Từ đầu 2022, đội tuyển judo Việt Nam đã bắt đầu tập trung chuẩn bị cho kỳ đại hội trên sân nhà này. Nội dung đối kháng với năm HLV, 27 VĐV tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Nội dung quyền thuật (kata) với một HLV và tám VĐV tập luyện tại TP HCM. Để tập trung tối đa cho SEA Games và đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, các tuyển thủ thậm chí không về quê ăn Tết.
Trải nghiệm quý báu ở Ulaanbaatar
Vì đại dịch mà suốt hai năm, đội tuyển đối kháng không thể thi đấu và tập huấn ở nước ngoài. Do đó, chuyến tập huấn từ 10/3 đến 30/3 tại Trung tâm Judo Quốc gia ở thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh việc Mông Cổ là một cường quốc về judo, các điểm đến tập huấn truyền thống của judo Việt Nam trước đây như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn còn áp dụng các biện pháp phòng Covid-19 nghiêm ngặt, nên hạn chế đón tiếp các đoàn thể thao nước ngoài.
Theo HLV trưởng đội tuyển judo Việt Nam Nguyễn Duy Khanh, lực lượng VĐV Mông Cổ tập luyện tại Trung tâm Judo Quốc gia nước bạn rất đông và đồng đều, và nhiều người trong đó đạt đẳng cấp rất cao ở các hạng cân. Phía bạn cũng hỗ trợ, lên chương trình tập huấn rất chi tiết cho đội judo Việt Nam.
"Nhờ tập theo giáo án của Mông Cổ và đối luyện cùng các võ sĩ đẳng cấp châu lục và thế giới của họ hằng ngày, các võ sĩ Việt Nam học hỏi rất nhiều về kumi kata - cách nắm áo để chiếm lợi thế, cách kiểm soát đối thủ, kiểm soát trận đấu, cách thực hiện kỹ thuật để ghi điểm cả ở đấu đứng lẫn địa chiến", ông Duy Khanh nói với VnExpress.
Trong khi đó, HLV Đào Hồng Quân, thành viên ban huấn luyện, thì đề cao việc các HLV Mông Cổ luôn nhiệt tình chỉ dẫn những kỹ thuật sở trường của họ cho VĐV Việt Nam. Các võ sĩ chủ nhà, dù ở đẳng cấp rất cao, cũng thể hiện tinh thần chuyên nghiệp cao, tích cực tập luyện với đồng nghiệp Việt Nam. "Chuyến tập huấn này tạo môi trường rất tốt cho các võ sĩ Việt Nam cọ xát sau một thời dài không được tập huấn và thi đấu quốc tế", ông Quân nói.
Phần đông VĐV judo Mông Cổ đều từng tập bökh - môn vật cổ truyền có nhiều nét tương đồng với judo mà các bé trai Mông Cổ được làm quen từ rất nhỏ. Do đó, lối đánh thường thấy của họ là áp sát, với các đòn sở trường là những kỹ thuật judo có nét giống với kỹ thuật của môn vật, như Koshi Guruma, O Goshi - các đòn quật bằng hông, hay Ura Nage - đòn hy sinh, ném đối phương về phía sau, thường được dùng để phản đòn nhưng cũng có thể áp dụng cho tấn công trực tiếp. Tiếp cận và tập luyện thêm về lối đánh cũng như nhóm đòn nói trên là sự bổ trợ rất tốt về mặt kỹ thuật cho các tuyển thủ Việt Nam.
Lê Anh Tài, võ sĩ từng đoạt HC vàng SEA Games 30 ở hạng -90kg - hào hứng khi nhớ về những ngày ở Ulaanbaatar. Anh đánh giá cao hiệu quả từ việc được các HLV Mông Cổ rèn thể lực chuyên môn và cho đấu tập rất nhiều, trong khi các võ sĩ Mông Cổ thích nghi rất nhanh với lối đánh của đồng nghiệp Việt Nam.
"Tôi liên tục nếm đòn Ura Nage, Koshi Guruma của các võ sĩ Mông Cổ, và thua những đòn này. Nhưng sau khoảng một tuần làm quen với cảm giác đòn và được hướng dẫn về đòn thế, tôi đã có thể thắng điểm ngược lại bằng Ura Nage, Koshi Guruma", Anh Tài kể.
Ngay cả khi thua, võ sĩ này cũng hiểu rõ vì sao anh thua, từ đó rút ra kinh nghiệm để cải thiện về kỹ thuật và khả năng chiến đấu. Sau khoảng hai tuần, Anh Tài thật sự bắt nhịp được lối đánh của đội Mông Cổ và triển khai được phong cách đấu của bản thân một cách hiệu quả hơn. Anh kể thêm: "Tôi nhớ mãi về một buổi tập. Hôm đó, tôi đã cố gắng hoàn thành trọn vẹn 2 đợt đấu tập, mỗi đợt 7 trận đấu 4 phút, và sau đó thì mệt rũ".
Theo Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, đại diện duy nhất của judo Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, chuyến tập huấn ở Mông Cổ đã giúp cả đội tích lũy nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật và tiến bộ về thể lực. Trước đó, để chuẩn bị cho Olympic, Thanh Thủy từng tập luyện dài hạn tại Đại học Tokai, một trong những "lò" đào tạo judo danh tiếng nhất của Nhật Bản.
"So với những VĐV đẳng cấp cao ở Tokai, các võ sĩ Mông Cổ cũng có kỹ thuật rất tốt", nữ võ sĩ hạng -52kg nhận xét. "Điểm đặc biệt của các bạn Mông Cổ là đánh áp sát và rất khoẻ khi nắm áo, dễ tạo lợi thế trước đối thủ. Ngoài ra, họ vào đòn có độ bộc phát, ra lực nhanh rất hay. Tôi cũng thích kỹ thuật Ura Nage của đội Mông Cổ, cứ 10 trận thì phải thua vài điểm vì đòn này".
Đồng đội của Lê Anh Tài ở cả ĐTQG lẫn đội judo TP HCM, Nguyễn Hải Bá - hạng -73kg - thì ấn tượng về tinh thần của các võ sĩ chủ nhà: "Họ tập luyện với một niềm đam mê tuyệt vời, không chỉ các tuyển thủ chính mà kể cả những VĐV nhỏ tuổi hay những võ sĩ lão làng đã nghỉ thi đấu". Chính tinh thần ấy đã giúp "lên dây cót" để đội Việt Nam càng thêm nỗ lực trong các buổi tập. Đặc biệt, khi đối luyện, đội chủ nhà "hết mình" bao nhiêu, thì đến giờ nghỉ, họ cũng hiếu khách, thân thiện bấy nhiêu, sẵn sàng hướng dẫn thêm về các đòn thế khi được hỏi. Nhờ đó, các VĐV Việt Nam luôn cảm thấy vui vẻ, có thêm năng lượng tích cực để hồi phục sau những buổi tập nặng.
Tự tin trên sân nhà
Tại SEA Games 30 ở Philippines, hai HC vàng judo của Việt Nam là từ Lê Anh Tài và nội dung đồng đội nữ. Nhưng với những tiến bộ gặt hái được sau khi trở về từ Mông Cổ, HLV Nguyễn Duy Khanh kỳ vọng judo Việt Nam sẽ đạt kết quả tốt hơn khi thi đấu trên sân nhà tháng 5 này.
Các VĐV nổi bật như Hoàng Thị Tình hạng -48kg, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Lê Anh Tài... đều giữ phong độ ổn định. Hoàng Thị Tình có thế mạnh ở Ashi Waza - các kỹ thuật quật bằng chân, và Ne Waza - địa chiến. Thanh Thủy dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế, kiểm soát trận đấu tốt, với các đòn sở trưởng hệ đòn tay - vai Morote Seoi Nage, Kata Guruma. Anh Tài mạnh về thể lực, kỹ thuật nắm áo. Bên cạnh đó, võ sĩ hạng -55kg Nguyễn Hoàng Thành cũng tiến bộ nhiều về chuyên môn từ chuyến tập huấn, và có thể là một nhân tố đáng chú ý tại SEA Games.
Bên cạnh những tiến bộ về kỹ thuật, chuyến tập huấn ở Ulaanbaatar còn giúp các tuyển thủ Việt Nam thêm tự tin nhờ thường xuyên đấu với những võ sĩ đẳng cấp châu lục, thế giới trong ba tuần.
"Đoạt HC vàng đã khó, giữ được càng khó hơn, nhưng thử thách này cũng là động lực để tôi thêm quyết tâm. Ít tuần trước ngày lên thảm đấu, tôi bước vào giai đoạn canh điểm rơi phong độ và điều chỉnh cân nặng. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, cần được thực hiện một cách khoa học và chính xác", võ sĩ Anh Tài nói
Ngoài giáo án chung, một số tuyển thủ còn tập theo bài riêng. Thanh Thủy đang tập một số bài tập chiến thuật, theo tình huống thực tế và lối đánh của các đối thủ vốn đã khá quen thuộc ở khu vực Đông Nam Á. Hải Bá luyện thêm về kỹ thuật chân và một số liên đòn để đa dạng hoá đòn thế.
Phân tích về đối thủ, HLV Nguyễn Duy Khanh nhận định: "Các gương mặt nổi bật của các nước gồm hạng -66kg, -73kg của Philippines; -73kg, -57kg, -90kg của Indonesia; -78kg, -90kg của Thái Lan... Chúng tôi cũng ghi nhận được rằng thời gian qua, một số VĐV nhập tịch của Philippines và Thái Lan vẫn tham gia các giải đấu quốc tế nên có phong độ khá ổn định".
Thế mạnh ở nội dung quyền
Những kỳ SEA Games trước đây, nội dung quyền vài lần được đưa vào thi đấu, với hai bài là Nage no Kata - bài quyền về các kỹ thuật quật, và Ju no Kata - bài quyền về sự nhu hòa, uyển chuyển. Tại SEA Games 31, nội dung quyền sẽ gồm Katame no Kata và Kodokan Goshin Jutsu. Đây là hai bài nằm trong hệ thống thi đấu kata (gồm 5 bài) của Liên đoàn Judo Quốc tế (IJF) nhưng lần đầu tiên được đưa vào tranh tài tại đại hội thể thao Đông Nam Á.
Katame no Kata - bài quyền về các kỹ thuật khống chế trong địa chiến, cùng với Nage no Kata - được xếp chung nhóm Randori no Kata - các bài quyền của đối luyện tự do. Randori no Kata được xem là nền tảng kỹ thuật quan trọng của judo. Katame no Kata và Nage no Kata được Tổ sư Jigoro Kano tạo ra trong năm năm đầu tiên sau khi thành lập môn phái (1882-1887), hệ thống lại các đòn quật và đè, khóa, siết thường được dùng trong đối luyện (randori).
Trong khi đó, Kodokan Goshin Jutsu là bài quyền về các kỹ thuật tự vệ hiện đại của Kodokan, ra mắt từ 1956. Đây là bài quyền về tự vệ thứ hai của judo, sau bài Kime no Kata, gồm các kỹ thuật phản kháng lại khi bị tấn công bằng tay không - nắm, siết, ôm, quyền, cước..., hoặc bằng vũ khí như dao găm, gậy, súng.
Chuẩn bị cho SEA Games trên sân nhà, đội judo Kata Việt Nam - gồm tám VĐV, được chia thành hai cặp thi Katame no Kata, hai cặp thi Kodokan Goshin Jutsu - tập trung tập luyện từ tháng 10/2021. Theo HLV Nguyễn Thanh Tài, đội tập mỗi ngày hai buổi, tập luyện những đòn lẻ của từng bài rồi cuối buổi đi hoàn thiện toàn bài từ một đến hai lần. Về giáo án, ban huấn luyện chú trọng các yếu tố có ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá, cho điểm: lực, tốc độ, vị trí tấn công và phản công. Do đó, ngoài các bài tập bổ trợ chuyên môn còn có các bài tập thể lực. Trong giai đoạn "nước rút" trước SEA Games, đội cố gắng hướng đến sự hoàn thiện toàn diện của phần biểu diễn, bằng cách sửa chữa các tiểu tiết về nhịp điệu và sự đồng bộ, vì kata trong judo được thực hiện bởi hai người.
Theo ông Tài, thế mạnh của đội judo kata Việt Nam là được đầu tư tập luyện cả năm bài quyền từ năm 2017, khá sớm so với các nước Đông Nam Á. Cũng trong năm đó, Kodokan Goshin Jutsu và Katame no Kata bắt đầu dự giải vô địch Kata châu Á, lần lượt xếp hạng ba và hạng tư. Tại giải vô địch Kata châu Á 2019 - giải châu lục gần đây nhất đội dự trước Covid-19, cặp Trần Quốc Cường - Phan Minh Hạnh - với bài Kodokan Goshin Jutsu - giành HC vàng, còn cặp Nguyễn Tường Vy - Mai Thị Bích Trâm - với bài Katame no Kata - nhận HC bạc. Hai cặp VĐV này đều sẽ có mặt tại SEA Games 31. Ngoài ra, do mỗi nước được đăng ký hai cặp VĐV cho mỗi bài kata, đội judo Việt Nam còn có hai cặp khác cũng đều tập luyện quyền lâu năm và có nhiều kinh nghiệm thi đấu.
Quốc Cường - Minh Hạnh được đánh giá rất cao về độ ăn ý. Cả hai võ sĩ đều cùng xuất thân từ CLB Judo Trường THPT Nguyễn Du - một trong những đơn vị tiên phong của thể thao học đường ở TP HCM, từng tập luyện chung rất lâu và là thành viên nòng cốt trong lớp kata chuyên sâu do HLV Nguyễn Thanh Tài gầy dựng. Với nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế, cả hai đang rất nỗ lực để đạt vị trí cao tại SEA Games trên sân nhà.
Do Covid-19, đội kata không thể sang Nhật tập huấn. Thay vào đó, các võ sĩ và ban huấn luyện cùng xem, phân tích băng ghi hình giải vô địch thế giới 2021, tập trung vào các phần thi của những cặp có vị trí cao. "Từ những cập nhật này và sự hướng dẫn của thầy Tài, chúng tôi hoàn thiện kỹ thuật của mình. Hơn nữa, nhờ tập trung luyện cùng suốt 7 tháng qua, tôi và Hạnh thêm ăn ý khi thực hiện các động tác, bước di chuyển ...", võ sĩ Quốc Cường kể.
Một đại diện khác từ phong trào thể thao học đường là võ sĩ Trần Lê Phương Nga, cựu học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thi đấu bài Katame no Kata. Phương Nga từng giành HC đồng SEA Games 30 với bài Ju no Kata. Chuyển sang bài kata mới khi dự SEA Games 31 sắp tới là một trải nghiệm đặc biệt của cô. "Ở bài Ju no Kata, tôi phải chú trọng sự dẻo dai, uyển chuyển. Còn ở bài Katame no Kata, tôi phải rèn thêm tốc độ, để các đòn phải nhanh, dứt khoát và thể hiện được uy lực", Phương Nga kể.
Môn judo SEA Games 31 diễn ra trong bốn ngày từ 18/5 đến 22/5, tại Nhà thi đấu Hoài Đức, Hà Nội. Chín đoàn, với 170 VĐV, sẽ tranh 13 bộ huy chương, gồm 10 hạng cân đối kháng cá nhân (5 nam, 5 nữ), một nội dung đồng đội hỗn hợp nam-nữ, và hai nội dung quyền (kata). Đồng đội hỗn hợp nam - nữ là nội dung thi đấu Olympic, lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu ở SEA Games.
Các võ sĩ judo Việt Nam được giao chỉ tiêu đoạt hai HC vàng - bằng thành tích đội đạt được ở đại hội tại Philippines năm 2019.
Lan Chi
* Lịch thi đấu chi tiết của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31