"Theo chỉ thị của Ngoại trưởng Israel Katz, chúng tôi đã thông báo cho Liên Hợp Quốc về quyết định hủy bỏ thỏa thuận giữa chính phủ Israel và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Hỗ trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine (UNRWA)", Bộ Ngoại giao Israel cho biết hôm nay.
Ngoại trưởng Katz chỉ trích UNRWA là "một phần vấn đề, chứ không phải giải pháp dành cho Dải Gaza", đồng thời cáo buộc nhiều nhân viên UNRWA là thành viên Hamas và từng tham gia cuộc tấn công Israel ngày 7/10/2023.
Động thái diễn ra sau khi quốc hội Israel thông qua hai đạo luật cấm UNRWA. Đạo luật đầu tiên cấm mọi hoạt động và dịch vụ của UNRWA "trên lãnh thổ Israel", dự kiến có hiệu lực sau ba tháng. Đạo luật còn lại coi UNRWA là "tổ chức khủng bố", cắt đứt mọi quan hệ giữa nhân viên chính phủ Israel và UNRWA, đồng thời tước bỏ quyền miễn trừ pháp lý của nhân viên tổ chức này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế, trong đó có những cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, để đảm bảo tạo điều kiện viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza theo cách không gây tổn hại an ninh của Israel. Chúng tôi mong muốn Liên Hợp Quốc đóng góp và hợp tác trong nỗ lực này", Bộ Ngoại giao Israel cho hay.
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon hoan nghênh động thái hủy bỏ thỏa thuận với UNRWA. "Chúng tôi từng đệ trình lên Liên Hợp Quốc những bằng chứng rõ ràng cho thấy Hamas đã xâm nhập UNRWA, nhưng họ không làm gì để khắc phục tình hình", ông viết trên mạng xã hội.
Liên Hợp Quốc và UNRWA chưa bình luận về động thái của Israel.
Hamas bày tỏ giận dữ, mô tả lệnh cấm của quốc hội Israel là "một phần cuộc chiến chống lại người dân ở Gaza". Chính quyền Palestine cũng lên tiếng thể hiện bất bình.
Động thái của Israel đồng thời vấp phải chỉ trích từ Mỹ, Anh và Đức cùng nhiều nước khác. Theo các chuyên gia, lệnh cấm đối với UNRWA sẽ là đòn giáng vào công tác nhân đạo ở Gaza. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Katz bác bỏ lập luận này và cho rằng UNRWA chỉ chuyển 13% viện trợ vào Gaza.
Israel đã chỉ trích gay gắt UNRWA suốt nhiều năm qua. Tình trạng ngày càng gia tăng kể từ khi chiến sự ở Dải Gaza bùng phát sau cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel hồi tháng 10/2023.
Giới chức Israel cáo buộc một số nhân viên UNRWA đã tham gia vào cuộc tấn công, trong khi một số người bị nghi thành viên Hamas và các nhóm vũ trang khác. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố tất cả nhân viên UNRWA tham gia hoạt động chống lại Israel "đều sẽ phải chịu trách nhiệm".
UNRWA được thành lập năm 1949 sau cuộc chiến Arab - Israel lần thứ nhất, nhằm hỗ trợ giáo dục, y tế và viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người Palestine ở Dải Gaza, Bờ Tây, Jordan, Lebanon và Syria. Cơ quan này hiện có khoảng 30.000 nhân viên.
Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 thông báo xác định 9 nhân viên UNRWA có thể liên quan vụ đột kích của Hamas vào Israel và đã sa thải họ.
Huyền Lê (Theo AFP, Times of Israel)