Một tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhắc đến kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff) với các đối tác thương mại của nước này. Mục đích của ông là áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ hiện áp với Mỹ. Ông khẳng định thuế này có thể có hiệu lực ngay lập tức.
Từ khi tranh cử, Trump đã hứa hẹn sẽ thực hiện chính sách thuế nhằm cào bằng sân chơi với các nước có quan hệ thương mại không cân đối với Mỹ. Vài giờ trước thời điểm công bố, Tổng thống Mỹ lên mạng xã hội Truth Social viết rằng "hôm nay sẽ có sự kiện lớn", kêu gọi "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". "Họ áp thuế chúng ta bao nhiêu, chúng ta sẽ áp lại như thế", ông cho biết trước báo giới trong Phòng Bầu dục hôm 13/2.
Các tuyên bố của Trump khiến nhà đầu tư lo ngại thế giới sẽ chịu một đòn giáng rất mạnh. Trước đó, ông đã ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu với 3 đối tác thương mại lớn nhất là Canada, Mexico, Trung Quốc, đồng thời đánh thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu vào nước này.
Tuy nhiên, khi được công bố chính thức, kế hoạch thuế đối ứng được nhận xét chỉ gồm các câu chữ mơ hồ, không đưa ra nhiều chi tiết và không có mốc thời gian cụ thể về ngày áp dụng. Theo biên bản ghi nhớ, ông Trump chỉ yêu cầu các cơ quan chính phủ "tích cực ngăn chặn hoạt động thương mại không công bằng với các đối tác, bằng cách quyết định mức thuế nhập khẩu tương ứng với từng nước".
Nói cách khác, ông muốn họ đưa ra kế hoạch để giúp hoạt động thương mại cân bằng hơn. Wall Street đã thở phào sau thông tin này. Chỉ số S&P 500 chốt phiên tăng 1%. Nasdaq Composite tăng 1,5% và DJIA tăng 0,8%.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi công bố kế hoạch thuế đối ứng ngày 13/2. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/14/Trump-reci-tariff-1739508462-1585-1739508893.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5Ax-EoexbfSbDcCNvDiqVA)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi công bố kế hoạch thuế đối ứng ngày 13/2. Ảnh: Reuters
"Thật nhẹ nhõm khi chính phủ không vội vã áp thuế mới. Chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống chọn phương án tế nhị và đa phương hơn", Tiffany Smith - phó chủ tịch phụ trách thương mại toàn cầu tại Hội đồng Ngoại thương Quốc gia (NFTC) nhận xét. Quan chức Mỹ sẽ phải làm việc với từng đối tác thương mại, nhằm giảm rào cản thuế quan cho Mỹ.
Howard Lutnick - người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ - cho biết việc nghiên cứu sẽ được hoàn tất trước ngày 1/4. Họ sẽ xem xét trước các trường hợp có thặng dư thương mại lớn nhất và áp dụng thuế nhập khẩu cao nhất với Mỹ.
Dù vậy, điều này cũng đồng nghĩa khối lượng công việc họ phải làm sẽ rất lớn. Giới chức Mỹ sẽ phải rà soát từ thuế rượu của Brazil, thuế xe máy vào Ấn Độ, thuế xe hơi vào Liên minh châu Âu (EU), đến lệnh cấm nhập khẩu động vật có vỏ từ 48 bang của Mỹ vào EU.
Hiện chưa rõ liệu kế hoạch của ông Trump có thể thuyết phục các nước tăng mua hàng Mỹ, hoặc xây thêm nhà máy ở Mỹ hay không. Nhưng Tổng thống Mỹ dường như tin tưởng việc này sẽ giúp tạo thêm nhiều việc làm tại đây. "Nếu xây nhà máy ở đây, anh sẽ không bị áp thuế nhập khẩu nữa. Tôi cho rằng điều đó sẽ xảy ra. Đất nước này sẽ có rất nhiều việc làm mới", ông tuyên bố ngày 13/2.
![Xe Chevrolet Cruze được lắp ráp tại nhà máy General Motors Cruze ở Ohio (Mỹ). Ảnh: Reuters](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/14/download-4-1739508670-8838-1739508893.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Hp-cHJr5w-d5JBmk04kr_Q)
Xe Chevrolet Cruze được lắp ráp tại nhà máy General Motors Cruze ở Ohio (Mỹ). Ảnh: Reuters
Một số nhà kinh tế học cũng tỏ ra nhẹ nhõm sau buổi họp báo của ông Trump. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs không cho rằng thuế nhập khẩu đối ứng sẽ gây tổn thương lớn cho nền kinh tế, vì việc thực hiện sẽ rất phức tạp và một số nước cũng không xuất khẩu sang Mỹ sản phẩm tương ứng để áp thuế.
Và kể cả nếu được áp dụng, thuế này cũng được coi là nhẹ nhàng hơn so với lời đe dọa từ trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, là áp thuế đồng loạt 10% với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ. "Dù gây ra rủi ro, thuế nhập khẩu đối ứng có thể chấm dứt sự bất ổn về thương mại sau khi được công bố", Goldman Sachs nhận định.
Bên cạnh đó, việc thiếu mốc thời gian cụ thể cũng để ngỏ khả năng các nước đàm phán với Mỹ để có mức thuế thấp hơn. Thậm chí, ông Trump có thể hoãn thực hiện một phần hoặc toàn bộ kế hoạch này.
"Cũng như các lần trước thôi. Ông ấy tuyên bố một điều gì đó rất to tát, sau đó rút lại. Chúng ta sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra, nhưng rồi nhận ra đó chỉ là nghệ thuật đàm phán mà thôi", Michael Block - chiến lược gia thị trường tại Third Seven Capital cho biết. Ngày 3/2, chỉ vài giờ trước khi thuế nhập khẩu với Mexico và Canada có hiệu lực, ông Trump tuyên bố hoãn lại một tháng do hai nước này đạt thỏa thuận về siết nhập cư và buôn lậu với Mỹ.
Keith Lerner - Giám đốc Đầu tư tại Truist Wealth - cho biết nhà đầu tư đánh giá thuế nhập khẩu sẽ lại một lần nữa được dùng làm công cụ đàm phán. Vì thế, tác động của chúng sẽ không lớn và đến ngay lập tức như lo ngại trước đó. "Không phải là ngay ngày hôm sau, thuế sẽ tăng 50% đâu", Lerner nói.
Dù vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng đều biết rằng thuế nhập khẩu là công cụ ưa thích của ông Trump. Và thuế đối ứng vẫn có thể được áp dụng, dù sớm hay muộn. Bên cạnh đó, dù hoãn áp thuế với Mexico và Canada, ông Trump vẫn giữ thuế với Trung Quốc.
Các chính sách này vẫn sẽ tác động đến kinh tế Mỹ, trong bối cảnh nước này vật lộn với lạm phát. "Cuộc chiến chống lạm phát sẽ càng khó khăn khi chúng ta áp thuế cao với hàng nhập khẩu", Christine McDaniel - nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học George Mason cho biết.
Cục thống kê Lao động Mỹ tuần này công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng mạnh hơn dự kiến. Theo đó, CPI Mỹ tháng 1 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và CPI lõi (không tính giá nhiên liệu và thực phẩm) thêm 3,3%. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 công bố hôm 13/2 cũng mạnh hơn dự báo. Các số liệu này càng củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 3 và có thể đợi đến ít nhất là tháng 9 mới giảm lãi.
"Chính quyền Trump vẫn muốn áp thuế đối ứng, bất chấp các hậu quả kinh tế nghiêm trọng lên người tiêu dùng Mỹ", tổ chức nghiên cứu Tax Foundation cho biết trong một bài đăng ngày 13/2.
Từ khi tranh cử, ông Trump luôn khẳng định thuế nhập khẩu là công cụ chủ chốt trong kế hoạch hạ nhiệt lạm phát và tăng thu ngân sách để bù cho chính sách giảm thuế trong nước. Vì vậy, Mỹ có thể vẫn tiếp tục áp thuế. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đến hiện tại, kế hoạch thuế đối ứng được chính quyền Trump công bố vẫn mang tính đe dọa nhiều hơn.
Hà Thu (theo CNN, Reuters, CNBC)