên kết sẽ sử dụng miễn phí quỹ đất do HTX thuê cho dự án trong thời gian ít nhất 03 năm đầu (Cam kết hỗ trợ sử dụng đất). Sau khi dự án kết thúc, các hộ liên kết có quyền tiếp tục miễn phí canh tác trên diện tích đất đã được phân chia của HTX hoặc bắt đầu canh tác trên đất riêng của hộ với diện tích canh tác lớn hơn và nhường lại diện tích cũ của mình cho các hộ còn lại trong dự án hoặc hộ khác chưa tham gia dự án nhưng quan tâm và có nhu cầu tham gia, theo sự đồng tình của tổ trưởng nhóm liên kết (trưởng thôn). HTX cam kết vẫn cung cấp cây giống với giá ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra theo hợp đồng cho các hộ cam kết tuân thủ theo quy trình sản xuất của HTX.
*Vật tư đầu vào: Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn chịu trách nhiệm ký kết với các đối tác, đảm bảo cung ứng nguồn vật tư, trang thiết bị cần thiết và cung cấp theo đúng hợp đồng cho các hộ tham gia liên kết để bảo đảm tiến độ sản xuất.
*Kỹ thuật và công nghệ
- Chuyển giao khoa học kỹ thuật: Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn tiến hành tập huấn về quy trình kỹ thuật, quy trình trồng, sơ chế dược liệu Đương quy di thực cho các hộ tham gia liên kết.
- Các thành viên tham gia sẽ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, đóng gói theo yêu cầu của Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn.
*Tổ chức sản xuất: Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn là chủ đầu tư dự án liên kết. Thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng dự án liên kết: Cung cấp giống, quy trình công nghệ theo dõi giám sát, đôn đốc các hộ liên kết thực hiện đúng.
- Chủ trì hỗ trợ các cá nhân tham gia liên kết sản xuất, thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm của dự án.
- Hướng dẫn các thành viên tham gia liên kết, tuân thủ các quy định trong dự án liên kết. Kiểm tra giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất và chấp hành các quy định của Nhà nước về pháp luật.
- Định kỳ hoặc đột xuất tiến hành lấy mẫu sản phẩm để kiểm định chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường.
*Đào tạo:
- Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn tiến hành tổ chức lớp tập huấn cho đối tượng là các hộ tham gia liên kết. HTX An Toàn mời 02 giảng viên đã được chứng nhận trồng trọt hữu cơ hoặc GACP-WHO do Viện Dược liệu cấp, đủ năng lực để tập huấn cho bà con vùng trồng. Trong đó, ưu tiên giảng viên đáp ứng tiêu chí có chứng chỉ đào tạo GACP hoặc canh tác nông nghiệp, đang công tác tại Đại học Quy Nhơn và Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) để dễ dàng di chuyển và có sự am hiểu hơn về điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội của địa phương.
- Hình thức đào tạo, tập huấn: mở lớp ngắn hạn từng đợt theo yêu cầu tiến độ thực hiện dự án, trong đó có 03 đợt: (1) trước khi xuống cây giống, (2) trong quá trình thực hiện dự án và (3) trước khi thu hoạch, mỗi đợt kéo dài 02 buổi, tuân thủ theo sát định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông - lĩnh vực lâm nghiệp mục 33 (LN 3211) theo Quyết định số 726/QĐ-BNN-KN ngày 24/02/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Số lượng học viên mỗi đợt khoảng 30 người, bao gồm các hộ tham gia liên kết và các cá nhân quan tâm.
*Thị trường tiêu thụ sản phẩm:
HTX An Toàn cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm đầu ra cho các thành viên tham gia liên kết, đảm bảo giá cả và tỷ lệ khối lượng sản phẩm được tiêu thụ theo quy định hợp đồng thu mua giữa hai bên.
HTX đã có sẵn xưởng chế biến cao dược liệu tại thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão. Sau khi thu mua dược liệu thô từ bà con sẽ trực tiếp chế biến thành phẩm cao khô dược liệu Đương quy. Đưa vào cung cấp cho nhà máy chế biến thành phẩm là sản phẩm hoạt huyết HuLang cung ứng hàng hoá cho các quầy thuốc trên toàn quốc.
Với vòng sản xuất chuỗi giá trị khép kín tạo ra sản phẩm đích tới tay người tiêu dùng. Đây là hướng tiêu thụ sản phẩm bền vững, lâu dài. Qua đó dự án sẽ phát huy giá trị lâu dài của dự án góp phần thay đổi sinh kế cho bà con, tạo thương hiệu vùng dược liệu quốc gia An Toàn.
*Nguồn vốn: Liên kết có hỗ trợ vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia của nhà nước, vốn ngân sách, các nguồn vốn hợp pháp khác của hợp tác xã và các hộ tham gia liên kết.
*Xây dựng mô hình dự án:
- Công tác chuẩn bị:
+ Tổ chức họp dân xét chọn đối tượng đủ điều kiện tham gia dự án.
+ Hướng dẫn hộ dân chuẩn bị đất đai và các điều kiện khác theo yêu cầu thực hiện dự án.
- UBND xã An Toàn, Cán bộ Nông nghiệp xã, phòng Nông nghiệp Huyện An Lão, cùng phối hợp với HTX An Toàn triển khai công tác trên.
- Công tác tuyên truyền vận động: UBND xã An Toàn, Cán bộ Nông nghiệp xã, phòng Nông nghiệp Huyện An Lão cùng phối hợp với HTX An Toàn. Trong đó:
- Tổ chức cung ứng giống, vật tư: HTX An Toàn.
- Tổ chức đào tạo và tập huấn kỹ thuật: HTX An Toàn.
- Tổ chức tiêu thụ sản phẩm: HTX An Toàn.
- Tổ chức hợp tác hỗ trợ: UBND xã An Toàn, Cán bộ Nông nghiệp xã, phòng Nông nghiệp Huyện An Lão cùng phối hợp thực hiện.
- Kiểm tra, giám sát, sơ kết và tổng kết dự án: Các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan.
*Thu hút, sử dụng lao động: Dự án sẽ sử dụng các lao động trực tiếp và gián tiếp tham gia dự án, trong đó:
- Lao động trực tiếp là các kỹ sư, kỹ thuật viên, người lao động chủ yếu là hộ liên kết của địa phương. Đây sẽ là nguồn nhân lực được đào tạo kỹ các nội dung về trồng trọt theo hướng bền vững, qui trình trồng trọt các loại dược liệu, sẽ là nguồn nhân lực nòng cốt cho việc phát triển vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật cho hộ liên kết địa phương các công nghệ sản xuất dược liệu theo hướng bền vững.
- Lao động gián tiếp là các cán bộ kỹ thuật của đơn vị chủ trì, tổ chức hỗ trợ dự án, xã, huyện hoặc các thành viên có liên quan đến dự án.

Tính sáng tạo và đổi mới:

- Đa phần các giống Đương quy đều có nguồn gốc từ các vùng khí hậu ôn đới như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Điển hình nhất là ở Trung Quốc, cây thường mọc ở các vùng núi cao khoảng từ 2000 – 3000 m với không khí ẩm mát. Ở nước ta, loại dược liệu này được di thực và trồng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, do yêu cầu khắc nghiệt về điều kiện khí hậu, vị trí địa lý và môi trường sống, các vùng trồng chỉ tập trung chủ yếu ở các tỉnh ở vùng Tây Bắc: điển hình như ở các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai. Điều này dẫn đến năng suất hàng năm của Đương quy không đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và không có khả năng xuất khẩu, gây ra tình trạng lệ thuộc nguồn hàng dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá thành cao nhưng chất lượng kém. Việc khảo sát vùng trồng mới và di thực các giống Đương quy về xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định là một bước đi tiên phong và đầy triển vọng trong việc khai thác tiềm năng nuôi trồng loại cây dược liệu quý có giá trị cao này. Hầu hết các khảo sát trước đây đều cho thấy Đương quy khi trồng ở đồng bằng sẽ ra hoa và quả sớm hơn ở vùng núi nên hạt giống của nó không được dùng để sản xuất thế hệ dược liệu kế tiếp. Các vùng trồng được khuyến khích phải có độ cao từ 1500 m trở lên. Tuy nhiên, tại xã An Toàn nơi có độ cao tuyệt đối trên 1.000 mét với thổ nhưỡng chủ yếu là đất mùn vàng đỏ, giàu dinh dưỡng cùng với mật độ sông suối dày đặc và khí hậu ẩm mát lại trở thành điều kiện thuận lợi để nhân giống và nuôi trồng Đương quy di thực có chất lượng cao. Sự đổi mới về vùng trồng, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đã được HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn khảo sát và thử nghiệm trong nhiều năm để có thể đưa ra quy trình kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc cây dược liệu Đương quy cho thương phẩm có giá trị cao theo hướng phát triển bền vững, phù hợp triển khai và chuyển giao cho bà con đồng bào tại xã An Toàn và tiềm năng mở rộng với quy mô lớn sang các vùng khác trong tỉnh Bình Định.
- Trước đây, việc nuôi trồng dược liệu ở các vùng trồng mang tính tự phát, không có sự liên kết, hỗ trợ giữa người nông dân trồng với các nhà máy, xí nghiệp về dược liệu, chất lượng các sản phẩm dược liệu chưa được kiểm tra và kiểm soát về nguồn gốc, nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, nhiều cơ sở trồng trọt còn sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Điều này dẫn đến các thương phẩm dược liệu bị thương lái thu mua với giá thành thấp và bán đi với giá trị cao, tạo ra sự chênh lệch lớn về giá cả trên thị trường. Trong khi, các nhà máy không thể tiếp cận với nguồn dược liệu có chất lượng cao trong nước, phải lệ thuộc vào hàng nhập khẩu kém chất lượng từ Trung Quốc. Mô hình chuỗi liên kết từ trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện chưa có nhiều, do đó giải pháp này được triển khai theo xu hướng mới trong những năm gần đây đó là tạo chu trình sản xuất chuỗi khép kín mang lại giá trị cao: với điểm xuất phát đi từ sản xuất nguyên liệu đầu vào đến điểm kết thúc tạo sản phẩm đích đầu ra đưa tới tay người tiêu dùng. Khởi đầu chu trình là quá trình nuôi trồng cây dược liệu Đương quy di thực theo định hướng đạt chuẩn chất lượng GACP, kế đến là thu hái, chế biến thành các thương phẩm dược liệu, sau đó chiết xuất tạo cao khô dược liệu làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy để trải qua quá trình bào chế sản xuất các thực phẩm chức năng, thuốc dược liệu từ Đương quy có tác dụng hoạt huyết đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người Việt. Đây là hướng tiêu thụ sản phẩm bền vững thể hiện tiềm năng và phát huy được giá trị lâu dài của dự án: góp phần thay đổi sinh kế cho bà con, tạo nguồn thu nhập quan trọng trong kinh tế hộ gia đình, góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo cho người đồng bào sống nương tựa vào rừng; tạo thương hiệu vùng dược liệu quốc gia An Toàn góp phần khẳng định uy tín sản phẩm từ nguồn nguyên liệu chất lượng.
- Ngoài ra, vùng trồng dược liệu Đương quy tại xã An Toàn mang tiềm năng và giá trị du lịch cao. Các vùng trồng có thể liên kết với các đoàn du lịch và các farmstay tại địa phương để triển khai các buổi tham quan, triển lãm về quy trình nuôi trồng và các thương phẩm chất lượng từ loại dược liệu quý này kết hợp giới thiệu bản sắc văn hóa của người đồng bào. Đây là hướng mới, là giải pháp hữu ích để kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thu hút khách du lịch tham quan và nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe từ các dược liệu thiên nhiên, mở ra mô hình du lịch sinh thái vốn đang dần trở nên được ưa chuộng tại Việt Nam và thế giới. HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn đã tiên phong trong việc triển khai thực hiện mô hình này thông qua các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tham quan vùng trồng dược liệu Đương quy, giúp khách du lịch trực tiếp tham gia và khám phá đời sống nông nghiệp, văn hóa và bản sắc của bà con đồng bào Bana.

Tính ứng dụng:

- Truyền thống và thói quen phòng, chữa bệnh bằng y học cổ truyền của người dân ngày càng tăng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu tiêu dùng dược liệu trong nước có xu hướng tăng lên, tạo cơ hội cho gây trồng, thu hái và chế biến dược liệu trong nước. Dược liệu Đương quy có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số chủng loại cây trồng truyền thống (cây lúa, mì, keo) của người đồng bào trên địa bàn nên sẽ thu hút nguồn lực để phát triển. Với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu mà thiên nhiên ban tặng cho xã An Toàn, dược liệu Đương quy di thực có khả năng trồng và thu hoạch với năng suất cao, chất lượng tốt; tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai và mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng Đương quy trong nước và tiến tới quá trình xuất khẩu vào các thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc phát triển vùng trồng dược liệu trên đất lâm nghiệp không chỉ sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên rừng mà còn góp phần nâng cao giá trị đất rừng, góp phần vào việc bảo vệ và phát triển bền vững rừng An Toàn.
- Công tác khai thác, thu hoạch dược liệu là khâu rất quan trọng, nhưng ở nhiều nơi chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Việc thu hoạch chủ yếu dựa theo kiến thức người dân bản địa. Các kỹ thuật này gắn bó với người dân như là một kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác. Do đó, HTX đã tiến hành tổng hợp các kiến thức, kinh nghiệm tại các vùng trồng dược liệu Đương quy và tiến hành khảo sát, thử nghiệm cũng như dựa trên các tài liệu ban hành quốc tế để hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi trồng và thu hái chuyên dụng theo định hướng GACP-WHO dành cho cây dược liệu Đương quy di thực tại xã An Toàn. Đây là tài liệu chuyên môn được tối ưu đầy đủ quy trình bởi các kỹ sư của HTX dưới sự tham vấn của các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, nhận thức được sự khó khăn của các hộ dân liên kết vùng trồng khi tiếp cận và thực hiện quy trình, HTX đã tiến hành mời các chuyên gia giảng dạy, tổ chức tập huấn cho các nhân lực tại địa phương từ đó phối hợp với các cán bộ có năng lực, chuyên môn, thông hiểu đời sống văn hóa người đồng bào để tiến hành hướng dẫn các hộ dân liên kết thực hiện nuôi trồng dược liệu, đảm bảo các hộ dân hiểu và thực hiện được quy trình cho ra sản phẩm có chất lượng, đạt yêu cầu.
- HTX đã xây dựng sẵn hệ sinh thái khép kín đi từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra: điều này đảm bảo dược liệu Đương quy sau khi bà con thu hoạch có thể được cung cấp dưới dạng thương phẩm đến các cơ sở kinh doanh dược liệu trên địa bàn, các nhà máy đông dược, các y đường và bệnh viện y học cổ truyền; các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng có sử dụng dược liệu Đương quy trong bàn tiệc và chế biến rượu. Đặc biệt, dược liệu Đương quy còn được bao đầu ra đến khu chế xuất cao dược liệu của HTX, từ đó cung cấp nguyên liệu bán thành phẩm cho các nhà máy sản xuất thuốc dược liệu, thực phẩm chức năng. Đây là mô hình có triển vọng cao, có khả năng áp dụng rộng rãi đem lại nguồn kinh tế hiệu quả giúp cải thiện đời sống người đồng bào. Mọi quy trình, công đoạn đã được tối ưu hóa và các mối liên kết tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm đã được xây dựng hoàn thiện dưới sự hỗ trợ của các chính sách quốc gia và sự cấp phép, phê duyệt của chính quyền sở tạ. Bà con người đồng bào được cung cấp mọi thứ từ quy trình kỹ thuật, nguyên vật liệu đầu vào, được hướng dẫn và đồng hành trong suốt quá trình tham gia liên kết vùng trồng (kể cả sau đó) và được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đây là ngành kinh tế đầy triển vọng đang được quốc gia chú trọng đầu tư và phát triển.

Tiềm năng phát triển:

- Các thành viên tham gia điều hành dự án gồm:
+ 5 dược sĩ Đại học, có chuyên môn tốt về phát triển dược liệu và thị trường dược;
+ 3 kỹ sư nông nghiệp có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc dược liệu;
+ 1 ThS. Công nghệ bào chế dược phẩm giúp bào chế ra các dạng thành phẩm từ dược liệu;
+ 1 Cử nhân kinh tế giúp quản trị về tài chính, kế toán.
- Đội ngũ tác giả đến từ HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn đã xây dựng giải pháp và báo cáo, trình bày trước các Sở, Ban ngành tỉnh Bình Định. Giải pháp đã được thông qua và tiến hành theo các kế hoạch đã được phê duyệt, bao gồm:
- 10 – 11/2023: Phòng NN huyện, UBND xã An Toàn và các phòng ban liên quan đã làm việc với HTX và tiến hành giao vốn thực hiện dự án.
- 11/2023: HTX An Toàn phối hợp Phòng NN huyện, UBND xã An Toàn tiến hành chuẩn bị các phương án thực hiện khảo sát địa điểm trồng, tiến hành ký kết hợp đồng và liên kết hộ dân tham gia vùng trồng.
- 11 – 12/2023: HTX tiến hành ký hợp đồng nguyên vật liệu và sẵn sàng cung cấp khi triển khai vùng trồng.
- 01/2024: HTX tổ chức tập huấn đợt 1 về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Đương quy di thực cho các hộ dân liên kết, đồng thời cung cấp vật tư: giống, phân bón, hệ thống tưới và tài liệu hướng dẫn.
- 01 – 10/2024: HTX và các hộ dân liên kết vùng trồng tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật đã ban hành, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu.
- 06/2024: HTX tiếp tục tổ chức tập huấn đợt 2 về hướng dẫn trong quá trình triển khai và kết hợp báo cáo định kỳ.
- 11/2024: HTX tổ chức tập huấn đợt 3 về kỹ thuật thu hoạch cây dược liệu Đương quy và tiến hành thu hoạch, đánh giá chất lượng dược liệu.
- 12/2024: HTX An Toàn dưới sự chỉ đạo của Phòng NN huyện, UBND xã An Toàn, các phòng ban liên quan và phối hợp các hộ tham gia liên kết tổ chức họp đánh giá tình hình triển khai năm 2024.

Video: