* Indonesia - Việt Nam: 19h30 thứ Tư 15/12, trên VnExpress.
Sau chiến thắng đầu tiên, ngay ở kỳ giải đầu tiên - khi còn mang tên Tiger Cup - năm 1996, Việt Nam chưa thắng Indonesia thêm lần nào tại giải vô địch Đông Nam Á. Lần đối đầu gần nhất giữa hai đội tại sân chơi này là một kỷ niệm buồn với Việt Nam, năm 2016. Khi đó, đội tuyển không thể thắng Indonesia ở trận bán kết trên sân Mỹ Đình, và mất vé dự chung kết. Có đến bảy cầu thủ từng được đăng ký trong trận đấu đó bây giờ cùng đội tuyển dự AFF Cup 2020. Với cá nhân thủ môn Nguyên Mạnh và trung vệ Quế Ngọc Hải, trận cầu ở Mỹ Đình năm ấy thậm chí còn là "thảm họa".
Lịch sử luôn có tiếng nói, điều đó cần được tôn trọng. Trong bóng đá, vẫn tồn tại những cái gọi là "dớp" hoặc là "kỵ rơ". Nếu việc thất thế trước Thái Lan được xem là hệ quả từ yếu tố trình độ và đẳng cấp, câu chuyện với Indonesia lại mang sắc thái khác.
Có hai cách để lý giải việc Việt Nam chưa thắng Indonesia tại AFF Cup suốt một phần tư thế kỷ đã qua. Thứ nhất, họ là đối thủ mạnh. Nếu tính về thành tích, Indonesia là khách quen của vòng bán kết AFF Cup với tám lần có mặt, tức là chỉ kém Thái Lan và Việt Nam (10 lần). Số lần có mặt ở chung kết của họ (năm lần) thậm chí chỉ xếp sau Thái Lan, trong khi Việt Nam mới ba lần. Như vậy, nếu lấy lịch sử làm điểm tựa, Indonesia là đội bóng ngang hoặc mạnh hơn Việt Nam.
Nhưng mặt khác, tất cả chỉ là sự khô khan của những con số, chứ không phản ảnh đúng bản chất. Từ năm 1995 đến 1999, khi SEA Games được xem là đấu trường chính của các đội tuyển quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam bắt đầu lấn lướt Indonesia. Trận hòa 2-2 trên chảo lửa Bung Karno với hơn 100.000 CĐV chủ nhà tại SEA Games 1997 là ví dụ. Cũng tại sân bóng được gọi là "địa ngục Đông Nam Á" ấy, ở Tiger Cup 2002, Việt Nam làm câm lặng khán giả chủ nhà bằng kết quả tương tự. Những trận hòa như vậy có giá trị chẳng khác gì một chiến thắng.
Đến khi HLV Park Hang-seo sang Việt Nam năm 2017, thực tế càng cho thấy các thống kê nói trên chẳng còn nhiều giá trị. Bốn năm qua, bóng đá Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi.
Từ chỗ chỉ là một trong bốn nền bóng đá mạnh nhất khu vực, Việt Nam giờ ở tầm "nhà vua Đông Nam Á" và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ... thoái vị. Cũng chưa có dấu hiệu về một thế lực nào khác đủ sức thách thức ngai vàng. Bóng đá Việt Nam đang sống trong kỷ nguyên Park Hang-seo, thống trị làng cầu Đông Nam Á theo mọi nghĩa, từ thành tích đối đầu bất bại suốt 32 trận đến những trận cầu trên cơ các đối thủ. Với riêng Indonesia, lần đối đầu gần nhất là một ví dụ cho sự vượt trội của Việt Nam khi xử đẹp đối thủ 4-0 tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 - khu vực châu Á.
Sự khác biệt của "kỷ nguyên Park Hang-seo" có thể đến từ lối chơi hiện đại dưới tài cầm quân của ông thầy Hàn Quốc. Trước kia, giữa Việt Nam và Indonesia có những tương đồng về cách thức chơi bóng thiên về kỹ thuật, phối hợp nhuyễn nhỏ, có sự phức tạp trong việc tiếp cận cầu môn đối phương. Cũng vì lối chơi đó, đôi bên đều gặp khó khăn như nhau khi đối đầu Thái Lan. Cũng có thể vì vậy mà Indonesia đã bốn lần thuê cố HLV Alfred Riedl cầm quân sau khi ông thầy người Áo đạt được những thành công nhất định với bóng đá Việt Nam.
Làng cầu Indonesia cũng từng có xu hướng thuê các HLV nước ngoài thuộc trường phái Latin, mà phần nhiều là từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Nhưng khi bóng đá Việt Nam lột xác với phong cách mới của HLV Park, dường như họ cũng thấy mình đã đi sai hướng, và quyết định chọn một người đồng hương nổi tiếng khác của thầy Park. Họ đi sau nên cho đến nay, chưa biết là thành công hay không.
Dù vậy, những dữ kiện đó không cho phép các học trò của HLV Park chủ quan. Có một thực tế là Indonesia thường gây ra những cú sốc khó lường vào những thời điểm mang tính quyết định với nhiều đội tuyển Việt Nam trên nhiều cấp độ. Trận thắng 3-2 ở bán kết Tiger Cup 2000, kết thúc thời vàng son của thế hệ vàng đầu tiên. Cơn địa chấn 3-0 ở sân Mỹ Đình khiến Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng AFF Cup 2004. Trận hòa tai hại trên sân Mỹ Đình ở bán kết AFF Cup 2016, sau đó là trận hòa ở SEA Games 2017 dẫn đến việc bị loại sớm và tạo nên một thời kỳ mới cho bóng đá Việt Nam. Cũng không thể quên thất bại nhiều tiếc nuối của đội U19 Việt Nam trong trận chung kết giải đấu trẻ này hồi năm 2014, lúc lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... gây sốt tại Việt Nam.
Đá với một đội bóng có thái độ thi đấu rất khó lường như Indonesia, không thể chủ quan. Dù hiện nay, trình độ của Việt Nam đứng trên về khả năng chơi bóng cũng như từng con người trên sân, sự khó lường ấy vẫn không mất đi. Cách Indonesia đá hai trận đầu tiên tại AFF Cup 2020 cũng mô tả rất rõ sự "ương bướng" của đối thủ này. Họ đang là đội dẫn đầu danh sách ghi bàn của giải (chín bàn), nhưng ba trong số bốn bàn mà Lào và Campuchia ghi được đến nay, là vào lưới Indonesia. Các học trò của HLV Shin Tae-yong thể hiện đúng chất của một đội bóng có tuổi bình quân trẻ nhất giải, họ hầu như không biết kiểm soát năng lượng thi đấu của mình. Điều đó có thể khiến họ bị vỡ trận nếu gặp một đối thủ biết cách "gài bẫy", nhưng cũng bằng sự hứng khởi của tuổi trẻ ấy, họ có thể tạo ra những diễn biến không thể lường trước.
Indonesia đến AFF Cup 2020 trong tâm thế của một kẻ thách thức, dào dạt dòng máu phiêu lưu. Ngược lại, Việt Nam vừa đá vừa phải kiểm soát nhịp điệu để bảo đảm cùng lúc các mục tiêu, vì cái đích cuối cùng của thầy trò HLV Park là chức vô địch. Indonesia vẫn còn một trận để tự quyết định số phận của họ với Malaysia, trong khi Việt Nam cũng chẳng có gì vội vàng để phải bằng mọi giá đánh bại Indonesia hoặc tạo nên một kết quả có cách biệt lớn.
Một bên vừa đá vừa tính, một bên chẳng nghĩ ngợi gì. Có cảm giác, đây là một trận đấu giữa một đấu sĩ lão luyện đang vời chiếc khăn voan màu đỏ, để khiêu khích chú bò tót hừng hực chất hoang dại phía bên kia sân.
Song Việt