"Các chiến đấu cơ Israel đã thực hiện hơn 100 cuộc không kích vào Syria trong ngày 9/12, trong số mục tiêu có trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah", Rami Abdel Rahman, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, cho biết.
Trung tâm Barzah nằm tại thủ đô Damascus, bị phương Tây nghi là có liên hệ với "hoạt động sản xuất vũ khí hóa học" của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo ông Rahman, Israel còn tấn công các kho vũ khí ở tỉnh miền đông Deir Ezzor và gần sân bay quân sự Qamishli tại tây bắc Syria, cùng tàu thuyền của hải quân Syria tại cảng Latakia. "Israel đang tăng cường không kích nhằm phá hủy hoàn toàn năng lực của quân đội chính phủ Syria", giám đốc SOHR cho hay.
Giới chức Israel chưa bình luận về thông tin này, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng ngày tuyên bố nước này đang "thực hiện mọi hành động cần thiết để đảm bảo an ninh, liên quan tình hình mới ở Syria".
Ngoại trưởng Gideon Saar hôm 9/12 xác nhận quân đội Israel đã tấn công hàng loạt mục tiêu ở Syria trước đó một ngày, tuyên bố đây là biện pháp phòng ngừa và mối quan tâm duy nhất với Tel Aviv là an ninh của quốc gia và người dân.
"Đó là lý do chúng tôi tấn công các hệ thống vũ khí chiến lược, như vũ khí hóa học còn sót lại, tên lửa tầm xa và rocket, nhằm ngăn chúng rơi vào tay lực lượng cực đoan", ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cùng ngày tuyên bố quân đội Israel sẽ "phá hủy vũ khí hạng nặng trên khắp Syria, trong đó có hệ thống phòng không, tên lửa đối đất, tên lửa hành trình, rocket tầm xa và tên lửa phòng thủ bờ biển".
Ngoài đẩy mạnh không kích, quân đội Israel hôm 8/12 cũng điều bộ binh tiến vào vùng đệm phi quân sự rộng 400 km2 ở phía đông Cao nguyên Golan. Vùng đệm này được thiết lập theo thỏa thuận ký kết năm 1974 và do Lực lượng Giám sát Thỏa thuận rút quân của Liên Hợp Quốc (UNDOF) phụ trách.
Ngoại trưởng Saar cho hay binh sĩ Israel chỉ hiện diện rất hạn chế tại khu vực. "Nó nằm gần biên giới của chúng tôi, chỉ cách từ vài trăm mét đến vài km. Đây là biện pháp có giới hạn và diễn ra trong thời gian ngắn, được thực hiện vì lý do an ninh", ông nói.
Loạt động thái diễn ra sau liên minh lực lượng chống chính phủ do nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu chiếm thủ đô Damascus, tuyên bố chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã sụp đổ.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Assad đã từ chức và rời khỏi Syria sau khi ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng các nhóm vũ trang nổi dậy đã liên minh với nhau để lật đổ ông Assad, nhưng sự đoàn kết này có thể không kéo dài lâu và khiến Syria đứng trước nguy cơ rơi vào hỗn loạn.
Phạm Giang (Theo Reuters, AFP, Times of Israel)