"Starlink có thể mang lại giá trị tại Việt Nam, nhưng có vai trò bổ sung chứ không thay thế dịch vụ kết nối nội địa hiện tại", Affandy Johan, nhà phân tích tại Ookla, công ty đứng sau các công cụ theo dõi tình trạng Internet như Speedtest và Downdetector, nói với VnExpress.
Ngày 10/4, SpaceX đã nhận giấy phép triển khai thí điểm Internet vệ tinh Starlink và đang làm thủ tục để đưa mạng này hoạt động tại Việt Nam. Khi quá trình hoàn tất, Việt Nam sẽ là quốc gia tiếp theo tại Đông Nam Á có Internet vệ tinh Starlink, sau Philippines, Malaysia và Indonesia. Theo các chuyên gia, loại hình kết nối này mang đến thêm một lựa chọn, chứ không tác động nhiều tới thị trường viễn thông.

Thiết bị Internet vệ tinh Starlink của SpaceX trong lần thử nghiệm tại Hòa Lạc, Hà Nội, tháng 10/2023. Ảnh: Lưu Quý
Theo ông Johan, Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng mở rộng mạng cáp quang và di động. Hơn 70 triệu người tiếp cận Internet, trong khi 5G đã cả ba nhà mạng lớn nhất là Viettel, VNPT và MobiFone triển khai. Báo cáo mới nhất của Ookla Speedtest cho thấy tốc độ Internet cố định tại Việt Nam đạt 164,77 Mbps, xếp thứ 35 toàn cầu, trong khi Internet di động 144,5 Mbps, xếp thứ 19.
Ngoài ra, chi phí sẽ là rào cản trong việc tiếp cận Internet vệ tinh. "Dù giá Starlink đang cải thiện, nó có thể ngoài tầm với của nhiều hộ gia đình nông thôn nếu không có trợ cấp. Ngược lại, các nhà cung cấp di động trong nước đưa ra gói cước 4G và 5G với giá cạnh tranh", ông Johan nói, nhấn mạnh mạng di động hấp dẫn hơn ở các khu vực đã kết nối tốt.
Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm ngoái, vùng phủ sóng 4G của Việt Nam đạt 99,8% dân số. Chiến lược hạ tầng số của Việt Nam cũng đặt mục tiêu mạng 5G phủ đến 99% dân số vào năm 2030.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, việc Starlink triển khai tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích, có thể nhanh chóng phủ toàn bộ vùng lõm sóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hoan đánh giá sự xuất hiện của dịch vụ sẽ không gây ảnh hưởng nhiều, "do tỷ lệ vùng lõm sóng hiện rất nhỏ, chủ yếu tại vùng núi, hải đảo, nơi không có điện lưới".
Giá trị của Internet vệ tinh với người dùng Việt Nam
Tại cuộc họp đầu tháng 4, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giao cho Cục Viễn thông nhiệm vụ thúc đẩy hạ tầng số Việt Nam, trong đó có Internet vệ tinh, để phủ sóng tới vùng sâu vùng xa.
Việc đưa Internet đến vùng sâu vùng xa cũng là tác dụng chính của công nghệ vệ tinh khi triển khai tại Việt Nam, theo các chuyên gia. Ngoài ra, nó cũng có thể cung cấp kết nối dự phòng và khẩn cấp trong tình huống thiên tai, bão, lũ lụt khiến mạng mặt đất bị gián đoạn.
Dùng thử Internet Starlink tại Việt Nam, tháng 10/2023. Video: Lưu Quý
Theo nhà phân tích Affandy Johan, giá trị cốt lõi của Starlink tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khả năng "vượt qua giới hạn về địa lý". "Nhiều khu vực gặp khó khăn trong triển khai mạng truyền thống do địa hình hoặc dân cư phân tán. Starlink cung cấp giải pháp tốc độ cao tại những nơi các phương án thay thế còn hạn chế", ông nói.
"Điều này hỗ trợ mục tiêu quốc gia của Việt Nam về chuyển đổi số, đặc biệt trong giáo dục, y tế và phát triển nông thôn", nhà phân tích Ookla đánh giá. "Những ứng dụng này rất phù hợp với khu vực miền núi và ven biển của Việt Nam".
Lấy ví dụ tại Indonesia, ông cho biết Internet vệ tinh đặc biệt hữu ích với các đảo, nơi mạng truyền thống khó tiếp cận và được ứng dụng trong hoạt động y tế từ xa. Hay tại Nhật Bản, Starlink được dùng để cung cấp kết nối Internet cho một số mạng riêng 5G tại các công trường xây dựng ở khu vực núi non hiểm trở.
"Internet vệ tinh như Starlink sẽ không thay thế mạng hiện tại nhưng cung cấp một 'lớp phủ' quan trọng", Affandy Johan nhận định. "Cách tiếp cận theo lớp này giúp thu hẹp khoảng cách về kết nối của Việt Nam theo cách thiết thực".
Ngày 23/3, Chính phủ đã ban hành quyết định cho SpaceX, công ty do Elon Musk sáng lập, thí điểm có kiểm soát trong việc triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp Starlink. Dịch vụ được thí điểm triển khai trong tối đa 5 năm và kết thúc trước ngày 1/1/2031, với tối đa 600.000 thuê bao và phải đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Việc triển khai có thể được thực hiện trên toàn quốc, với các loại hình dịch vụ viễn thông gồm: Dịch vụ cố định vệ tinh như truy nhập Internet, kênh thuê riêng cho các trạm thu, phát sóng di động; Dịch vụ di động vệ tinh như truy cập Internet trên biển, trên máy bay.
Lưu Quý