Thông tin được chuyên gia nêu tại hội thảo "Thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các dự án thủy điện một số tỉnh miền núi phía Bắc" do Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ (NGO-IC) tổ chức sáng 14/10.
Theo GS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, tại các khu vực phát triển thủy điện, việc trồng bù rừng sẽ hạn chế tác động tiêu cực. Giải pháp này vừa làm tăng diện tích rừng vừa kiểm soát lũ, hạn chế xói mòn vùng hạ lưu.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, việc trồng bù rừng hiện nay mới dừng lại ở thống kê diện tích, chưa đánh giá được chất lượng cây được trồng bù. Hiện nay, một số dự án thủy điện hoặc địa phương chỉ trồng những loại cây không có khả năng chống xói mòn như bạch đàn, keo, hoặc những cây vòng đời ngắn.
"Rừng bị mất là rừng tự nhiên, mất nhiều năm để hình thành những tán rừng và hệ sinh thái, trong khi rừng trồng thay thế chưa có quy định cụ thể về thành phần loại cây trồng, phương thức trồng nên khó bù đắp được giá trị đa dạng sinh học và môi trường của rừng đã mất", ông Hùng nói và cho biết, cần hạn chế chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho các mục đích khác, bao gồm thủy điện.
Trong quá trình vận hành đập thủy điện, một lượng lớn phù sa bị giữ lại trong hồ chứa, khiến vùng hạ du có ít phù sa chảy xuống, ảnh hưởng tới năng suất nông nghiệp. Việc ít cát và phù sa bồi đắp và lòng sông cùng với chế độ dòng chảy thay đổi, làm gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, ven biển và hạ thấp đáy sông.
Để giảm thiểu việc lưu trữ cát và phù sa trong lòng hồ chứa nước ở thủy điện, gây ảnh hướng tới sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu, ông Học cho biết, cần xây dựng các cống xả quy mô lớn và có quy trình xả vào mùa kiệt hàng năm, nghiêm cấm xả lũ về hạ du có lưu lượng xả lũ lớn hơn lưu lượng lũ về hồ chứa trong cùng thời điểm. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống đo đạc số lượng và chất lượng nước, có thể giảm thiểu một số tác động tiêu cực cho lưu vực và hạ lưu.
Nguyễn Xuân