Hoàng Phụng Hiếu, sống tại Hà Nội, đam mê du lịch và đã tới hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ tại 7 châu lục. Israel là một trong những đất nước để lại cho Hiếu nhiều ấn tượng nhất.
"Tôi đã đến đây 5 lần và vẫn muốn quay lại", anh Hiếu nói. Lần đầu tiên anh đến là năm 2016, tiếp đó là 2017, 2018, 2019 và 2022. Ba năm đầu anh chỉ đến Israel và ở lại 12-15 ngày. Hai chuyến gần nhất anh ghé thăm thêm Qatar, Jordan và Ai Cập.
Điều khiến nam du khách Việt nhớ nhất về Israel chính là quá trình kiểm tra khắt khe trước khi lên máy bay. Năm 2016, anh cùng 4 du khách Việt khác bay từ Hà Nội sang Bangkok, Thái Lan, rồi nối chuyến đến Tel Aviv bằng hãng hàng không quốc gia Israel El Al. Họ đều được hỏi kỹ về lý do đến Israel, nơi đang sống, công việc đang làm hay hành lý mang theo có tự đóng gói hay nhờ ai...
Khi lên máy bay, một số hành khách được đi lối qua ống lồng. Số khác được chỉ sang lối bên để đi ra phía cạnh máy bay. Tại đây, hành khách được yêu cầu mở hành lý cá nhân để kiểm tra thêm một lần nữa.
"Tôi từng đi nhiều nơi nhưng chưa nơi nào bị hỏi kỹ như chuyến đi Israel năm 2016. Nó rất kỳ lạ", anh nói. Khi đó nhiều người đã nói với anh "lên được máy bay của Israel coi như đã đến được đất nước này". Những năm sau đó đến Israel, anh Hiếu sử dụng máy bay của hãng hàng không Nga. Hai lần gần nhất, anh đến Qatar hoặc Jordan trước rồi đến Israel bằng đường bộ, quá trình thẩm vấn diễn ra nhanh hơn.
Thanh Tùng và vợ, sống tại Hà Nội, cũng ấn tượng về việc bị hỏi kỹ khi nhập cảnh. Họ đến Israel năm 2022, nhập cảnh bằng đường bộ từ Jordan qua cửa khẩu Allenby. "Nhập cảnh vào đây còn nghiêm ngặt hơn Mỹ, Anh", anh Tùng nói. Vợ chồng anh qua khoảng 5-6 cổng kiểm soát an ninh, có cổng có người, có cổng tự động với các thiết bị camera theo dõi. Thủ tục từ lúc xuất cảnh Jordan đến khi hoàn thành nhập cảnh Israel mất hơn ba tiếng.
Ngoại trừ điểm trừ về thủ tục nhập cảnh, Israel là điểm đến "nhất định nên ghé thăm một lần trong đời" theo gợi ý của anh Hiếu. Cuộc sống nơi đây thong thả, thư thái và an toàn, hầu như không có trộm cướp, móc túi.
"Tel Aviv giống Hà Nội, rất hiện đại với các tòa nhà cao tầng, mái nhà sơn trắng rất đẹp", anh Hiếu nói. Tel Aviv nằm bên bờ Địa Trung Hải, lộng gió biển; đường phố rộng, sạch và hiếm khi tắc đường.
Trên đường từ Tel Aviv đến Jerusalem hoặc vùng Galilea, anh Hiếu ấn tượng với những trang trại nuôi bò và trồng cây ăn trái rộng bạt ngàn, hiện đại. Anh ghé thăm trang trại nuôi hàng trăm con bò nhưng chỉ có một người quản lý vì tất cả đều được tự động hóa. Phía trên chuồng bò là các tấm pin năng lượng mặt trời, phía dưới lắp máy móc lấy sữa bò sao cho được nhiều và nhanh nhất. Các bình chứa sữa được xếp gọn gàng, sạch sẽ.
Các trang trại trồng lê, táo, chuối, chà là, đào hay nhà kính trồng cà chua bi cũng được trang bị máy móc hiện đại. Người dân lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, đường ống to bằng hai đốt ngón tay và dẫn đến từng gốc cây. Anh Hiếu được hướng dẫn viên địa phương tên David, 61 tuổi và thành thạo 5 thứ tiếng, cho biết hệ thống trồng trọt ở các trang trại đều được kết nối với máy tính.
Máy tính sẽ làm nhiệm vụ tính toán xem mỗi gốc đào, chuối hay chà là cần bao nhiêu phân bón, nước và sẽ tưới đúng bằng đó. Israel không có nguồn nước ngọt dồi dào, chủ yếu lấy nước từ biển Hồ, lọc nước biển và nước tái chế. Do vậy, họ tính toán chi tiết việc tưới cây để vừa đem lại hiệu quả vừa tiết kiệm nước nhất có thể.
Anh Hiếu từng thử hồng ngâm, loại quả ăn tại Việt Nam phải gọt vỏ. Tại Israel, du khách được hướng dẫn ăn luôn vỏ. "Quả hồng ở đây rất ngon, giòn và ngọt. Ai cũng mua mấy thùng về làm quà", anh nói.
Isreal là một quốc gia nhỏ với diện tích gần 22.000 km2, gần gấp đôi tỉnh Thanh Hóa và dân số thấp với hơn 9,1 triệu người. Năm 2022, quốc gia này đón hơn 2,6 triệu lượt khách ghé thăm, trong đó có 2.300 khách Việt, theo Statista. Dù đất đai chủ yếu toàn sỏi đá, nhưng quốc gia này khiến nhiều người ngưỡng mộ vì đã biến sỏi đá thành những trang trại trồng cây ăn trái tươi tốt.
Ngoài các thành tựu về khoa học, nông nghiệp, Israel còn nổi tiếng với các con chiên mộ đạo nhờ thành cổ Jerusalem, nơi được biết đến với biệt danh "vùng đất thánh". Via Dolorosa hay con đường khổ nạn, nơi chúa Jesus đã vác thập giá đi qua để đến chỗ bị đóng đinh là địa điểm anh Hiếu không thể bỏ qua. Tuyến đường này cũng là điểm hành hương nổi tiếng của các tín đồ trên thế giới.
Nằm cách đó không xa là hầm mộ vua David, vị vua được người dân Israel yêu mến và căn phòng nơi diễn ra bữa tiệc ly. Tương truyền, căn phòng này là nơi chúa Jesus đã ăn bữa tối cuối cùng với các tông đồ trước khi bị hành quyết.
Ngoài ra, anh Hiếu còn ghé thăm Bức tường Than khóc, núi Sọ, nơi có thể nhìn toàn cảnh bao quát thành phố Jerusalem hay vườn trồng những cây oliu tươi tốt ngay cạnh cùng nhà thờ Mộ Chúa, nơi có phiến đá mà xác chúa Jesus được đặt lên sau khi người bị đóng đinh. Ngày nay, du khách thường đến và chạm vào phiến đá này với niềm tin được ban phước lành mạnh khỏe. Các điểm đến tiếp theo mà anh Hiếu ghé thăm là biển Hồ và tham gia trải nghiệm không cần bơi vẫn có thể nổi trên biển Chết.
Về ẩm thực, một trong những món ăn anh Hiếu thích nhất là món cá của thánh Peter ở biển Hồ. Tương truyền thánh Peter là một người đánh cá tại biển Hồ và được gặp chúa Jesus. Chúa đã giúp Peter bắt được nhiều cá. Do đó, Peter đã bỏ nghề chài lưới và đi theo đức Chúa. Ngày nay, du khách đến biển Hồ được thưởng thức món cá (giống cá rô phi) chiên ăn cùng khoai tây hoặc humus, món đậu nghiền ăn cùng bánh mì tròn và dẹt.
"Israel trong ấn tượng của tôi là một vùng đất an bình, đẹp đẽ, linh thiêng và đầy cuốn hút. Khi chiến sự kết thúc, tôi vẫn muốn quay lại nơi này", anh Hiếu nói.
Phương Anh