Một trong hai luật được thông qua vào tối 28/10 cấm mọi hoạt động và dịch vụ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Hỗ trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine (UNRWA) "trên lãnh thổ Israel" và dự kiến có hiệu lực sau ba tháng.
Luật thứ hai xác định UNRWA là một "tổ chức khủng bố", cắt đứt mọi mối quan hệ giữa nhân viên chính phủ và UNRWA, đồng thời tước bỏ quyền miễn trừ pháp lý của nhân viên tổ chức này.
Kết hợp lại, các luật mới có khả năng cấm UNRWA hoạt động ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, vì Israel kiểm soát quyền tiếp cận cả Gaza và Bờ Tây. Điều này có thể buộc UNRWA phải di dời trụ sở khỏi Đông Jerusalem do Israel kiểm soát.
Israel nhiều năm qua đã chỉ trích gay gắt UNRWA. Tình trạng này ngày càng gia tăng kể từ khi chiến sự ở Gaza nổ ra sau cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel hồi tháng 10 năm ngoái.
Giới chức Israel cáo buộc một số nhân viên UNRWA đã tham gia vào cuộc tấn công, một số người là thành viên Hamas cũng như các nhóm vũ trang khác. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố tất cả những nhân viên UNRWA tham gia vào các hoạt động chống lại Israel "đều sẽ phải chịu trách nhiệm".
Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini lên án luật mới của Israel, cho rằng nó tạo ra "tiền lệ nguy hiểm". "Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch nhằm làm mất uy tín của UNRWA... Những luật như vậy sẽ chỉ làm gia tăng thêm nỗi thống khổ của người dân Palestine", ông viết trên X.
Hamas phản ứng giận dữ, coi lệnh cấm là "một phần của cuộc chiến" chống lại người dân ở Gaza. Chính quyền Palestine cũng đã lên tiếng bất bình.
Động thái của Israel đồng thời vấp phải chỉ trích từ chính phủ Mỹ, Anh và Đức cùng nhiều nước khác.
Trước khi quốc hội Israel bỏ phiếu, Mỹ cho biết họ "rất quan ngại", nhắc lại vai trò quan trọng của UNRWA trong việc phân phối viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza. Mỹ hôm 15/10 cảnh báo Israel có 30 ngày để tăng lượng viện trợ đến Dải Gaza, nếu không Washington sẽ cân nhắc cắt giảm một số viện trợ quân sự cho đồng minh chủ chốt của mình.
Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ "quan ngại sâu sắc", lưu ý rằng lệnh cấm sẽ khiến "công việc thiết yếu của UNRWA cho người dân Palestine trở nên bất khả thi, gây nguy hiểm tới toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế tại Gaza cũng như việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục thiết yếu ở Bờ Tây".
Chính phủ Đức "chỉ trích gay gắt" luật mới. Chính phủ Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha và Slovenia, những nước công nhận nhà nước Palestine, đã ra tuyên bố chung lên án động thái này.
UNRWA được thành lập năm 1949 sau cuộc chiến Arab - Israel thứ nhất, nhằm hỗ trợ giáo dục, y tế và viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người Palestine ở Dải Gaza, Bờ Tây, Jordan, Lebanon và Syria. Cơ quan này hiện có khoảng 30.000 nhân viên.
Tel Aviv cáo buộc UNRWA thúc đẩy tâm lý bài Israel, nhưng cơ quan này bác bỏ. Giới chức Israel cũng nhiều lần kêu gọi giải tán UNRWA.
Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 thông báo xác định 9 nhân viên UNRWA có thể liên quan vụ đột kích của Hamas vào Israel và đã sa thải họ.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, AP)