Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson hồi tuần trước đã vô tình tiết lộ một số chi tiết quan trọng trong kế hoạch quân sự bí mật bậc nhất của Washington: Làm thế nào để Mỹ thâm nhập Triều Tiên và thu giữ số vũ khí hạt nhân mà nước này nắm giữ khi Washington cảm thấy có những dấu hiệu bất ổn ở Bình Nhưỡng, theo New York Times.
Những nhà ngoại giao Mỹ lâu nay vẫn cố gắng lôi kéo các đối tác Trung Quốc thảo luận về kịch bản trên với hy vọng tránh được một cuộc xung đột tiềm tàng giữa các đặc nhiệm Mỹ, những người đã luyện tập cho kế hoạch thâm nhập suốt nhiều năm qua, và quân đội Trung Quốc, những người gần như chắc chắn sẽ đổ dồn về khu vực biên giới Triều Tiên với nỗ lực tương tự.
Theo các cựu quan chức Mỹ từng cố gắng thuyết phục Trung Quốc đồng ý với kế hoạch, Bắc Kinh kiên quyết từ chối tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan. Trung Quốc lo sợ nếu thông tin về những cuộc trao đổi này bị rò rỉ, họ sẽ bị cho là đang thông đồng với Mỹ chuẩn bị cho kịch bản Triều Tiên sụp đổ, dẫn tới việc mọi đòn bẩy mà Bắc Kinh có với Bình Nhưỡng sẽ bị phá vỡ.
Ngoại trưởng Tillerson tại cuộc họp của Hội đồng Đại Tây Dương hồi tuần trước tiết lộ về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đảm bảo với Trung Quốc rằng nếu các lực lượng Mỹ phải đổ bộ vào Triều Tiên để tìm kiếm và vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ và rút lui êm đẹp. Việc ông để lộ một thông tin cơ mật như vậy khiến các đồng nghiệp ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc bất ngờ.
Với tình hình hiện nay, Triều Tiên sụp đổ dường như là viễn cảnh khó có khả năng xảy ra, tuy nhiên, nếu thành hiện thực, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, chuyên gia nhận định. Giới chức Mỹ quan ngại các quan chức Triều Tiên, vì lo sợ chính quyền sụp đổ, sẽ bất ngờ phóng tên lửa hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản hay thậm chí tự kích hoạt chúng trên lãnh thổ Triều Tiên nhằm tránh bị chiếm đóng.
Hôm 5/12, phát biểu tại một cuộc hội thảo về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, ông Tillerson cho hay Mỹ và Trung Quốc "đã thảo luận rằng nếu có chuyện gì bất thường xảy ra, nó chỉ được phép xảy ra bên trong Triều Tiên. Chúng ta, từ bên ngoài, nên bắt đầu tính tới chuyện nếu có bất ổn, điều quan trọng là làm sao để bảo vệ các vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đã phát triển và đảm bảo chúng không rơi vào tay những người ta không mong muốn".
"Chúng tôi đã thảo luận với Trung Quốc về những việc có thể làm", Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm. Ông đồng thời lặp lại tuyên bố trước đây rằng chính quyền Mỹ không mong muốn Triều Tiên sụp đổ hay "kích động chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên".
"Chúng tôi không tìm kiếm lý do để gửi quân tới phía bắc khu phi quân sự" chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Tillerson nói. Song ông cũng nhấn mạnh nếu có chuyện gì xảy ra và Mỹ buộc phải hành động, Washington đã đảm bảo với Bắc Kinh rằng "chúng tôi sẽ rút lui về phía nam vĩ tuyến 38" khi điều kiện cho phép.
Hôm 8/12, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ có tham gia sâu vào các kế hoạch dự phòng của Washington đối với Bình Nhưỡng từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến thông tin ông Tillerson đưa ra, cũng như không xác nhận các cuộc thảo luận mà Ngoại trưởng Mỹ nhắc đến có diễn ra.
Gây chú ý
Việc ông Tillerson đề cập tới viễn cảnh Triều Tiên sụp đổ lập tức thu hút sự chú ý của những người đã và đang lên các kế hoạch quân sự nhằm đối phó với những kịch bản khác nhau trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả khả năng Washington tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng.
Khi được hỏi về việc liệu Ngoại trưởng Tillerson có vô tình tiết lộ thông tin mật hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steven Goldstein cho rằng ông Tillerson có chủ ý.
"Ngoại trưởng đã nhắc lại lập trường của ông trong các cuộc họp với những đối tác Trung Quốc", Goldstein cho hay. "Ông mong muốn các lãnh đạo quân sự Mỹ và Trung Quốc phát triển một kế hoạch nhằm vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ".
"Ngoại trưởng không ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên nhưng chúng ta có nghĩa vụ phải chuẩn bị cho mọi tình huống", ông Goldstein khẳng định.
Theo các quan chức Mỹ đã và đang làm việc trong chính quyền, những kế hoạch đối phó nhằm chiếm kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên đã phát triển khá phức tạp những năm gần đây, phần lớn bắt nguồn từ việc kho vũ khí của Bình Nhưỡng đang ngày càng được mở rộng.
Hiện các cơ quan tình báo Mỹ chưa thể thống nhất Triều Tiên có bao nhiêu vũ khí hạt nhân. Hầu hết những tính toán đều dao động trong khoảng từ 15 đến 30 thiết bị. Nhưng Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ các binh sĩ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, cho biết số vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng nắm giữ có thể vượt quá 50 thiết bị.
Triều Tiên được cho là đã dồn nhiều nỗ lực để che giấu số vũ khí hạt nhân mà họ sở hữu. Theo một quan chức quân sự Mỹ cấp cao, ngay cả khi Mỹ có thể thu giữ và vô hiệu hóa hàng chục vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, không có cách nào để xác định còn bao nhiêu vũ khí đang được cất giấu.
Trong các cuộc tập dượt về cách thực hiện một nhiệm vụ thu giữ vũ khí Triều Tiên, các quan chức Mỹ đều nhấn mạnh tốc độ là yếu tố cốt lõi.
Tìm ra vũ khí, điều đặc nhiệm vô hiệu hóa chúng và đưa chúng khỏi Triều Tiên bằng đường không đều là những nhiệm vụ khó khăn trong thời bình. Nhưng các kế hoạch của Mỹ giả định kịch bản về một cuộc xung đột ba bên tiềm tàng nhằm chiếm giữ cả vũ khí lẫn lãnh thổ Triều Tiên giữa Mỹ, đồng minh Hàn Quốc và Trung Quốc.
"Washington nên giả định rằng nếu xung đột bùng phát trên bán đảo Triều Tiên và Mỹ phải thực hiện các chiến dịch quân sự quy mô, điều này có thể sẽ khiến Trung Quốc can thiệp quân sự", bà Oriana Skylar Mastro, giáo sư nghiên cứu an ninh tại Đại học Georgetown, Mỹ, viết trên tạp chí Foreign Affairs.
Theo bà, Trung Quốc "nhiều khả năng sẽ cố gắng để chiếm giữ các cứ điểm quan trọng, bao gồm cả những bãi thử hạt nhân của Triều Tiên", hầu hết chúng đều nằm trong phạm vi khoảng 100 km quanh khu vực biên giới Trung Quốc. Nhờ lợi thế địa lý, Trung Quốc có thể sẽ tới trước các lực lượng Mỹ.
Trong quá khứ, những kế hoạch đối phó Mỹ xây dựng đều dựa trên giả định rằng nếu xung đột bùng phát, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Triều Tiên như ở cuộc chiến tranh liên Triều cách đây gần 7 thập kỷ. Nhưng bà Mastro, hiện kiêm nhiệm vai trò cố vấn cho Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng ngày nay "quân đội Trung Quốc sẽ ở phía đối diện thay vì bên cạnh các binh sĩ Triều Tiên".
Phân tích bà Mastro đưa ra cũng tương đồng với quan điểm của không ít nhà hoạch định quân sự Mỹ. Nhiều học giả Trung Quốc cũng đã bắt đầu viết về việc Bắc Kinh và Washington cần chuẩn bị một chiến lược chung. Những chủ đề kiểu này vài năm trước chắc chắn sẽ bị cấm phát hành ở Trung Quốc, theo New York Times.
Vũ Hoàng