Chiều 7/10 tại tọa đàm "Hợp tác và kết nối phát triển cộng đồng AI" các diễn giả là nhà khoa học, công nghệ đã chia sẻ những câu chuyện về hợp tác và kết nối cộng đồng phát triển cộng đồng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam, đề xuất các giải pháp nhằm đạt mục tiêu chiến lược quốc gia về nghiên cứu và phát triển AI tới năm 2030.
Là diễn giả đầu tiên của buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Công nghệ (Đại học QGHN), đưa ra bức tranh tổng quan về thực trạng phát triển cộng đồng AI của Việt Nam so với thế giới.
Dẫn câu chuyện từ người máy nổi tiếng Sophia, GS Thủy cho biết phát triển cộng đồng AI không chỉ bao gồm con người mà còn có cả những người máy thông minh. Trên thế giới, cộng đồng AI được phát triển khá tự nhiên, gồm 4 trụ cột: những người làm nghiên cứu, nhà khoa học trong trường, viện nghiên cứu; nhà phát triển công nghệ đến từ các tập đoàn công nghiệp, đội ngũ triển khai ứng dụng và đặc biệt là người sử dụng các sản phẩm AI.
Phân tích về cộng đồng triển khai ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, ông Thủy cho biết, cứ 30 người làm về phần cứng và phần mềm thì có một người làm về AI (chiếm tỷ lệ 3,3%).
Ông cho biết thêm, đội ngũ nhà nghiên cứu, phát triển chỉ chiếm 6%, còn lực lượng những người triển khai ứng dụng và sử dụng trực tiếp chiếm 94%. Theo ông, thông tin này giúp định hướng cho phù hợp để phát triển cộng đồng AI tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, đội ngũ tham gia phát triển công nghệ, triển khai ứng dụng có khoảng 700 người, trong đó nhân lực sử dụng trực tiếp ở mức 650. Như vậy tổng số hiện có mới chỉ đạt 1.350, trong đó có 300 thạc sĩ trở lên. Nếu so với 180.000 người làm trong lĩnh vực CNTT thì tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1/1000 và so với thế giới (3,3%). Theo GS Thủy, con số này là quá ít.
Theo GS Thủy, thực trạng này đang dần được cải thiện. Sự hình thành liên minh hợp tác và phát triển AI của Việt Nam, trong đó thể hiện qua việc cộng đồng những nhà nghiên cứu và triển khai AI trong nước đã cùng các chuyên gia hàng đầu trên thế giới tổ chức các hội nghị quốc tế mang tính chất định hướng. Năm 2018 đánh dấu sự kiện A14Life lần đầu được tổ chức tại Đại học Công nghệ. Kể từ đó sự kiện quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI4VN) được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên, hay sự kiện liên quan doanh nghiệp như Zalo AI Summit, VietAI Summit.
Mô hình kết nối cộng đồng AI
Là diễn giả trong phiên báo cáo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, Phó Chủ tịch FISU đã nêu kinh nghiệm trong việc hình thành mạng lưới các trường - viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố.
Ông Quân đưa ra mô hình 6 hạt nhân đề xuất hợp tác kết nối phát triển cộng đồng AI tại TP. HCM. Đầu tiên là việc đào tạo Data Center, thứ hai xây dựng trung tâm R&D, nơi thực hiện các nghiên cứu cơ bản về công nghệ lõi của AI. Hạt nhân thứ ba là Startup Center, nơi ươm tạo khởi nghiệp các doanh nghiệp. Tiếp đến là trung tâm trình diễn giới thiệu sản phẩm và trung tâm dữ liệu giúp kết nối giữa doanh nghiệp và nhà nước. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh về việc xây dựng nền tảng kết nối giữa cựu sinh viên và các nhà khoa học đang ở nước ngoài có thể tham gia đồng đào tạo, nghiên cứu.
Mô hình khoa học mở là sáng kiến được ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch TGĐ Cty DTT, Ban điều hành Hệ tri thức Việt số hóa, chia sẻ. Ông cho rằng, trong tương lai để phát triển AI phải xây dựng được các nền tảng dùng chung dựa trên cơ sở dữ liệu chia sẻ được với nhau.
Ông Trung cho biết, mô hình khoa học mở sẽ giúp tiếp cận, cải thiện hiệu quả và năng suất của hệ thống khoa học và nghiên cứu, giúp giảm chi phí trùng lắp trong thu thập, tạo, chuyển giao và tái sử dụng dữ liệu và tài liệu khoa học. Giải pháp này cho phép các nghiên cứu thêm từ cùng một dữ liệu; mở rộng cơ hội tham gia trong nước và toàn cầu trong quá trình nghiên cứu; xác minh chính xác hơn các kết quả nghiên cứu.
Ông dẫn ví dụ, sử dụng dữ liệu từ PubMedCentral (kho trực tuyến của viện y tế quốc gia Mỹ) cho thấy 25% người dùng hàng ngày duy nhất là từ các trường đại học, 17% từ các công ty, 40% là cá nhân và phần còn lại từ chính phủ hoặc trong các loại khác (UNESCO, 2012). Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, việc làm cho dữ liệu nghiên cứu công khai có thể thúc đẩy hiểu biết về khoa học, thực tiễn dựa trên bằng chứng, và công dân-khoa học.
Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có những nghiên cứu về khoa học mở, đưa ra các tài liệu, đồng thời có các chính sách của chính phủ nhằm quản lý kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. "Đây là nền tảng, pháp lý cho khoa học mở", ông Trung nói và cho biết thực tế từ tháng 3 đến tháng 9/2020, Đề án Tri thức Việt số hóa cùng với nhóm chuyên gia 200 người trên thế giới cùng nghiên cứu chống dịch tại Việt Nam, đã thu thập được lượng lớn dữ liệu liên quan tới chống dịch. "Sắp tới chúng tôi sẽ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế để mở các dữ liệu này trên cổng của itrithuc, cổng dữ liệu quốc gia", ông Trung chia sẻ.
Đề án Tri thức Việt số hóa đã đưa ra các đề xuất tạo ra một cộng đồng và tư vấn các chính sách về phát triển khoa học công nghệ dựa trên tinh thần khoa học mở, đồng thời giúp kết nối các kết quả nghiên cứu trong nước. Trong đó có mục tiêu cụ thể giúp hình thành một mạng lưới nghiên cứu ( > 1000 nghiên cứu viên) và hợp tác chặt chẽ với các chương trình KHCN của Nhà nước, trước mắt tập trung vào các vấn đề lớn của Y tế sau mở ra các lĩnh vực khác. "Cách này cũng giúp thành lập các kênh của các chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia, của ngành y tế và hợp tác với các tổ chức R&D tại Việt Nam", ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, khoa học mở là xu hướng mới và sẽ trở thành tất yếu trong giai đoạn tới đây. Có những bài toán mà chúng ta sẽ cần rất nhiều bên chung tay bởi không có một đơn vị nghiên cứu nào có thể đủ dữ liệu, con người để làm, nhất là khi Việt Nam đang có hai bài toán lớn về biến đổi khí hậu và y tế. Việc hình thành nên phương thức nghiên cứu mới giúp các bên chia sẻ đầy đủ từ quá trình thu thập, xử lý dữ liệu và đưa ra kết quả sẽ giúp ta đi nhanh hơn", ông nói. Thực tế này đã chứng minh trong quá trình chống Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua.
Vai trò của doanh nghiệp
Sang phần thảo luận bàn tròn, GS Nguyễn Thanh Thủy đánh giá cao việc doanh nghiệp và các trường đại học đã chủ động hợp tác, kết nối trong việc phát triển AI. Ông cho biết, khi thành lập tổ công tác, chuyên gia xây dựng chiến lược quốc gia AI đã có sự kết hợp ngay từ đầu, bao gồm cả doanh nghiệp, viện nghiên cứu, đại học, đại diện bộ ngành, địa phương. "Chiến lược quốc gia giúp thúc đẩy, đồng bộ và tạo điều kiện hình thành nên các tổ chức mới liên quan trực tiếp đến AI", GS Thủy nói.
TS Nguyễn Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội tin học Việt Nam nhìn nhận các doanh nghiệp vừa và nhỏ thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ, hòa nhập cộng đồng AI, điển hình là các gương mặt startup, nhà khoa học trẻ.
Ông Long cũng cho rằng, phát triển AI ở Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó vấn đề lớn nhất nằm ở thời gian và nhân tố con người.Với AI, thời gian phải được đầu tư, không phải lập tức có sản phẩm đưa AI vào ứng dụng ngay. "Tôi thấy rất nhiều sản phẩm Việt Nam trong đại dịch Covid-19 là ăn xổi", ông thẳng thắn. Việt Nam cần có những người đủ giỏi về AI, giỏi về học máy, học sâu về khoa học dữ liệu.
Chỉ ra điểm yếu về dữ liệu, TS Long đề cập dữ liệu quốc gia dân cư, bản đồ số Việt Nam, doanh nghiệp... nguồn dữ liệu còn hạn chế, phân tán. Ông cho biết để giải toán bài toán cốt lõi, việc làm dày dữ liệu vô cùng quan trọng. "Trong AI, khoa học dữ liệu luôn luôn phải là hàng đầu", ông nói.
Ông Vũ Duy Thức, Chủ tịch cộng đồng VietAI, cho hay một trong những mục tiêu quan trọng bên cạnh việc đào tạo là tạo cầu nối giữa cộng đồng AI trong nước và nước ngoài. Hiện mạng lưới những chuyên gia về AI từ Thung lũng Silicon (Mỹ), từ Châu Âu, Nhật... đã được hình thành.
Theo ông Thức, kết nối từ nước ngoài như một bước đi tắt đón đầu sẽ giúp cộng đồng các bạn trẻ đang tìm hiểu AI trong nước có thể cập nhật, bắt kịp công nghệ cao, kỹ thuật mới nhất, đặc biệt từ tập đoàn lớn như Google, Facebook.
Ngoài ra, VietAI đẩy mạnh kết nối ba nhân tố chính: nhánh học thuật (đại học, tổ chức nghiên cứu), nhánh doanh nghiệp (gồm các tập đoàn, công ty startup) và chính phủ, Bộ ban ngành đang có hoạt động, chính sách thúc đẩy vấn đề AI. "Việc kết nối ba nhân tố này giúp tạo ra các dự án để cùng nhau phát triển, không chỉ nền tảng về cộng đồng mà còn đưa ra các sản phẩm thực thi về kinh tế tại Việt Nam", ông Thức nói.
TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết việc xây dựng và đưa ra kiến trúc chung là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Dẫn câu chuyện về Đà Nẵng, ông cho biết vấn đề chính sách xoay quanh 3 trục tam giác: hạ tầng, dữ liệu và thông minh.
Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm AI Quy Nhơn - FPT (QAI), đánh giá cao những quan điểm, thông tin các diễn giả chia sẻ trong tọa đàm, qua đó giúp nhìn tổng quan về tình hình phát triển cộng đồng AI tại Việt Nam và chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.
Đây là tọa đàm thứ 5 trong chuỗi hoạt động Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện để hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng ký ban hành đầu năm 2021. Trong chuỗi hoạt động này, Chương trình do Aus4Innovation là đơn vị tài trợ, Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam FISU phối hợp tổ chức và báo Vnexpress là đơn vị truyền thông chính thức.
Ông Kim Wimbush, Tham tán Đại sứ quán Australia, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation bày tỏ niềm vui khi đồng hành cùng chương trình, từ việc đào tạo, kết nối nghiên cứu, ứng dụng, dữ liệu đến phát triển cộng đồng AI.
Theo ông, "một cộng đồng AI mạnh mẽ sẽ là chìa khóa để mở ra tiềm năng to lớn của AI, giúp phát triển và định hình tương lai của nền kinh tế số tại Việt Nam. Sự phát triển này sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho mối quan hệ đối tác không ngừng phát triển giữa Việt Nam và Australia. "Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, và cộng đồng AI để cùng nhau hỗ trợ tối đa hóa tiềm năng của công nghệ AI", ông Kim Wimbush nói.
Chương trình Aus4Innovation triển khai trong giai đoạn 2018-2022 với tổng ngân sách 13,5 triệu đô la Úc nhằm giúp tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho tương lai công nghệ và nền kinh tế số. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST).
Như Quỳnh