"Nếu họ tiến đánh Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí cho họ sử dụng ở đây và các thành phố khác của Gaza", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 8/5, thêm rằng Washington sẽ chỉ tiếp tục chuyển giao cho Israel những hệ thống phòng thủ để chống lại nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa.
Đây là bước đi mà ông Biden đã tìm cách tránh phải thực hiện suốt thời gian qua, bằng cách vạch ra "lằn ranh đỏ" với Israel. Ông hồi tháng 3 tuyên bố chiến dịch tấn công toàn diện vào Rafah, thành phố miền nam Gaza hiện có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn, sẽ là điều không thể chấp nhận đối với Mỹ.
Song cuối cùng, sau hai tháng Israel lấn dần đến lằn ranh đó, ông vẫn phải thực hiện bước đi mà chính mình phản đối.
Quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden đã ra lệnh ngừng chuyển một lô vũ khí gồm 1.800 quả bom 2.000 lb (907 kg) và 1.700 quả bom 500 lb (226 kg) cho Israel, động thái chưa từng xảy ra với đồng minh Trung Đông này. Ông hy vọng động thái quyết liệt đó sẽ khiến chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải nghĩ lại về chiến dịch tấn công Gaza và hướng tới chấm dứt xung đột.
"Tôi đã nói rõ với Bibi và nội các chiến tranh Israel rằng họ sẽ không nhận được ủng hộ của chúng tôi nếu tiến đánh các trung tâm dân cư", ông Biden nói, đề cập tới biệt danh của Thủ tướng Netanyahu. "Chúng tôi không bỏ rơi an ninh Israel, nhưng chúng tôi đang tìm cách loại bỏ khả năng tiến hành chiến tranh của Israel ở những nơi đó".
Ưu tiên của ông Biden là thúc đẩy Hamas và Israel đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời ở Gaza. Ông cũng muốn xoa dịu cuộc tranh luận chính trị gay gắt trong nước về việc Washington đã gây áp lực đủ với chính phủ Israel để hạn chế thương vong dân thường có thể xảy ra ở Rafah hay không.
Trong khi đó, mục tiêu mà Israel hướng tới là nghiền nát thành trì cuối cùng của Hamas ở Rafah, nơi Tel Aviv tin các thủ lĩnh và thành viên cuối cùng của nhóm vũ trang đang ẩn náu.
Chính quyền ông Biden bắt đầu âm thầm cân nhắc việc dừng cung cấp vũ khí cho Israel từ tháng 4, sau nhiều tháng chống lại lời kêu gọi siết chặt điều kiện chuyển giao vũ khí để buộc chính phủ của ông Netanyahu suy nghĩ lại về cách tiến hành chiến dịch.
Quá trình này được giữ bí mật vì viện trợ vũ khí được xem là đòn bẩy mạnh nhất của Mỹ đối với Israel. Quyết định cắt dòng chảy viện trợ bom, tên lửa cho Israel chắc chắn sẽ khiến ông Netanyahu tức giận và thúc đẩy các đòn công kích của đảng Cộng hòa nhắm vào ông Biden, theo một số quan chức Mỹ.
Tới cuối tuần trước, quan chức chính quyền ông Biden vẫn hy vọng có thể đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, khi đã cử giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns tới Cairo, Ai Cập để thúc đẩy đàm phán thỏa thuận giữa Hamas và Israel.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi Hamas báo hiệu chấp nhận các đề xuất thỏa thuận ngừng bắn, Israel lại "quay xe", đưa bộ binh, xe tăng tiến vào cửa khẩu Rafah và dần mở rộng phạm vi tác chiến. Ngay cả khi cử phái đoàn tới Cairo để tiếp tục đàm phán, Israel đầu tuần này vẫn rải truyền đơn kêu gọi 100.000 dân ở đông Rafah sơ tán.
Ông Biden đến nay mới dừng một lô vũ khí duy nhất dự kiến tới Israel trong vài tuần tới. Một quan chức Mỹ cho biết động thái được thực hiện vì lo ngại những quả bom nặng gần một tấn có thể được Israel sử dụng để phá hủy khu vực đô thị đông đúc như Rafah, lưu ý rằng các đợt chuyển giao vũ khí tiềm năng khác cũng sẽ được cân nhắc lại.
"Dân thường đã thiệt mạng ở Gaza do những quả bom đó và cách mà họ sử dụng chúng để tấn công các trung tâm dân cư", ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn.
Quyết định dừng chuyển vũ khí ban đầu dự kiến đóng vai trò như tín hiệu gửi tới Israel rằng họ nên tập trung cho nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, thay vì đưa quân vào Rafah mà không có kế hoạch đảm bảo an toàn cho dân thường.
"Chúng tôi không công khai làm tổn hại quan hệ, mà muốn giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao", một quan chức Mỹ nói.
Tuy nhiên, quyết định ngừng chuyển giao bom của ông Biden đã nhanh chóng bị phía Israel tiết lộ với truyền thông, dường như để gây sức ép ngược. Quan chức Mỹ sau đó phải lên tiếng xác nhận thông tin, biến động thái bí mật thành cuộc đối đầu công khai với đồng minh thân cận.
Một số quan chức Israel cho rằng quyết định ngừng chuyển giao bom của Mỹ không chính đáng vì Tel Aviv đến nay vẫn chưa tiến hành chiến dịch trên bộ quy mô lớn ở Rafah như những gì Washington cảnh báo.
"Mỹ nói họ muốn chúng tôi hạn chế hoạt động, để ngăn cuộc chiến quy mô lớn. Israel đã làm như vậy nhưng vẫn bị trừng phạt", Michael Oren, cựu đại sứ Israel ở Mỹ, nói. Ông cho rằng động thái của Mỹ là "đòn tấn công phủ đầu" chống lại bất kỳ động thái mở rộng hoạt động nào của Israel ở Rafah.
Gilad Erdan, đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, cho biết ông không tin Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí hoàn toàn cho Israel, song gọi quyết định giữ lại lô bom của Washington là "rất đáng thất vọng".
"Ông Joe Biden không thể nói rằng ông ấy là đối tác của chúng tôi trong mục tiêu xóa sổ Hamas khi trì hoãn những phương tiện để làm điều đó", ông Erdan nói với kênh 12 News của Israel.
Trong phiên điều trần ngày 8/5 tại Đồi Capitol, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đối mặt chỉ trích của phe Cộng hòa vì ngừng chuyển vũ khí cho Israel.
"Ông có lo ngại rằng quyết định từ chối cung cấp cho Israel những vũ khí họ cần sẽ gửi tín hiệu thúc đẩy Hamas và Iran tiếp tục hành động hay không", thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đặt câu hỏi.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cùng lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell ngày 8/5 cũng gửi thư cho ông Biden, chỉ trích những chậm trễ trong chuyển giao vũ khí cho Israel. Họ cho rằng điều này sẽ "đặt câu hỏi về cam kết của ngài đối với an ninh của Israel".
Trong khi đó, những người lâu nay chỉ trích chính sách ủng hộ Israel của ông Biden lại cho rằng động thái ngừng chuyển giao vài nghìn quả bom là quá khiêm tốn, không đủ mang lại tác dụng lâu dài, trừ khi Mỹ tiếp tục dừng chuyển giao các lô vũ khí về sau.
"Thay vì tạm dừng một lô bom như đòn bẩy nhất thời, đây cần là khởi đầu cho thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ trong cung cấp hỗ trợ an ninh cho Israel", Josh Paul, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từ chức hồi tháng 10/2023 để phản đối cách phản ứng của chính quyền ông Biden với xung đột Gaza, nói.
Thị trưởng Rafah Ahmed al-Sofi ngày 8/5 cảnh báo thành phố miền nam Gaza "đang bên bờ vực thảm họa nhân đạo với quy mô chưa từng có". Ông mô tả "các đường phố vang vọng tiếng khóc của những sinh mạng vô tội, nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé và nhà cửa biến thành đống đổ nát".
Lời cảnh báo ngừng cung cấp vũ khí của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Israel đối mặt áp lực quốc tế ngày càng lớn để từ bỏ kế hoạch tấn công Rafah. Một phát ngôn viên quân đội Israel đã cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nói rằng hai đồng minh sẽ "âm thầm" giải quyết bất kỳ bất đồng nào.
"Tuy nhiên, động thái này dường như đánh dấu thời điểm quan trọng trong chính sách của Mỹ", Julian Borger và Peter Beaumont, hai nhà bình luận của Guardian, cho hay.
Thanh Tâm (Theo WSJ, The Guardian, CNN)