Julia Walentin, 26 tuổi, đến từ London, có một kỷ niệm nhớ đời tại sân bay Heathrow, khi trở về sau kỳ nghỉ vào đầu tháng 3. Ban đầu, cô cùng người bạn thân, Dina lên kế hoạch đến Trung Quốc nhưng phải thay đổi địa điểm vì Covid-19. Sau đó, họ tới Campuchia trong 2,5 tuần.
Khi quá cảnh tại Singapore trên chuyến bay về nhà, cả hai quyết định có một đêm "cháy hết mình" để kỷ niệm kết thúc chuyến đi thú vị. Cả hai không ăn gì nhưng uống rất nhiều. Họ trở về khách sạn lúc 2h và phải ra sân bay lúc 6h. "Chúng tôi rất đói và mệt", cô chia sẻ.
Chưa hết cồn trong người, Julia bị đau đầu khi lên máy bay. Cô cảm thấy mình không ổn nếu ngồi suốt 14 tiếng, nên hỏi phi hành đoàn liệu cô có thể nằm nghỉ trên máy bay hay không, kỳ vọng mình và Dina sẽ được chuyển chỗ lên khoang thương gia.
Một tiếp viên hỏi Julia đang cảm thấy thế nào, có khỏe không. Không nghĩ ngợi nhiều, nữ hành khách xin thuốc giảm đau đầu. Yêu cầu tưởng như đơn giản của cô đã khiến phi hành đoàn hoảng loạn. Julia ngay lập tức bị yêu cầu đeo khẩu trang, và phải nằm xuống vì hành khách ngồi cạnh đã được chuyển chỗ. Julia cũng phải thực hiện một cuộc kiểm tra y tế về sức khỏe. Cứ 30 phút, tiếp viên lại đo nhiệt độ cho cô một lần. Dù Julia cố gắng giải thích, rằng cô mệt mỏi, nôn nao là do tác dụng phụ của rượu. Nhưng mọi người vẫn rất lo lắng.
Julia và các hành khách trên máy bay đều phải điền vào một tờ khai, trong đó có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ và lịch sử du lịch. Mọi người trên máy bay tức giận, còn Julia cảm thấy xấu hổ vì bản thân là nguyên nhân cho mọi rắc rối.
"Thật hoảng loạn", Julia nhớ lại cảm giác của mình lúc đó. Những hành khách ngồi cạnh hàng ghế của cô đều đeo hai khẩu trang vì họ nghĩ cô đã nhiễm nCoV.
Dina có vẻ tỉnh táo hơn nên được các nhân viên trên tàu bay hỏi han kỹ càng về tình trạng, triệu chứng của cả hai. "Một chuyến bay dài 14 tiếng kinh hoàng. Tôi tưởng như dài 40 tiếng vậy. Phi hành đoàn thông báo đã liên lạc với các bác sĩ tại sân bay Heathrow, những người đợi tôi ở đó", Julia cho biết.
Khi hạ cánh, máy bay chở Julia được các bác sĩ và lính cứu hỏa "chăm sóc đặc biệt". Lực lượng chức năng tiếp cận máy bay trong bộ đồ phòng hộ dành riêng để chống nCoV. Julia và Dina là hai người cuối cùng rời máy bay và được cả đoàn gồm bác sĩ, lính cứu hỏa hộ tống. Một lần nữa, Julia lại phải giải thích, nhưng vô ích.
Các nhân viên y tế hỏi Julia có thể tự cách ly tại nhà được không, nhưng cô nói mình sống cùng người khác. Do đó, họ đã đưa cô và bạn đến một khách sạn bí mật gần sân bay để cách ly 14 ngày, nơi này trong mắt Julia trông như một công trình xây dở với giàn giáo bên ngoài. Ban quản lý khuyên không nên mở rèm, và không liên lạc nhiều với gia đình, bạn bè. Julia và Dina chỉ thông báo mình vẫn ổn và sẽ sớm trở về.
Ở khu cách ly, Julia và Dina đã gọi bia Corona, hãng bia vô tình trùng tên với loại virus gây ra Covid-19, để uống nhằm sốc lại tinh thần. Các nhân viên trong khu cách ly nói rằng, họ sẽ mang bia tới phòng cho cô, và sẽ gõ cửa ba lần. Tuy nhiên, cả hai phải đợi đúng một phút rồi mới được mở cửa.
Nhớ về nơi mình từng bị cách ly, Julia cho biết "trông giống như một thị trấn ma, và tất cả y, bác sĩ đều mặc đồ như trên vũ trụ". May mắn, cô đã thuyết phục thành công những người ở chung nhà với mình chuyển đi. Do đó, cô được phép trở về nhà và tự cách ly. "Các bác sĩ bảo nếu tôi muốn ôm bạn trai khi anh ấy đến đón, hãy nín thở", nữ du khách nhớ lại.
Hai nữ du khách đã ở khu cách ly 6 tiếng và được nhân viên y tế đưa đi xét nghiệm. Hiện tại, Julia vẫn chờ kết quả xét nghiệm trong khi tự cách ly tại nhà.
Anh Minh (Theo News)