Sau cuộc tập kích bằng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran vào lãnh thổ Israel tối 13/4, cả Tehran và Tel Aviv đều truyền đi thông điệp rằng họ đã chiến thắng.
Israel tuyên bố khoảng 99% vũ khí của Iran bị bắn hạ, phần lớn bên ngoài lãnh thổ nước này, trong chiến dịch phòng thủ được đánh giá là hiệu quả vượt kỳ vọng. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tỏ rõ sự hài lòng sau nỗ lực đánh chặn của Tel Aviv. "Chúng tôi đã đánh chặn và ngăn cuộc tấn công. Cùng nhau, chúng tôi sẽ chiến thắng", ông viết trên mạng xã hội X ngày 14/4.
Phái bộ của Iran tại Liên Hợp Quốc cùng ngày tuyên bố đã đáp trả xong vụ tập kích tòa lãnh sự nước này ở Syria hồi đầu tháng và dường như cũng hài lòng vì đã thực hiện cuộc tấn công trực diện đầu tiên vào lãnh thổ Israel. Sau nhiều năm đe dọa hành động, Iran đã thực sự đáp trả.
Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại là Israel và Iran chưa thực sự thỏa mãn với những chiến thắng như vậy và tiếp tục có động thái leo thang nguy hiểm.
Quân đội Israel từ lâu theo đuổi chính sách cứng rắn: khi kẻ thù tấn công, phải đáp trả mạnh mẽ tới mức khiến họ không làm điều đó lần nữa. Iran trong khi đó đe dọa sẽ tiếp tục tấn công nếu Israel trả đũa vụ tập kích.
Không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp vì sợ sẽ cho thấy mình yếu đuối trước đối thủ. Nhưng khi hai nước tìm kiếm biện pháp răn đe lớn hơn, nguy cơ họ tính toán sai lầm và bị kéo vào một cuộc chiến quy mô khu vực sẽ tăng lên, theo giới quan sát.
"Nếu họ tiếp tục đáp trả nhau, tình hình sẽ thực sự leo thang", Ofer Fridman, cựu quan chức Israel và hiện là nhà nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's College ở London, nói.
Răn đe là nền tảng phòng thủ của nhiều quốc gia, trong đó bất kỳ cuộc tấn công nào đều sẽ bị đáp trả bằng phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều. Fridman nói đây là một trong ba trụ cột chiến lược của Israel suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, chiến lược răn đe của Israel không phải lúc nào cũng thành công, điều được thể hiện rõ ràng trong cuộc tấn công của Hamas vào miền nam nước này ngày 7/10/2023. Trước đó, tình báo Israel vẫn tin rằng Hamas đã bị răn đe sau cuộc chiến năm 2021 và không còn muốn gây chiến với nước này.
Tuy nhiên, Israel đã sai lầm. Michael Milshtein, cựu sĩ quan tình báo Israel phụ trách các vấn đề Palestine, cho biết Hamas khác những đối thủ khác của Israel, bởi răn đe thông thường không hiệu quả với họ.
Nếu răn đe thất bại, Israel sẽ đưa ra những cảnh báo sớm về một cuộc tấn công. Nếu cả hai thất bại, Tel Aviv sẽ nhanh chóng khiến đối thủ chịu thất bại nặng nề và nhục nhã trên chiến trường để khôi phục khả năng răn đe, khiến đối thủ không dám tấn công Israel trong nhiều năm sau đó.
"Người Iran không thể tiến hành thêm hành động răn đe mới đối với Israel", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với các chỉ huy nước này ngày 16/4. "Máy bay của không quân Israel hoạt động khắp nơi và bất kỳ kẻ thù nào chiến đấu với chúng ta sẽ bị đáp trả, dù họ ở đâu".
Trước cuộc tập kích của Iran, Israel đã đe dọa trả đũa mạnh tay nếu Tehran tấn công. Sau khi Iran bắt đầu chiến dịch Lời hứa Đích thực phóng UAV, tên lửa nhắm vào Israel hôm 13/4, Thủ tướng Netanyahu nói "bất kỳ ai làm tổn hại chúng tôi sẽ nhận lại điều tương tự".
Iran cũng đưa ra thông điệp tương tự. "Hành động chống lại lợi ích của Iran dù là nhỏ nhất từ bất đối thủ nào cũng sẽ vấp phải phản ứng nghiêm trọng, sâu rộng và đau đớn", Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói.
Cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Iran vào Israel bắt nguồn từ chiến lược quân sự khu vực nhiều năm của Tehran, trong đó họ xây dựng mạng lưới ủy nhiệm cho phép tấn công các đối thủ như Mỹ và Israel, cũng như làm giảm nguy cơ lãnh thổ Iran bị tấn công.
"Chúng tôi đã quyết định thiết lập quy tắc cân bằng mới", Hossein Salami, tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), nói ngày 14/4, thêm rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào lợi ích của Iran trong khu vực đều sẽ đối mặt đòn đáp trả trực tiếp từ Tehran.
Giới phân tích quân sự cho biết cuộc tấn công đã làm tăng nguy cơ phản ứng của Israel và vòng xoáy bạo lực giữa hai nước.
"Các hành động của Iran đã được tính toán kỹ, song không phải không có nguy cơ phạm sai lầm. Iran sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro trong dự tính", Hamdi Malik, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, nói.
Trong dấu hiệu cho thấy Israel đang cố gắng hạn chế rủi ro đó, Tel Aviv ngày 15/4 đảm bảo với các nước vùng Vịnh và quốc gia Arab khác rằng phản ứng đáp trả Iran sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của các nước và có thể sẽ hạn chế về phạm vi. Israel có thể sẽ cảnh báo đồng minh Arab trước khi trả đũa và chỉ tấn công ở các cơ sở có liên quan tới Iran tại Syria, theo quan chức khu vực Arab.
Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chia sẻ thông tin tình báo giúp Israel phòng thủ thành công trước đợt tập kích của Tehran. Tuy nhiên, họ phủ nhận việc cho phép Mỹ và Israel sử dụng không phận để đánh chặn vũ khí từ Iran.
Iran đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đòn đáp trả của Israel. IRGC đã ban hành các biện pháp khẩn cấp cho những cơ sở của họ ở Syria, theo cố vấn chính phủ Syria ở thành phố miền đông Deir Ezzour. Lực lượng IRGC đã được sơ tán phần lớn khỏi căn cứ ở Syria, chỉ có một vài binh sĩ ở lại để bảo vệ kho vũ khí.
Fridman, nhà nghiên cứu tại đại học King's College, cho rằng Israel cần từ bỏ quan điểm rằng họ có thể ngăn chặn kẻ thù vĩnh viễn. "Kể từ khi thành lập, Israel đã đối mặt nhiều xung đột và tin rằng chỉ cần đánh bại đối thủ, họ sẽ ngừng tấn công chúng tôi. Nhưng điều này không đúng và chúng tôi cần tìm giải pháp chính trị khác", cựu quan chức Israel nói.
Mỹ ủng hộ thay đổi trong cách tiếp cận của Israel, điều có thể giúp làm giảm nguy cơ leo thang căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu Israel hài lòng với thành công trong chiến dịch đánh chặn và hiệu quả của hệ thống phòng không hiện có, đồng thời không trả đũa Iran bằng biện pháp quân sự.
Tuy nhiên, Danny Danon, nhà lập pháp cấp cao từ đảng Likud cầm quyền của ông Netanyahu, nói rằng Israel phải tái thiết lập khả năng răn đe với kẻ thù một cách thường xuyên.
"Chúng tôi không thể chấp nhận quy tắc cân bằng mà Iran đang cố tạo ra, rằng họ có thể quyết định Israel có thể hoặc không thể làm gì", Danon nói, thêm rằng cả Iran và Israel đều không muốn chiến tranh toàn diện. "Mỗi lần răn đe, chúng tôi cần thể hiện năng lực và sức mạnh để có thời gian chuẩn bị cho tương lai".
Người Israel mong muốn khôi phục khả năng răn đe và không chỉ dựa vào lá chắn Vòm Sắt. "Iran đã vượt qua lằn ranh đỏ. Tôi nghĩ vấn đề nan giải bây giờ là làm thế nào để đáp trả mà không làm leo thang tình hình", ông Danon nói.
Giới phân tích nhận định Israel gần như chắc chắn sẽ đáp trả vụ tập kích của Iran, song vấn đề là thời gian, hình thức và mức độ tiến hành.
Meir Litvak, giám đốc Trung tâm Liên minh Nghiên cứu Iran tại Đại học Tel Aviv, cho biết nguy cơ xảy ra xung đột diện rộng phụ thuộc vào phản ứng của Israel. Ông cảnh báo nếu Israel phạm sai lầm và kích hoạt cuộc chiến tranh khu vực với Iran trong khi đang tiến hành chiến dịch chống Hamas ở Dải Gaza, họ sẽ không được lợi gì, thậm chí có thể hứng chịu hậu quả thảm họa.
"Đây là một giai đoạn mới và có thể được coi là cuộc chiến trực tiếp đầu tiên giữa Israel và Iran. Cách nó diễn ra tiếp theo có thể làm thay đổi luật chơi giữa hai nước", Raz Zimmt, chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, cho biết.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Haaretz, AFP)