Vài giờ sau khi cuộc tranh luận giữa Phó tổng thống Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump khép lại tối 10/9, phần lớn nhà bình luận chính trị đều nhận định bà là người chiến thắng.
Cuộc thăm dò của CNN cho thấy 67% người theo dõi tranh luận nói rằng Phó tổng thống Mỹ chiếm ưu thế. Cuộc thăm dò khác do YouGov thực hiện cho thấy tỷ lệ ủng hộ Harris là 43%, so với 28% nghiêng về phía cựu tổng thống Trump. Ngay cả những chuyên gia từ kênh truyền hình bảo thủ Fox News cũng đồng tình rằng Harris đã đánh bại Trump trong cuộc tranh luận.
Phó tổng thống Harris được nhận xét là đã khiến đối thủ bối rối, liên tục "giăng bẫy" bằng những lời mỉa mai và khiêu khích, khiến ông Trump nổi giận và mất kiềm chế.
Phó tổng thống Mỹ rời sân khấu với vẻ mặt rạng rỡ. Nhiều chuyên gia cho rằng Harris đã khai thác thành công điểm yếu của Trump. Tuy nhiên, vẫn có những người cho rằng Phó tổng thống Mỹ phải đánh đổi bằng việc mất đi cơ hội thông báo rõ với cử tri về những chính sách mà mình theo đuổi. Số khác đặt câu hỏi về giá trị cuộc tranh luận mang lại và liệu nó có thể tác động tới những cử tri đang dao động hay không.
Một số nhà bình luận cho rằng không nên vội vã tuyên bố bà Harris là người chiến thắng, nhấn mạnh rằng cựu tổng thống Trump từ lâu đã cho thấy ông luôn kiên cường sau mỗi cú vấp ngã và biết cách biến nghịch cảnh thành cơ hội.
Steven Fein, giáo sư tâm lý học tại Đại học Williams ở bang Massachusetts của Mỹ, nói rằng đánh giá công bằng về kết quả tranh luận Trump - Harris không phải điều dễ dàng.
"Một ứng viên từ lâu đã nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi và không nhiều người tin rằng ông ấy sẽ nói sự thật. Trong khi đó, người còn lại chỉ được kỳ vọng đáp ứng những tiêu chí thông thường, như làm rõ lập trường chính sách của mình", Fein cho hay.
Giáo sư Fein chỉ ra những thông tin sai sự thật mà ông Trump đưa ra vào tối 10/9, như "người di cư Haiti ăn thịt thú cưng của người dân Ohio" hay "một số bang cho phép tước mạng sống trẻ sơ sinh ngay khi vừa chào đời". Tuy nhiên, ông nói rằng điều này cũng không gây tổn hại tới cựu tổng thống Mỹ.
"Những cử tri dao động nói rằng họ không thấy có khác biệt nào giữa hai ứng viên, vì Harris cũng không đưa ra được thông tin cụ thể về chính sách", Fein nói.
James M. Farrell, giảng viên về lý thuyết lập luận và hùng biện tại Đại học New Hampshire, đánh giá hai ứng viên đưa ra rất nhiều tuyên bố gây nghi ngờ và ít bằng chứng đáng tin cậy, cũng như quá nhiều đòn công kích cá nhân hay lời ngụy biện.
"Điều này khiến cuộc tranh luận trở thành trải nghiệm khó chịu với bất kỳ ai muốn thảo luận tử tế về những vấn đề quốc gia và các giải pháp chính sách tiềm năng", ông nói thêm.
Về cơ bản, đây là vấn đề chung của các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ, vốn đã trở thành sự kiện mang tính giải trí hơn là buổi cung cấp thông tin nhằm định hướng quyết định của cử tri, theo giới quan sát.
Nhà phân tích Stephen Collinson từ CNN lưu ý phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần để cuộc tranh luận tổng thống tác động tới cử tri và tạo ra ấn tượng mới về các ứng viên.
Mặt khác, các ứng viên chiến thắng trên sân khấu tranh luận không phải lúc nào cũng thắng cử. Donald Trump năm 2016 và cựu tổng thống George W. Bush năm 2004 đều bị đánh giá thấp hơn trong các cuộc tranh luận, nhưng sau đó vẫn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
"Ngay cả khi mất đi một phần động lực sau màn đối đầu, cựu tổng thống Trump vẫn luôn có lợi thế về hai vấn đề quan trọng hàng đầu đối với cử tri là kinh tế và nhập cư", Collinson cho hay.
Với nhiều cử tri chờ đợi nền kinh tế lột xác sau đại dịch, các cuộc tranh luận khó trở thành yếu tố quyết định lá phiếu của họ. Những thông điệp bi quan mà Trump đưa ra về người nhập cư và tội phạm có thể bị cường điệu hóa, nhưng chúng đã chứng minh được sức mạnh trong quá khứ.
"Luôn tồn tại khả năng sẽ có các sự kiện gây sốc trong và ngoài nước trong hai tháng tới và chúng sẽ làm thay đổi cán cân", Collinson nói.
Nhiều cử tri dao động cho rằng Harris đã thể hiện mạnh mẽ hơn Trump khi tranh luận. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng bà không khác biệt nhiều so với Tổng thống Joe Biden và thứ họ muốn thấy là sự thay đổi.
Cử tri tỏ ra vui mừng vì bà Harris có kế hoạch về thuế và kinh tế, nhưng vẫn muốn biết làm thế nào để nó trở thành luật khi nền chính trị Mỹ đang bị phân cực như hiện nay. Họ biết bà muốn hỗ trợ những người mua nhà lần đầu, nhưng nghi ngờ tính thực tế của mục tiêu này.
"Bà ấy đã cố gắng nói một vài lần rằng 'tôi muốn làm điều này, tôi muốn làm điều kia'. Đó đều là những lời hứa tốt đẹp. Tôi hy vọng bà ấy có thể khiến chúng được thông qua tại quốc hội", Sharon Reed, 77 tuổi, giáo viên về hưu tại Pennsylvania, nhận xét.
Harris phải đối mặt với thách thức mà Trump không gặp phải: Nói cho nước Mỹ biết họ nên mong đợi gì từ nhiệm kỳ tổng thống của bà. Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn với giới hạn hai phút cho mỗi câu trả lời, theo giới quan sát.
Trong khi đó, người Mỹ đã quen thuộc với Trump, đặc biệt là sau 4 năm ông điều hành Nhà Trắng và hơn ba năm qua với những rắc rối bủa vây cựu tổng thống. Theo kết quả thăm dò của New York Times/Siena College được công bố trước tranh luận, 90% cử tri tiềm năng trên toàn nước Mỹ đã biết khá đầy đủ thông tin cần thiết về Trump.
Shavanaka Kelly, 45 tuổi, đến từ Milwaukee, tỏ ra thích thú với những gì Phó Tổng thống Harris nói, đặc biệt là về vai trò của cựu tổng thống Trump trong cuộc bạo loạn Đồi Capitol năm 2021. Tuy nhiên, bà muốn nghe các đề xuất chính sách cụ thể hơn, đặc biệt là khi so sánh với Tổng thống Biden.
"Bà ấy chưa thể tách biệt được mình", Kelly nhận xét và thêm rằng Phó tổng thống dường như "vẫn do dự".
Harris thực tế còn xa lạ trong mắt nhiều người Mỹ và bà đang phải chạy đua với thời gian để thuyết phục cử tri rằng mình có mọi phẩm chất của một tổng thống.
Bầu không khí phấn khích của đảng Dân chủ từ khi bà Harris gia nhập cuộc đua Nhà Trắng không phản ánh thực tế trong nhiều gia đình Mỹ hiện tại. Trong cuộc thăm dò của New York Times/Siena College, 28% cử tri tiềm năng cảm thấy cần biết thêm về bà. Khảo sát còn cho thấy câu hỏi lớn nhất đối với cử tri là các kế hoạch và chính sách của bà sẽ được triển khai như thế nào.
Samira Ali, 19 tuổi, sinh viên Đại học Wisconsin-Madison, xem cuộc tranh luận với tâm thế chưa chắc chắn liệu cô có bỏ phiếu hay không. Ali vẫn chưa biết lựa chọn của mình là gì khi cuộc tranh luận kết thúc. "Bà ấy vẫn phải gây ấn tượng với tôi hơn nữa", cô nói.
Mới chuyển khỏi ký túc xá, Ali muốn nghe Phó tổng thống Mỹ đề cập nhiều hơn nữa về vấn đề chi phí nhà ở và lạm phát. "Tôi vẫn chưa thể quyết định", cô nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN, Al Jazeera, AFP, Reuters)