Trong ngày 30/4, một số di tích lịch sử, bảo tàng ở TP HCM kín khách tham quan. Mặc dù thời tiết buổi chiều nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời khoảng 35-37 độ C, dòng người vẫn xếp hàng mua vé vào tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở quận 3. Phần lớn khách đến đây là người nước ngoài.
Zoe, người Anh, chăm chú đọc những câu chuyện lịch sử về nhà lao Tân Hiệp. Cô cho hay đây là lần đầu tiên đến Việt Nam và không biết dịp 30/4 là kỳ nghỉ dài ngày của người Việt. Khi ghé thăm Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, cô mới biết vài thông tin về lịch sử ngày 30/4 và say sưa tìm hiểu.
Zoe cho hay thường xuyên ghé thăm các bảo tàng, triển lãm khi đi du lịch. Cô mới biết Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vào top 99 điểm đến hấp dẫn trên thế giới nên chọn đến tham quan.
"Có nhiều thông tin lịch sử thú vị mà tôi chưa từng biết. Tôi đã rùng mình, nổi da gà khi đọc những câu chuyện về nạn nhân chất độc màu da cam, về những gian khổ mà các chiến sĩ phải trải qua trong ngục tù. Đây là điểm đến ý nghĩa trong chuyến du lịch Việt Nam của tôi, để hiểu hơn về đất nước các bạn", Zoe nói.
Ngoài ra, Zoe cũng cho biết thời tiết ở TP HCM nắng nóng nhưng không quá cực đoan như những thông tin cô đọc trên mạng.
Grainne và Ciaran, cặp đôi đến từ Ireland, nói rằng "cảm xúc rất hỗn độn" sau khi tham quan hai tầng của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Khi đọc những câu chuyện, xem những bức hình, hiện vật được trưng bày trong phòng "Tội ác chiến tranh", cặp đôi lặng người, khẽ cau mày và rớm nước mắt.
Đây cũng là lần đầu hai người tới Việt Nam nhưng đều biết thông tin về ngày lịch sử 30/4 trước đó nên đã ghé thăm bảo tàng để tìm hiểu thêm. Grainne và Ciaran cũng cho hay ngoại trừ việc TP HCM nóng bức, mọi trải nghiệm văn hóa ở thành phố này đều thú vị. Sau khi rời TP HCM, họ sẽ du lịch một số điểm đến ở miền Trung bằng tàu hỏa.
Trong hai ngày 29 và 30/4, đoàn khách đến từ Philippines đã được vào thăm trụ sở HĐND và UBND TP HCM tại quận 1, khi nơi này lần đầu mở cửa cho khách du lịch. Các vị khách cho biết họ cảm thấy vinh dự, may mắn khi là những du khách nước ngoài đầu tiên được tham quan điểm đến đặc biệt của thành phố.
Tại Hà Nội, nhiều khách nước ngoài chia sẻ họ cảm nhận được sự khác biệt khá rõ không khí lễ Tết so với ngày thường vì đã đến vài ngày trước. Nics, quốc tịch Hà Lan, đến Việt Nam cùng chồng hôm 26/4. Cô đọc qua một số thông tin trên mạng và biết 30/4 là một ngày lễ đặc biệt với người Việt. Nics chia sẻ ngoài khu vực trung tâm, các đường phố khác ở Hà Nội khá thông thoáng vì "có vẻ người dân đã đi chơi hết".
Cô cùng chồng ghé thăm nhà hát múa rối nước, bảo tàng, một vài quán bar và "mọi thứ không có gì để phàn nàn". Nics cũng thấy một số nhà hàng khá bận rộn vì lượng khách khổng lồ. Tuy nhiên, do cô và chồng chủ yếu gọi đồ online nên không gặp vấn đề trong việc chờ đợi.
Sarah Scotti, du khách đến từ Melbourne (Australia), đến Hà Nội cùng chồng vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ hôm 29/4. Ngoài khu vực hồ Gươm đông nghẹt người, những điểm du lịch khác họ ghé thăm đều vắng vẻ. Cặp đôi đã chọn những trải nghiệm "độc" thay vì ghé thăm các nơi vốn quá nổi tiếng ở Hà Nội.
Sáng 30/4, họ đặt một tour khám phá Hà Nội bằng xe máy trong nửa ngày. Hướng dẫn viên đưa họ tới cầu Long Biên, hồ Tây, nhà tù Hỏa Lò và một điểm du lịch có tên "đảo Chuối" ở khu vực Yên Phụ (quận Tây Hồ). Do tránh xa khỏi phố cổ, họ đã có hành trình khám phá thành phố "thoải mái và tự do".
Về trải nghiệm ở khu phố cổ trong chiều 30/4, Sarah nói mọi thứ đều ổn. Các đường phố đông nghẹt người nhưng cô lại yêu sự nhộn nhịp đó. So với không khí ngày nghỉ lễ ở Melbourne, Sarah thích Hà Nội hơn hẳn.
"Ở quê hương tôi, vào ngày lễ, mọi người lái xe ra biển, lên núi nên thành phố gần như trống trơn. Tôi thích không khí vui vẻ ở Hà Nội", cô nói.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cuối tháng 4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm cao hơn 19 lần so cùng kỳ năm ngoái, bằng gần 62% so với 2019 và đạt 46% so với mục tiêu cả năm (8 triệu lượt). Khách Hàn Quốc và Trung Quốc đang là thị trường dẫn đầu.
Anh Tú - Bích Phương