"Iran đã phạm sai lầm lớn tối nay và sẽ phải trả giá", Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố tại cuộc họp nội các tối 1/10, sau khi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đánh chặn phần lớn tên lửa và đòn tập kích của Iran không gây thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, các tên lửa tầm xa của Iran đã nhắm vào hàng loạt vị trí trên lãnh thổ Israel, điều mà quốc gia này chưa từng phải đối mặt trong hơn 75 năm qua.
"Do đó, tôi nghĩ Israel chắc chắn sẽ đáp trả. Câu hỏi duy nhất ở đây là mục tiêu, quy mô và thời điểm họ thực hiện. Tôi cũng không chắc về mức độ Mỹ sẽ hỗ trợ Israel", David Makovsky, nhà nghiên cứu tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, trả lời phỏng vấn PBS.
Phát ngôn viên IDF Daniel Haggari nói quân đội Israel "đã có phương án trả đũa và sẽ triển khai vào thời gian, địa điểm do chúng tôi quyết định". Quân đội Israel chưa tiến hành bất cứ đòn đáp trả trực tiếp nào vào mục tiêu ở Iran sau cuộc không kích.
Hồi tháng 4, Iran phóng hơn 300 quả đạn, gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV vào Israel, đáp trả vụ IDF không kích vào khu vực đại sứ quán Tehran tại Syria khiến 13 người chết. Đây là lần đầu tiên Iran tấn công trực diện vào Israel, sau nhiều năm ngầm đối đầu.
Mỹ khi đó đã hỗ trợ Israel đối phó cuộc tập kích của Iran, đồng thời gây sức ép để Tel Aviv không có hành động đáp trả quá mức. Quân đội Israel sau đó "tập kích hạn chế" bằng UAV vào các mục tiêu gần thành phố Isfahan của Iran.
Tehran tuyên bố không có thiệt hại, giúp Trung Đông thoát khỏi vòng xoáy bạo lực nguy hiểm. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây là lời cảnh báo của Israel rằng các cơ sở hạt nhân gần đó của Iran có thể bị nhắm mục tiêu.
IDF từng đe dọa sẽ không kích vào các mục tiêu quan trọng nhất trên lãnh thổ Iran, trong đó có các cơ sở hạt nhân trọng yếu và các hầm chứa tên lửa của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Tehran tuyên bố các cơ sở hạt nhân này là "lằn ranh đỏ" có thể kích hoạt chiến tranh toàn diện nếu Tel Aviv tấn công.
"Israel sẽ tìm cách thể hiện rõ hơn rằng họ có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào ở Iran bằng ưu thế công nghệ và quân sự của mình", Norman Roule, cựu sĩ quan tình báo Mỹ về Iran giai đoạn 2008-2017, nhận định.
Nhưng khi tiến hành hoạt động đáp trả, Israel sẽ cố gắng tránh các mục tiêu có thể châm ngòi chiến tranh tổng lực với Iran. Một đòn tấn công của Israel vào cơ sở hạt nhân hoặc hạ tầng năng lượng của Iran có thể khiến giới lãnh đạo ở Tehran phải ra quyết định tập kích tên lửa quy mô lớn hơn để đáp trả, đồng thời đẩy nhanh chương trình hạt nhân để chế tạo vũ khí.
Iran cho biết đòn tấn công tên lửa của họ là "phù hợp với quyền tự vệ" theo quy định quốc tế, đồng thời khẳng định hành động tập kích của họ sẽ kết thúc trừ phi Israel "đáp trả hoặc có hành động ác ý".
Omar Rahman, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, trụ sở Qatar, cảnh báo rằng nếu Israel trả đũa quyết liệt và vượt qua "lằn ranh đỏ" của Iran, vòng xoáy xung đột sẽ có thể vượt tầm kiểm soát. "Hai bên sẽ đáp trả qua lại, nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến lớn hơn", Rahman nói.
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Roule cho hay trước khi tiến hành đòn đáp trả, Israel sẽ phải tìm cách thăm dò thái độ của Mỹ, đồng minh quan trọng đã hỗ trợ họ đối phó các cuộc tập kích tên lửa của Iran hồi tháng 4 và hôm 1/10.
"Một cuộc chiến với Iran sẽ cần có sự hậu thuẫn về chính trị, kinh tế và quân sự, nếu không muốn nói là cả sự tham gia của Mỹ", Roule nhận định. "Israel chắc chắn hiểu rằng Mỹ không muốn vướng vào một cuộc xung đột như vậy".
Lầu Năm Góc trước đó thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant bàn về "hậu quả nghiêm trọng với Iran" nếu Tehran phát động đòn "tấn công quân sự trực tiếp" vào Israel, nhưng không nêu cụ thể.
"Israel khả năng cao sẽ gia tăng áp lực với Iran trước khi xuống thang" để đảm bảo tình hình không vượt tầm kiểm soát, Jonathan Schanzer, phó chủ tịch tại viện chính sách bảo thủ Foundation for Defense of Democracies, Mỹ, nói. Ông thêm rằng Tổng thống Joe Biden vẫn muốn kết thúc xung đột thông qua biện pháp ngoại giao, nhưng "cơ hội đạt được điều đó khá thấp".
Trả lời phóng viên tại Nhà Trắng ngày 1/10, ông Biden ca ngợi vai trò của quân đội Mỹ khi hỗ trợ Israel chặn đòn tập kích tên lửa của Iran.
"Đây còn là minh chứng cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và Israel trong dự đoán và phòng thủ trước những đòn tấn công đó", ông Biden nói. Khi được hỏi về hậu quả Iran phải đối mặt, ông chủ Nhà Trắng phản hồi "hãy chờ xem".
Trong khi đó, Iran dường như đang tìm cách răn đe đối thủ nhưng cũng không muốn châm ngòi cuộc chiến tổng lực với Israel. Sự hiện diện của Hezbollah ở miền nam Lebanon được coi là "chính sách bảo hiểm" của Iran nhằm tránh Tel Aviv tấn công cơ sở hạt nhân hoặc giới lãnh đạo của Tehran.
Giờ đây, Hezbollah đang chịu tổn thất nặng nề từ chiến dịch của Israel. Bằng đòn tập kích tên lửa quy mô lớn, Iran dường như muốn thể hiện họ vẫn nghiêm túc trong nỗ lực bảo vệ các thành viên trong "trục kháng chiến", nhưng không gây nguy hiểm cho an ninh của nước này, giới phân tích nhận định.
"Iran đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan: chứng kiến đồng minh và các lợi ích của mình bị suy yếu nghiêm trọng và không làm gì, hoặc đáp trả và chấp nhận những hậu quả tiềm tàng", theo Ali Vaez, giám đốc Chương trình Iran tại ICG, tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích các cuộc khủng hoảng trên thế giới, trụ sở tại Bỉ.
Afshon Ostovar, chuyên gia về quân đội Iran tại Trường cao học Hải quân Mỹ, cho rằng đòn tập kích tên lửa của Iran không có mục đích nào khác ngoài "hy vọng mong manh" rằng nó sẽ tạo ra sức mạnh răn đe với Israel, khiến Tel Aviv phải suy nghĩ kỹ trước khi có bất cứ hành động quân sự nào nhắm vào các lợi ích hay đồng minh của Tehran.
"Đó là hành động báo thù, đơn giản là vậy", ông Ostovar nói, thêm rằng cả Israel và Iran đều không muốn rơi vào một cuộc chiến tranh trực diện, quy mô lớn có thể đẩy cả khu vực Trung Đông vào vực thẳm bạo lực.
Như Tâm (Theo Al Jazeera, WSJ, Time, FARS)