Từ 800 tấn trồng thương mại ban đầu, sản lượng khoai tây của PepsiCo Foods Việt Nam hiện đạt 10.000 tấn, mang thu nhập cao cho bà con nông dân.
Là nguồn đóng góp lớn vào tổng doanh thu 30 tỷ USD của PepsiCo trên toàn cầu, mảng snack giữ vai trò quan trọng đối với tập đoàn sản xuất thực phẩm và nước giải khát lớn nhất nhì thế giới.

Tại Việt Nam, Giám đốc Điều hành Nguyễn Đức Huy PepsiCo Foods Việt Nam cho biết trước năm 2008, nguồn cung khoai tây cho nhà máy sản xuất snack Poca chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu do trong nước chưa có vùng trồng khoai tây chế biến công nghiệp. Người nông dân đa phần trồng khoai tây để phục vụ người tiêu dùng.

"Khoai chế biến phải là loại khoai có hàm lượng đường thấp, độ rắn cao, hình dáng đồng đều và mắt mầm cạn, đặc biệt phải là khoai tây tươi, không qua thời gian vận chuyển quá dài, từ đó mới cho ra miếng snack giòn tan, màu sắc đẹp mắt", ông Huy nói.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, năm 2008, PepsiCo Foods Việt Nam lên kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu trong nước, với mục tiêu nâng dần tỷ lệ nguồn cung tại chỗ, giảm nguồn nhập khẩu. Phương án dự kiến triển khai là tìm đến khu vực có điều kiện khí hậu phù hợp, thu hút bà con nông dân tham gia vào vùng nguyên liệu, mang đến nguồn lợi lâu dài cho cả hai bên.

Ban đầu, ban điều hành dự định định rót một lúc 5.000 USD để triển khai ba hecta thử nghiệm, bao gồm toàn bộ khâu thu mua đất, cấp nguyên vật liệu, triển khai nhân lực nuôi trồng... Tuy nhiên, với triết lý doanh nghiệp Performance with Purpose – “sản xuất gắn liều với mục tiêu xã hội”, những nhân sự chủ chốt quyết định phải tiếp xúc và làm việc trực tiếp với bà con nông dân ngay từ đầu. Có như thế mới tranh thủ được lòng tin của bà con, chứng minh được tâm huyết của doanh nghiệp và có cơ sở gắn bó lâu dài.

Thông qua chương trình canh tác bền vững, PepsiCo sẽ tổ chức nghiên cứu cải tiến giống khoai tây năng suất cao, cung cấp giống và phân bón cho nông dân, hỗ trợ nâng cao kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá phải chăng. Với mục tiêu vừa giúp nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống vừa tạo nguồn thu ổn định cho sản xuất, hành trình 10 năm đồng hành cùng nông dân bắt đầu.
Suốt chặng đường 10 năm qua, không có niềm vui nào lớn hơn việc nhìn thấy cây xanh tốt trên đồng, cho một vụ mùa năng suất và chứng kiến tấm thịnh tình của nông dân.
---------------------------------------------------
Ông Nguyễn Đức Huy
Giám đốc Điều hành PepsiCo Foods Việt Nam.
Có nhiều bà con nông dân còn quý mến giữ anh em kỹ sư chúng tôi ở lại dùng bữa cơm, nhấm ly rượu với nhà.
---------------------------------------------------
Ông Nguyễn Phúc Trai
Giám đốc Nông học của PepsiCo Foods Việt Nam vẫn còn nhớ tình cảm của bà con trong một chuyến thăm đồng vào năm 2017.
Với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu lâu dài, PepsiCo ra sức tìm kiếm đất trồng phù hợp. Là giống cây ưa lạnh, khoai tây tỏ ra ưa thích miền đồi núi Lâm Đồng. Tại đây cũng đã có những khoảnh vườn khoai tây nhỏ lẻ, các hộ nông dân ít nhiều quen tay, manh nha cơ hội phát triển mạnh trong tương lai.

"Không phải nơi nào ở Lâm Đồng cũng phù hợp trồng khoai tây chế biến. Sau nhiều thử nghiệm 'nếm mật nằm gai' ở Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh... chúng tôi mới xác định sẽ triển khai tại vùng Đơn Dương, nơi có độ cao, lượng mưa, thời tiết phù hợp", ông Nguyễn Phúc Trai kể lại.

Theo Giám đốc Điều hành Nguyễn Đức Huy, Đơn Dương cách đây 10 năm không có diện tích khoai tây đáng kể. Người dân trồng được bao nhiêu mang bán cho chợ hoặc thương lái bấy nhiêu, chưa áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống cây nghèo nàn, năng suất thấp. Trong khi đó giá thu mua khoai tây phụ thuộc nhiều vào cung - cầu thị trường và do thương lái quyết định, khiến người nông dân phải chật vật xoay vòng đồng vốn ít ỏi, rơi vào điệp khúc "được mùa, mất giá".
Nhằm góp phần thay đổi thực trạng này, trong buổi đầu tiếp xúc nông dân, đại diện của PepsiCo đã dành nhiều thời gian để thuyết phục bà con hợp tác cùng công ty và thay đổi thói quen canh tác. Thay vì tự thân vận động, nông dân có thể nhận giống và phân bón từ doanh nghiệp, thực hành canh tác theo kỹ thuật tiên tiến và cung cấp nông sản đầu ra cho đơn vị bao tiêu. Để thuyết phục nông dân, cán bộ khuyến nông của PepsiCo phải trực tiếp thực hiện bài toán tài chính, chỉ ra cho nông dân thấy nếu tham gia chương trình, họ sẽ được ứng trước giống và phân bón, tiết kiệm được bao nhiêu tiền vốn. Đổi lại, họ cần đầu tư tiền thuê nhân công, điện, nước, chế phẩm bảo vệ cây trồng ra sao, từ đó thu về năng suất dự kiến thế nào, sinh lời bao nhiêu...

Chưa hết, để chứng minh cam kết đồng hành với ruộng đồng, PepsiCo tuyên bố chia sẻ rủi ro thiên tai, dịch bệnh, hao hụt năng suất, giúp bà con giảm gánh nặng về tổn thất mùa vụ. Sau vài năm thử nghiệm, năm 2010 PepsiCo đã tập hợp được 150 nông dân đồng ý tham gia trồng khoai tây trong mô hình sản xuất thương mại quy mô nhỏ. Nhằm đảm bảo hiệu quả ban đầu, công ty cử đội ngũ kỹ sư nông nghiệp túc trực tại đồng, sát cánh cùng nông dân từ giai đoạn làm đất, lên luống... cho đến khi thu hoạch.

"Nông dân khó từ bỏ thói quen nhưng cũng rất nhạy bén và luôn mong muốn học hỏi những điều mới mẻ, có ích. Khi nhận thấy chúng tôi có cùng chung chí hướng muốn phát triển năng suất cây khoai tây và ổn định đầu ra, họ mới đồng ý tham gia chương trình", ông Nguyễn Phúc Trai, đại diện chương trình đồng hành cùng nông dân cho biết.

Tiếng lành đồn xa, nhận thấy hiệu quả canh tác từ chương trình đồng hành với doanh nghiệp, ngày càng nhiều nông dân tham gia tập huấn, đào tạo, nhận giống và ký hợp đồng canh tác bền vững với PepsiCo.

Từ 150 nông dân trồng thử nghiệm trong một vụ đông năm 2010 sản lượng đạt 810 tấn, năng suất đạt 8 tấn trên một hecta. Đến nay có 580 nông dân tham gia, tổng sản lượng tăng hơn 11 lần lên mức 9.800 tấn, năng suất trung bình vượt kỳ vọng 24,3 tấn mỗi hecta, cao hơn mức trung bình tại Thái Lan, Indonesia... Có hộ thu về năng suất 56 tấn trên một hecta. Từ chỗ chỉ triển khai được một vụ đông tại Lâm Đồng, nay nông dân đã có giống khỏe và kỹ thuật tốt, đảm bảo cho sản lượng đều tay mỗi năm hai vụ, diện tích vùng trồng mở rộng ra hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.
Vui nhất là khi nông dân báo tin năm rồi vừa lo xong cho con cái trong nhà học hết Đại học, có việc làm ổn định, còn gia đình có thu nhập vững vàng, nông sản đầu ra không lo thiếu nơi tiêu thụ.
---------------------------------------------------
Ông Nguyễn Phúc Trai chia sẻ.
Nguồn lợi lâu dài phải được xây dựng dựa trên mối quan hệ tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và nông dân với bệ đỡ là ba trụ cột chính trong khái niệm "canh tác bền vững", gồm môi trường, xã hội và kinh tế. Mọi phương pháp hướng đến bền vững đều phải dựa trên cơ sở bảo tồn và phát triển ba trụ cột này.
Tài nguyên không khí, nước, đất, đa dạng sinh học, cách sử dụng các chế phẩm hóa sinh, xử lý chất thải, khí nhà kính.
Đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động, tăng năng suất lao động trên cơ sở tạo việc làm cho bà con nông dân.
Tạo ra hiệu quả kinh tế cao, thắt chặt mối quan hệ thương mại về lâu dài giữa nhà nông và nhà kinh doanh.
Hiểu nôm na, nông nghiệp bền vững là quá trình canh tác tạo ra ngày càng nhiều sản lượng trên một diện tích đất, trong khi sử dụng ngày càng ít tài nguyên và hạn chế tối thiểu tác động đến môi trường. Mục tiêu cuối cùng của triết lý này là tạo ra lợi ích kinh tế, nâng cao an sinh xã hội nhưng vẫn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Giám đốc Điều hành Nguyễn Đức Huy cho biết để triển khai canh tác bền vững cần quan tâm trước hết đến ba yếu tố: giống, nước và phân bón. Từ phía PepsiCo, với tiềm lực mạnh và kinh nghiệm sẵn có trên thế giới, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu cải tiến giống tại Mỹ và triển khai canh tác tại các thị trường trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, doanh nghiệp đăng ký sử dụng hai loại giống: các giống FL (Frito-Lay) đa dạng bên cạnh giống Atlantic cho năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây.

Thứ hai, về nước tưới, đây là nguồn tài nguyên tối quan trọng giữa lúc tình hình biến đổi khí hậu hoành hành trên toàn cầu. Đối với cây khoai tây, thừa hay thiếu nước đều có thể khiến cây phát triển không đúng như mong muốn. Trong khi với điều kiện khí hậu ở vùng nhiệt đới, Việt Nam gặp tình trạng mùa mưa thừa nước còn mùa khô thì hết nước tưới.

Theo thói quen canh tác cũ, nông dân chủ yếu tưới xoa, tức kéo ống tưới trực tiếp lên đồng. Kỹ thuật này tiêu tốn nhiều nước nhưng lại chỉ có thể tiếp xúc với bề mặt đất, không giúp nước thấm sâu. Sau vài năm triển khai canh tác bền vững cùng PepsiCo, hiện 100% số hộ nông dân trong chương trình đã chuyển sang kỹ thuật tưới phun sương, giúp tăng năng suất 20-30%, tiết kiệm 3.700 mét khối nước trên mỗi hecta, giúp các hộ tránh tình trạng thiếu nước vào mùa khô.
Thứ ba, về phân bón, trước và sau mỗi mùa vụ, đội ngũ kỹ sư của PepsiCo đều tiến hành thăm đồng, khảo sát và thu mẫu phân tích đất nhằm cho ra chế độ phân bón phù hợp, bám sát các giai đoạn phát triển của cây.

Ngoài ra, quá trình sử dụng các chế phẩm hóa sinh cũng cần được đặc biệt chú trọng. Tuyệt đối không phun dư thuốc, tránh làm ô nhiễm vùng đất và nguồn nước. Khi pha chế thuốc cũng phải tránh khu vực gần nguồn nước chảy, tránh không để tồn dư thuốc theo dòng chảy ảnh hưởng đến nguồn nước và đất tại địa phương.

Về máy móc công nghệ, trước đây khi diện tích trồng cây nhỏ, nông dân chủ yếu thu hoạch bằng cách dùng nỉa đào, mất nhiều công sức. Khi diện tích mở rộng ra hàng nghìn mét vuông mỗi hộ dân, PepsiCo đưa máy móc vào khâu thu hoạch, hỗ trợ tốt cho bà con.

Nếu PepsiCo là đơn vị cung ứng giống, phân bón và kỹ thuật canh tác thì đổi lại, nông dân phụ trách nguồn nhân lực chính, hệ thống tưới tiêu và chịu trách nhiệm tại chỗ trên cánh đồng của mình. Bất kỳ một thay đổi nhỏ về thời tiết, tốc độ sinh trưởng của cây khoai tây, tình hình đất, nước, phun thuốc... đều cần được cập nhật và trao đổi thường xuyên với đội ngũ kỹ sư nhằm phản ứng nhanh nhất trong trường hợp có sự cố xảy ra. Sau thu hoạch, nông dân cũng cần đảm bảo cung cấp sản lượng theo đúng hợp đồng với doanh nghiệp, cam kết triển khai canh tác lâu dài.

Về giá cả, cơ sở định giá thu mua của doanh nghiệp dựa trên năng suất mỗi vụ, chi phí đầu vào của nông dân, trừ đi phần giống và phân bón do công ty cung cấp, cam kết mức lợi nhuận không thấp hơn 30%. Hiện nông dân thu về lợi nhuận trung bình 50-60% so với chi phí đầu vào.
Sau một thập kỷ cùng nhau nỗ lực, PepsiCo và gần 600 nông dân tại Lâm Đồng, Đắk Lắk đang thu hoạch "trái ngọt" của chương trình canh tác bền vững vùng khoai tây nguyên liệu với sản lượng gần 10.000 tấn một năm.

Giám đốc Điều hành Nguyễn Đức Huy cho biết tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung khoai tây chế biến của công ty hiện đạt 70%, phục vụ tối đa công suất của nhà máy chế biến snack Poca. Dự kiến trong năm nay, doanh nghiệp sẽ nâng công suất nhà máy lên gấp rưỡi, đòi hỏi tiếp tục đầu tư mạnh cho khâu canh tác. Hiện doanh nghiệp triển khai trồng thử nghiệm tại Mộc Châu với diện tích chỉ vài hecta phục vụ công tác thăm dò.
Mục tiêu của tập đoàn là trong 5 năm nữa, sản lượng khoai tây nội địa tăng ba lần lên mức 30.000 tấn, thu hút 2.500-3000 hộ nông dân tham vào chuỗi cung ứng bền vững của PepsiCo, năng suất trung bình đạt 30 tấn một hecta.
---------------------------------------------------
Ông Nguyễn Đức Huy cho biết.
10 năm đồng hành cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên, PepsiCo lại sắp sửa bước vào một hành trình mới ở vùng núi phía Bắc, với cùng xuất phát điểm là những khó khăn về điều kiện khí hậu, thói quen canh tác, sự tin tưởng... Tuy nhiên trong lời kể của những người gắn bó với chương trình canh tác bền vững từ những ngày đầu, đã không còn sự lo lắng về hiệu quả mà chỉ có niềm tự tin và kỳ vọng lớn vào "quả ngọt" đang chờ đón họ khai thác cùng bà con nông dân.
Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi hiện không phải số lượng mà là chất lượng. Làm sao để thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất, mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân và thân thiện với môi trường. Đó là triết lý nông nghiệp bền vững chúng tôi kế thừa từ những thế hệ lãnh đạo đi trước của PepsiCo và sẽ tiếp tục theo đuổi trong tương lai.
---------------------------------------------------
Ông Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh.
Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi hiện không phải số lượng mà là chất lượng. Làm sao để thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất, mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân và thân thiện với môi trường. Đó là triết lý nông nghiệp bền vững chúng tôi kế thừa từ những thế hệ lãnh đạo đi trước của PepsiCo và sẽ tiếp tục theo đuổi trong tương lai.
---------------------------------------------------
Ông Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh.
Đang tải dữ liệu