Israel đang gấp rút chuẩn bị đối phó kịch bản hứng đòn tấn công từ Iran và Hezbollah sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran và vụ hạ sát chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr tại Beirut, Lebanon.
Kho vũ khí của Hezbollah trở thành yếu tố được quan tâm vì nhóm hoạt động tại quốc gia có đường biên giới với Israel trong khi Iran có khoảng cách địa lý xa hơn. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Mỹ, từng mô tả Hezbollah là "thực thể phi quốc gia được vũ trang nhiều nhất thế giới".
Hezbollah đã liên tục đấu súng với Israel ở miền nam Lebanon kể từ sau khi Tel Aviv phát động chiến dịch ở Gaza. Giờ đây, thủ lĩnh Hezbollah cảnh báo cuộc xung đột bước vào "giai đoạn mới".
Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao về năng lực quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nhận định Hezbollah về cơ bản là một cánh tay của Iran. "Bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran vào Israel đều sẽ có sự tham gia của Hezbollah", ông nói.
Theo phân tích từ CSIS, Iran là nước hỗ trợ và cung cấp vũ khí chính cho Hezbollah. Một trong những thế mạnh lớn nhất của Hezbollah là kho tên lửa và rocket. Theo Sổ tay Dữ kiện Thế giới của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Hezbollah sở hữu lên tới 150.000 quả đạn.
Trong cuộc xung đột với Israel năm 2006, Hezbollah bắn khoảng 4.000 tên lửa về phía đối phương, phần lớn là tên lửa không điều hướng. Đa phần là rocket kiểu Katyusha với tầm bắn 30-40 km.
Gần đây, nhóm bắt đầu sử dụng rocket không điều hướng Falaq-1 và Falaq-2, tầm bắn khoảng 10-11 km. Israel cáo buộc Hezbollah sử dụng Falaq-1, có đầu đạn nặng 53 kg, trong một cuộc tấn công chết người vào dân thường ở Cao nguyên Golan hồi tháng trước. Hezbollah phủ nhận họ đứng sau vụ tấn công.
Đầu năm nay, Nawaf al-Mousawi, một trong các thủ lĩnh Hezbollah, đã khoe về tốc độ tích trữ vũ khí nhanh chóng của họ. Al-Mousawi nói với Al Mayadeen, kênh tin tức ủng hộ Iran đặt trụ sở tại Beirut, rằng họ có thể tăng số vũ khí trong một tháng bằng số lượng nhóm từng nhận trong 6 tháng.
Hezbollah đặc biệt đề cập đến việc tăng số lượng tổ hợp vũ khí chính xác và trang bị thêm hệ thống dẫn đường cho rocket.
Trong số các loại vũ khí mà Hezbollah bắn vào Israel kể từ tháng 10 năm ngoái, nhóm sử dụng những mẫu rocket từ Iran như Fajr (Bình minh) hay rocket Zelzal (Động đất), với đầu đạn uy lực hơn và tầm bắn xa hơn so với Katyusha.
Hezbollah từng dùng Fajr-3, tầm bắn 43 km, và Fajr-5, tầm bắn 75 km, để tấn công thành phố cảng Haifa ở bắc Israel. Zelzal là rocket điều hướng với tầm bắn hơn 200 km.
Hồi cuối năm 2023, Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel công bố ước tính rằng Hezbollah có 40.000 quả đạn tầm bắn 15-20 km, 80.000 tên lửa tầm bắn 100 km và khoảng 30.000 tên lửa tầm bắn 200-300 km.
Theo CSIS, Hezbollah có thể đã nhận tên lửa Scud từ Syria, với tầm bắn 300-550 km. Israel là quốc gia có chiều dài 470 km và rộng 135 km tại điểm rộng nhất. Với Scud, quả đạn của Hezbollah có thể tiếp cận các mục tiêu Israel khi được phóng từ miền bắc Lebanon.
Ngoài ra, Hezbollah từng tuyên bố sử dụng tên lửa đạn đạo Burkan để nhắm vào tiền đồn Israel. Burkan có tầm bắn khoảng 1.000 km, đường kính 0,88 m. Giới chức Mỹ cho rằng Burkan là tên lửa Qiam 1 do Iran phát triển, có khả năng mang đầu đạn nặng 750 kg.
Iran hồi tháng 4 phát động một cuộc tấn công chưa từng có vào lãnh thổ Israel. Quân đội Israel nói rằng Iran đã bắn hơn 300 quả đạn nhưng 99% bị đánh chặn. Theo Davis, cuộc tấn công lúc bấy giờ nhằm mục đích gửi đi thông điệp chính trị, nhưng lần này, Iran có thể sẽ quyết liệt hơn.
"So với những gì xảy ra vào tháng 4, tôi nghĩ sắp tới, chúng ta sẽ thấy một cuộc tấn công lớn hơn nhiều đến từ nhiều hướng khác nhau", ông lưu ý. "Họ sẽ thực hiện các cuộc tấn công theo cách mà thay vì phóng từng đợt vũ khí riêng lẻ, tất cả sẽ xuất hiện cùng lúc để áp đảo hàng phòng thủ đối phương".
Israel sở hữu lá chắn phòng không nhiều lớp, trong đó có Vòm Sắt, được mô tả là hệ thống phòng không hiệu quả bậc nhất hành tinh. Theo Davis, vũ khí không điều hướng nhiều khả năng sẽ được phóng với số lượng lớn nhằm áp chế Vòm Sắt để các tên lửa chính xác có thể xuyên qua và tấn công những mục tiêu giá trị cao.
Ngoài rocket và tên lửa, Hezbollah cũng từng tiến hành hàng loạt cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát nhằm vào Israel. Họ cũng sử dụng cả UAV để ném bom, sau đó thiết bị quay trở về Lebanon.
Hezbollah sở hữu các mẫu UAV Ayoub và Mersad được lắp ráp tại địa phương, có giá thành rẻ và tương đối dễ sản xuất. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah từng nói khả năng tự chế tạo đã góp phần không nhỏ giúp nhóm mở rộng kho UAV.
Dina Arakji, nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro Control Risks, cho rằng Hezbollah còn đang sử dụng UAV tự sát Shahed-136 do Iran sản xuất. "UAV tự sát mang lại lợi thế chiến thuật do có mức độ tự chủ cao và có thể phóng từ bất cứ đâu", bà nói.
Tùy thuộc vào chủng loại, UAV cũng được sử dụng để tấn công các thành phố hoặc mục tiêu cần độ chính xác cao. Nhưng theo Davis, mục đích chính của chúng trong các cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng là kết hợp với tên lửa và rocket áp đảo hệ thống phòng không Israel. Iran từng sử dụng khoảng 185 UAV trong cuộc tập kích Israel hồi tháng 4.
Trong cuộc xung đột với Israel hồi năm 2006, Hezbollah đã sử dụng rộng rãi tên lửa chống tăng dẫn đường và đang triển khai chúng một lần nữa. Ngoài ra, Hezbollah còn sở hữu tên lửa phòng không và đã bắn hạ hàng loạt UAV Israel, như Hermes 450 và Hermes 900.
Vào năm 2006, Hezbollah lần đầu chứng minh họ có tên lửa chống hạm khi bắn trúng một tàu chiến của Israel cách bờ biển 16 km, khiến 4 quân nhân Israel thiệt mạng và làm hư hại tàu.
Một số nhà phân tích, trong đó có Arakji, tin rằng Hezbollah hiện sở hữu tên lửa chống hạm Yakhont do Nga sản xuất với tầm bắn 300 km. Dù vậy, nhóm chưa bao giờ xác nhận thông tin trên.
Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, trụ sở tại Washington, đánh giá nếu Hezbollah thực sự nắm trong tay Yakhont, đây sẽ là quân bài "thay đổi cuộc chơi". Tên lửa sở hữu động cơ phản lực dòng thẳng có khả năng đưa đầu đạn nặng 200-250 kg tới mục tiêu cách xa 300 km với tốc độ gấp đôi vận tốc âm thanh.
Davis nhận định nếu Israel bị tấn công, họ nhiều khả năng sẽ đáp trả. "Sau đó, Iran và Hezbollah lại trả đũa, dẫn đến chu kỳ leo thang ăn miếng trả miếng mà mọi người đều lo lắng", ông nói.
Washington và các đồng minh Arab trong nhiều ngày qua đã thực hiện nhiều nỗ lực ngoại giao để kêu gọi các bên kiềm chế.
Đồng thời, Mỹ cũng tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự ở Trung Đông. Nước này nhấn mạnh họ muốn hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực nhưng cũng khẳng định rõ ràng rằng họ sẽ bảo vệ Israel. Lầu Năm Góc đã điều thêm tàu tuần dương và tàu khu trục có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo đến khu vực châu Âu và Trung Đông, đồng thời gửi thêm vũ khí phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền.
"Lý do Mỹ triển khai lực lượng quân sự với số lượng lớn là để ngăn các bên đi quá xa", Davis bình luận.
Vũ Hoàng (Theo ABC News, AFP, Reuters)