Nâng cao chất lượng dạy và học với mô hình Trường học số dựa trên nền tảng Google for Education
Nhóm: THCS CÁT LÁI
Nhóm: THCS CÁT LÁI
Giới thiệu giải pháp:
Các giải pháp sáng kiến đưa ra có thể nhân rộng cho các trường học, nhằm xây dựng một môi trường học tập sáng tạo, hiện đại, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.
Xuất xứ giải pháp:
Trường học số Google cung cấp nền tảng không gian số nhằm xây dựng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong nền tảng không gian số an toàn, bảo mật, kiểm soát các nội dung và ứng dụng trên thiết bị. Trường THCS Cát Lái triển khai Trường học số Google theo hình thức sử dụng các ứng dụng công nghệ giáo dục (EdTech), ứng dụng công cụ AI để hỗ trợ các hoạt động, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và chất lượng học tập của học sinh.
Tính sáng tạo và đổi mới:
Nhận thức việc ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) vào giáo dục là xu hướng tất yếu, là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục trong thời đại mới.
Phát huy được vai trò của nhà lãnh đạo số (Digital Leader) trong xây dựng mô hình Trường học số .
Đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ và các nền tảng số hỗ trợ dạy và học đáp ứng xây dựng mô hình. Đã xây dựng 01 phòng học Google, trang bị 40 máy Chormebook.
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực số của đội ngũ giáo viên, nhân viên với chương trình đào tạo chuẩn Google. Tổ chức thi tập trung chứng chỉ Google Certified Educator Level 0, Level 1 cho giáo viên. Giáo viên vượt qua kỳ thi nhận được giấy chứng nhận do công ty Google cấp.
Giáo viên sử dụng thành thạo các công cụ Google, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ EdTech khác hỗ trợ các hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học với mô hình trường học số dựa trên nền tảng Google for Education.
Tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong nền tảng không gian số an toàn, bảo mật, kiểm soát các nội dung và ứng dụng trên thiết bị.
Tính ứng dụng:
Các giải pháp sáng kiến đưa ra không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, mà còn cá nhân hóa quá trình học cho từng học sinh. Tạo không gian mở, môi trường học tập linh hoạt, giúp các em tích cực, chủ động, tự giác hơn trong tiếp cận kiến thức và rèn luyện kỹ năng.
Giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn với công nghệ số. Đồng thời hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, tiếp tục lan tỏa kinh nghiệm chuyển đổi số trong dạy học.
Xây dựng một môi trường học tập sáng tạo, hiện đại, linh hoạt và hiệu quả, nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế. Đáp ứng yêu cầu của Tp Hồ Chí Minh về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng chuyên môn giỏi, giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ và có khả năng thích ứng nhanh.
Tính hiệu quả:
Giải pháp được áp dụng chính thức tại trường THCS Cát Lái với quy mô toàn trường và đã đem lại những kết quả:
Phát huy được vai trò của nhà lãnh đạo số (Digital Leader) trong xây dựng mô hình Trường học số. Với tư duy chiến lược về chuyển đổi số; năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo; kỹ năng lãnh đạo và quản lý linh hoạt; ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý và xây dựng môi trường số an toàn, Hiệu trưởng dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong nhà trường, đảm bảo chuyển đổi số diễn ra hiệu quả và bền vững.
Trường đã đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ và các nền tảng số hỗ trợ dạy và học đáp ứng xây dựng mô hình. Lắp mạng Internet tốc độ cao, đảm bảo kết nối Wifi phủ sóng toàn trường; xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN); trang bị Router, Repeater, bộ phát Wifi 4G ở mỗi lớp học.
Tính đến thời điểm hiện tại, các thiết bị số hóa được trang bị tương đối đầy đủ: 01 phòng học thông minh; phòng học Google có 1 tivi tương tác, 36 Tablet, 40 Chromebook đáp ứng nhu cầu học tập hiện đại; trường cũng xây dựng 02 phòng tin học quốc tế IC3; 01 thư viện thông minh với 4087 tài liệu số, 3270 tệp tin điện tử. Toàn bộ các lớp đều có máy chiếu, ti vi thông minh hoặc tivi tương tác.
Sử dụng hệ sinh thái Google for Education, là bộ công cụ và dịch vụ của Google được thiết kế riêng cho trường, lớp học, cung cấp nhiều lựa chọn để đáp ứng các nhu cầu của tổ chức dạy và học hoàn toàn miễn phí.
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực số của đội ngũ giáo viên, nhân viên với chương trình đào tạo chuẩn Google. Tổ chức thi tập trung chứng chỉ Google Certified Educator Level 0, Level 1 cho giáo viên. 30 Giáo viên vượt qua kỳ thi, nhận được giấy chứng nhận do công ty Google cấp. 100% giáo viên tham gia khóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ các hoạt động giảng dạy dựa trên công nghệ Google do Phòng GDĐT Tp Thủ Đức tổ chức và nhận được giấy chứng nhận.
Trường có 03 giáo viên đạt giải trong cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning trên LMS cấp TP Thủ Đức, trong đó có 01 giải Nhì và 02 giải Khuyến khích. Tiết dạy có ứng dụng các công cụ Google của cô Lê Đỗ Huyền Trang được chia sẻ trên trang Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Tp Thủ Đức. Tập thể nhà trường được Chủ tịch UBND TP Thủ Đức tặng Giấy khen về thành tích hoàn thành xuất sắc công tác dạy Tin học theo chuẩn quốc tế.
Giáo viên sử dụng thành thạo các công cụ Google, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ EdTech khác hỗ trợ các hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học với mô hình trường học số dựa trên nền tảng Google for Education.
Tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong nền tảng không gian số an toàn, bảo mật, kiểm soát các nội dung và ứng dụng trên thiết bị.
Tiềm năng phát triển:
Hình thành năng lực và tư duy đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành và phát triển tổ chức của hiệu trưởng để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong nhà trường, đảm bảo chuyển đổi số diễn ra hiệu quả và bền vững.
Xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết vận dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy, quản lý lớp học, nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên và nhân viên theo tiêu chuẩn Google for Education, tiếp tục lan tỏa kinh nghiệm chuyển đổi số trong dạy học.
Tiêu chí về cộng đồng:
Các giải pháp sáng kiến đưa ra có thể nhân rộng cho các trường học, nhằm xây dựng một môi trường học tập sáng tạo, hiện đại, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.
Cơ sở hạ tầng:
1. Phát huy vai trò của nhà lãnh đạo số (Digital Leader) trong xây dựng mô hình Trường học số
Nhà lãnh đạo số (Digital Leader) là người có tầm nhìn, năng lực và tư duy đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành và phát triển tổ chức. Trong lĩnh vực giáo dục, hiệu trưởng đóng vai trò là nhà lãnh đạo số. Hiệu trưởng dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong nhà trường, đảm bảo diễn ra hiệu quả và bền vững.
Để thực hiện tốt công tác xây dựng mô hình, Hiệu trưởng đã xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển như: Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo nhiệm vụ Chuyển đổi số và Cơ sở dữ liệu Ngành Giáo dục và Đào tạo; Xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên năm học 2023 - 2024; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành Giáo dục Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” trong giai đoạn 2024 - 2025 tại thành phố Thủ Đức.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch, Hiệu trưởng phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện, phân công thành viên giám sát thực hiện các kế hoạch:
Bà Lê Thị Thảo - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng: Chịu trách nhiệm chung, phụ trách việc xây dựng ý tưởng, kiểm tra giám sát. Xây dựng ý tưởng, kế hoạch, chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dạy và học với mô hình Trường học số dựa trên nền tảng Google for Education.
Bà Lê Đỗ Huyền Trang - Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng chuyên môn tổ Toán: Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, viết sáng kiến, thu thập các minh chứng, hỗ trợ công tác kiểm tra giám sát, tham mưu Hiệu trưởng các công việc liên quan đến xây dựng mô hình.
Bà Lê Thị Quỳnh Giang - Chi ủy viên, Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ Văn: Chịu trách nhiệm viết sáng kiến, thu thập, tổng hợp các minh chứng. Kiểm duyệt các văn phong, lỗi diễn đạt của các tài liệu.
Phối hợp bà Trần Thị Quỳnh Như - Kế toán, hoạch định nguồn kinh phí thực hiện dự án (đầu tư phòng học Google)
Phối hợp ông Nguyễn Xuân Thiên - Nhân viên Công nghệ thông tin: Chịu trách nhiệm quản lý các phần mềm, quản lý các phòng học thông minh, phòng học Google, hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ thông tin.
Phối hợp bà Huỳnh Thị Dương Trân - Nhân viên thư viện: Chịu trách nhiệm quản lý kho học liệu số.
Phối hợp tổ trưởng chuyên môn: Phổ biến kế hoạch của nhà trường, hỗ trợ giáo viên về công tác chuyên môn.
Tổ chức cho giáo viên bộ môn: Thực hiện các hoạt động dạy và học dựa trên các công cụ số.
Hàng tháng, Cấp ủy, Chi bộ, Liên tịch, Hội đồng sư phạm tổ chức những cuộc họp định kỳ, nhờ đó, đội ngũ quản lý luôn có sự thống nhất trong cách thức thực hiện. Kế hoạch hàng tháng luôn nhấn mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên, công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của tập thể sư phạm nhà trường, đồng thời có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
2. Phát triển hạ tầng công nghệ và các nền tảng số hỗ trợ dạy và học đáp ứng xây dựng mô hình
Về hạ tầng công nghệ trong trường học số: Nhà trường đã lắp mạng Internet tốc độ cao, đảm bảo kết nối Wifi phủ sóng toàn trường với băng thông mạnh, ổn định. Xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN) để kết nối dữ liệu giữa các phòng ban. Ngoài ra, ở mỗi lớp học đều được trang bị Router, Repeater, bộ phát Wifi 4G để giúp kết nối Internet.
Các thiết bị số hóa được trang bị tương đối đầy đủ. Nhà trường xây dựng 01 phòng học thông minh, phòng học Google với cở sở vật chất hiện đại, có 1 tivi tương tác đa nhiệm 90 inches, 36 Tablet, 40 Chromebook đáp ứng nhu cầu học tập hiện đại, giúp học sinh học tập hiệu quả hơn, hệ thống âm thanh, bàn ghế có thể di chuyển linh động trong quá trình làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm, đảm bảo 100% học sinh có cơ hội thực hành ngay tại lớp. Trường cũng xây dựng 02 phòng tin học quốc tế IC3; 01 thư viện thông minh với 4087 tài liệu số, 3270 tệp tin điện tử. Toàn bộ các lớp đều có máy chiếu, ti vi thông minh hoặc tivi tương tác.
Về các nền tảng số hỗ trợ dạy và học: Sử dụng hệ sinh thái Google for Education, là bộ công cụ và dịch vụ của Google được thiết kế riêng cho trường, lớp học, cung cấp nhiều lựa chọn để đáp ứng các nhu cầu của tổ chức dạy và học hoàn toàn miễn phí. Sử dụng AI (Trí tuệ nhân tạo), hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) và một số công cụ Edtech khác nhằm hỗ trợ hoạt động dạy và học.
3. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực số của đội ngũ giáo viên, nhân viên với chương trình đào tạo chuẩn Google
Yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cơ sở cho sự phát triển, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình. Nhằm giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, quản lý lớp học và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, nhà trường chú trọng việc bồi dưỡng và tập huấn năng lực số cho đội ngũ giáo viên và nhân viên theo tiêu chuẩn Google for Education.
Trước khi bước vào năm học mới, trường đã tổ chức chương trình đào tạo giáo viên số và trường học số Google cho toàn thể cán bộ, giáo viên. Tại buổi tập huấn, nhân viên đào tạo Tập đoàn Khoa học công nghệ Bách Khoa đã hướng dẫn giáo viên ứng dụng hệ thống quản lý học tập LMS360 E-Learning kết hợp trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và học tập; thực hiện đưa các bài thi trực tuyến trên hệ thống kiểm tra đánh giá. Giảng viên AI Education đã giới thiệu về kỳ thi Google Certified Educator Level 01 và hướng dẫn giáo viên chuẩn bị tham dự kỳ thi chứng chỉ Quốc tế của Google.
Để xây dựng nền tảng số, các giáo viên được đào tạo sử dụng Google Workspace for Education; thực hành dạy học với Google Classroom, Meet, Forms…; hướng dẫn quản lý tài nguyên số, chia sẻ tài liệu trên Google Drive. Nhà trường còn tạo điều kiện để toàn bộ cán bộ, giáo viên và nhân viên công nghệ thông tin tham gia khóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ các hoạt động giảng dạy dựa trên công nghệ Google do Phòng GDĐT Tp Thủ Đức tổ chức với các nội dung: giới thiệu về Google Gemini, các cách sử dụng công cụ AI có trách nhiệm và an toàn, cách viết Prompt hiệu quả, thực hành cộng tác với Gemini để hỗ trợ hoạt động dạy học, các tài nguyên và công cụ AI…
Trường THCS Cát Lái đã tổ chức thi tập trung chứng chỉ Google Certified Educator Level 0, Level 1 cho giáo viên. Trường có 30 giáo viên đã vượt qua kỳ thi và được nhận chứng chỉ toàn cầu của Google. GCE1 là chứng chỉ uy tín, đánh giá các năng lực cần thiết để áp dụng kỹ năng công nghệ trong giảng dạy và học tập nằm trong lộ trình GFE do công ty Google cung cấp.
Nhờ đó, giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn với công nghệ số, học sinh có những trải nghiệm học tập hiện đại, linh hoạt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, tiếp tục lan tỏa kinh nghiệm chuyển đổi số trong dạy học, đây chính là chìa khóa giúp nhà trường số hóa thành công.
4. Sử dụng các công cụ Google trong tổ chức hoạt động dạy và học
Google for Education cung cấp bộ công cụ hỗ trợ giảng dạy, quản lý lớp học và tương tác với học sinh hiệu quả trong môi trường số. Đa số giáo viên không còn xa lạ với công cụ Google, tuy nhiên việc sử dụng các công cụ này vào thực tế giảng dạy còn nhiều lúng túng.
Thông qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng, các tiết dạy mẫu, tiết kiểm tra nội bộ, tiết dạy dự thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, đến nay, có thể nói đội ngũ giáo viên đã sử dụng các công cụ Google một cách nhuần nhuyễn, đa dạng và linh hoạt, đem lại những hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Việc cho học sinh làm một bài khảo sát trên Google Form, thực hiện các bài tập trên Google Sheets, Google Docs hay tải ảnh/ bài tập/ sản phẩm lên Google Drive đều là những việc đã được giáo viên và học sinh nhà trường thực hiện trong suốt thời gian qua. Học sinh không còn bỡ ngỡ mà khá thành thạo khi thực hiện câu lệnh của giáo viên.
Thông qua Google Classroom, giáo viên tạo và quản lý lớp học trực tuyến. Giao bài tập, nhận bài nộp, chấm điểm tự động; tương tác với học sinh qua nhận xét, phản hồi. Nhờ có công cụ này, học sinh có thể tham gia vào lớp học, nắm được các yêu cầu của giáo viên và thực hiện các nhiệm vụ học tập ở bất kì nơi đâu, chỉ cần có điện thoại thông minh hay máy tính đã được kết nối mạng.
Giáo viên tổ chức lớp học ảo qua Google Meet. Họp nhóm, tích hợp với Google Calendar để đặt lịch học, chia sẻ màn hình, tài liệu hoặc ghi lại bài giảng để học sinh có thể xem lại.
Không những thế, Google còn có một số công cụ giúp hỗ trợ tìm kiếm thông tin, hình ảnh như Google Bard, tìm kiếm một địa điểm trên bản đồ như Earth hay tìm kiếm video như Youtube,…
Có thể thấy công cụ Google thật đa dạng và có nhiều tính năng để giáo viên và học sinh sử dụng trong suốt quá trình học tập. Hy vọng trong thời gian tới, đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục khai thác, sử dụng các công cụ trên để giảng dạy hiệu quả hơn, học sinh tiếp cận kiến thức nhanh chóng hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong thời đại số.
5. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ EdTech khác hỗ trợ các hoạt động dạy và học
Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ giáo dục (EdTech) góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp cá nhân hóa học tập, tăng hiệu quả quản lý lớp học và cải thiện trải nghiệm của học sinh.
Hiện nay, việc sử dụng AI trong dạy học đang ngày càng phổ biến. Nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số, trong đó yêu cầu 100% giáo viên biết sử dụng công cụ AI và một số công cụ EdTech trong dạy học. Qua các tiết dạy, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên ngày càng được nâng cao. Nền tảng LMS360, MyViewBoard Classroom, công cụ Quizizz, Wordwall, ChatGPT, Gemini, Suno, Animiz Animation Maker, Camtasia, Canva, … được sử dụng một cách linh hoạt, nâng cao hiệu quả dạy và học.
ChatGPT (OpenAI) và Gemini (Google AI) là hai nền tảng AI hàng đầu hỗ trợ trò chuyện thông minh, sáng tạo nội dung và tìm kiếm thông tin. LMS360, Quizizz và Wordwall là những ứng dụng phổ biển để giúp giáo viên tạo ra các dạng bài kiểm tra với đa dạng hình thức cho học sinh. Trắc nghiệm, Đúng/Sai, Nối từ, Điền vào chỗ trống,… tất cả đều có thể thực hiện một cách dễ dàng. Đặc biệt, giáo viên tạo một bài kiểm tra thì có thể cài đặt để nhiều lớp cùng tham gia thực hiện. Giáo viên cũng không mất thời gian ngồi chấm bài trên giấy, tất cả đều được xử lý một cách tự động hóa, chỉ cần một thao tác mở phần kết quả là đã có thể lấy điểm của tất cả học sinh.
Suno là ứng dụng phổ biến trong môn Âm nhạc và trong Hoạt động trải nghiệm. Học sinh có thể dễ dàng tạo ra một bản nhạc hay theo phong cách nhạc pop, ballad hay rock,…
Animiz Animation Maker, Camtasia, Canva là một số ứng dụng giúp hỗ trợ tạo ra được các sản phẩm phim hoạt hình. Giáo viên có thể sử dụng những ứng dụng này để tạo video khởi động trước mỗi bài học hoặc tạo các tình huống trong quá trình học tập để học sinh xử lý, trả lời, kích thích sự tò mò, giúp hình thành năng lực tư duy và sáng tạo của học sinh.
Khoảng thời gian triển khai: 1 năm
Số người tham gia: 3