5/3 được gọi là Siêu thứ ba, bởi đây là ngày trọng đại nhất trong cuộc đua giành đề cử tấm vé ứng viên tổng thống Mỹ. Đảng Dân chủ và Cộng hòa tại 15 bang và vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ đồng loạt tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày này để chọn ứng viên tranh cử.
Sau một ngày bỏ phiếu, kết cục dường như đã ngã ngũ và Siêu thứ ba tiếp tục là mốc quan trọng định đoạt ứng viên trong bầu cử tổng thống Mỹ, với những kẻ thắng người thua rõ ràng.
Giới quan sát cho rằng người chiến thắng đầu tiên trong ngày Siêu thứ ba chính là cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc đua trong nội bộ đảng Cộng hòa đã khép lại, dù Trump chưa chính thức giành đề cử. Ngoại trừ Vermont, ông đều đánh bại đối thủ duy nhất còn lại, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, ở tất cả những bang khác trong ngày này.
Tại Virginia, nơi chiến dịch tranh cử của Haley vẫn nuôi chút hy vọng mong manh trước khi kết quả được công bố, Trump đã giành thắng lợi với cách biệt 30 điểm phần trăm.
Ông còn giành chiến thắng lớn hơn ở hai bang đông dân nhất hiện nay là California và Texas.
Chiến thắng vang dội của Trump trong vòng bầu cử sơ bộ năm nay đánh dấu màn trở lại đáng chú ý đối với ứng viên mà sự nghiệp chính trị tưởng như đã kết thúc sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Cũng có một số dấu hiệu cảnh báo cho Trump về khả năng thắng lợi của ông ở các khu vực ôn hòa và giàu có hơn, như vùng ngoại ô phía bắc Virginia.
Dù vậy, điểm mấu chốt là đảng Cộng hòa hiện đã thuộc về Trump.
Giành thắng lợi vang dội không kém là Tổng thống Joe Biden, người chỉ phải đương đầu với những đối thủ trên danh nghĩa.
Việc Tổng thống Biden chiến thắng với cách biệt rất lớn cho thấy tiềm năng của ông. Người đứng đầu Nhà Trắng thắng ở tất cả 15 bang, ngoại trừ Samoa. Người giành chiến thắng cuộc họp kín của đảng Dân chủ tại vùng lãnh thổ này là một chính trị gia gần như vô danh, Jason Palmer, với tổng cộng 51 phiếu bầu.
Ở 15 bang, không ứng viên nào ngoài Biden đạt được thắng lợi hai con số. Tổng thống, người tin rằng mình bị đánh giá thấp, đang trên đà giành được tấm vé đề cử của đảng Dân chủ.
Giống Trump, ngày Siêu thứ ba cũng phát đi những tín hiệu cảnh báo với Biden, nhất là về việc ông ủng hộ Israel trong chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
Tại Minnesota, nhóm đảng viên Dân chủ ủng hộ Palestine và cảm thấy thất vọng với chính sách của ông chủ Nhà Trắng về Israel và Gaza đã phát động chiến dịch "không bầu cho ai". Trong chiến dịch này, họ kêu gọi cử tri chọn phương án "không bầu cho ai", thay vì chọn ông Biden trên lá phiếu.
Lựa chọn "không bầu cho ai" biểu thị rằng cử tri ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng không bầu cho bất kỳ ứng viên nào được liệt kê trên lá phiếu. Những phiếu bầu này sẽ không được tính cho Tổng thống Biden.
20% cử tri đã hưởng ứng lời kêu gọi đó, tương đương hơn 45.000 người. Nhóm tổ chức chiến dịch lưu ý rằng họ mới chỉ vận động trong một tuần và chi ra 20.000 USD.
Con số trên vượt xa kết quả ở Michigan vào tuần trước, nơi 13% cử tri sơ bộ của đảng Dân chủ chọn "không bầu cho ai".
Những người ủng hộ Tổng thống Biden có thể hy vọng rằng Israel và Hamas sẽ sớm đạt được một lệnh ngừng bắn ở Gaza, qua đó giúp xoa dịu vết thương chính trị mà ông chủ Nhà Trắng đang phải chịu.
Nhưng giới quan sát đánh giá mối nguy hiểm thực sự đối với Tổng thống Biden đang được thể hiện rõ ràng nhất từ trước tới nay.
Nói tới bên thua cuộc trong ngày Siêu thứ ba, cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Nikki Haley. Bà chỉ thắng một trong 15 bang diễn ra bầu cử sơ bộ vào ngày 5/3.
Nhưng chiến thắng ở Vermont, một trong những bang tự do nhất đất nước, không đủ để giúp bà đảo ngược tình thế trước Trump. Sau ngày Siêu thứ ba, ông Trump đang có 1.040 đại biểu, trong khi bà Haley có 86 đại biểu. Ứng viên cần tối thiểu 1.215 đại biểu để giành tấm vé đề cử tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7.
Đối với bà, đây là đêm mà mọi ngọn lửa hy vọng còn sót lại đều bị dập tắt. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc sau đó thông báo dừng chiến dịch tranh cử. Với quyết định này của bà, Donald Trump trở thành ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống 2024.
Bà bày tỏ lòng biết ơn vì sự ủng hộ của nhiều cử tri trên khắp đất nước, cho hay bà mong muốn tiếng nói của người Mỹ được lắng nghe. "Tôi đã làm được điều đó. Tôi không có gì hối tiếc", bà nói.
Bất chấp thất bại trong vòng sơ bộ, Haley đã chứng minh được năng lực của mình, dễ dàng thay thế Thống đốc Florida Ron DeSantis, trở thành gương mặt chính đối đầu với cựu tổng thống Trump.
Haley mới 52 tuổi nên có thể dễ dàng tái tranh cử vào năm 2028 hoặc xa hơn. Nhưng với năm 2024, bà chắc chắn đã đi đến cuối con đường.
Một bên khác phải trải qua thất vọng mà ít ai ngờ tới là chính công chúng Mỹ. Vốn là cuộc đua đầy kịch tính, ngày Siêu thứ ba năm nay diễn ra tương đối buồn tẻ.
Kết quả chung cuộc không có gì bất ngờ, đi cùng với đó là niềm phấn khích của công chúng cũng bị dập tắt.
Nhưng điều này lại làm bật lên nghịch lý chính của cuộc đua năm nay.
Biden và Trump sẽ dễ dàng giành được đề cử từ đảng của họ, song các cuộc thăm dò cho thấy hàng triệu người Mỹ đang nhìn vào viễn cảnh tái đấu giữa hai ông với thái độ miễn cưỡng.
Hồi tháng một, cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos thực hiện chỉ ra rằng 67% người Mỹ "chán nản khi phải theo dõi những ứng viên giống nhau trong cuộc bầu cử tổng thống và muốn những gương mặt mới".
Về mặt lý thuyết, điều đó sẽ mở ra cơ hội cho ứng viên đảng thứ ba tham gia tranh cử. Nhưng liệu có ai có thể thực sự tận dụng cánh cửa này không lại là câu chuyện khác.
Ứng viên độc lập Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy, cùng ngày thông báo ông hiện đã có đủ chữ ký để ghi tên mình trên lá phiếu tại Nevada.
Kennedy đang nhận được ủng hộ ở mức 11% trong một cuộc đua giả định với Tổng thống Biden và cựu tổng thống Trump. Trong khi đó, ông Trump đang dẫn trước ông Biden 2 điểm phần trăm.
Vũ Hoàng (Theo Hill, Reuters, AFP)