Sau quãng thời gian dài ngoảnh mặt lạnh lùng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 1/1 trong thông điệp năm mới cuối cùng cũng đã tuyên bố rằng ông sẵn sàng gửi đại diện tới Hàn Quốc để tham gia thế vận hội mùa đông năm nay.
Ngày 2/1, Tổng thống Moon Jae-in lập tức phản hồi rằng ông "đánh giá cao và hoan nghênh" phản ứng tích cực của Triều Tiên trước đề xuất từ chính quyền Hàn Quốc biến thế vận hội Pyeongchang vào tháng hai tới đây thành cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực cải thiện quan hệ Hàn - Triều và thúc đẩy hòa bình.
Theo PRI, trước "cành ô liu" mà ông Kim Jong-un chìa ra, nhiều người bắt đầu hy vọng về viễn cảnh sự tham gia của Bình Nhưỡng có thể giúp mở ra các cuộc đối thoại, đồng thời làm nguội căng thẳng vốn gia tăng kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 hồi tháng 9 và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng 11, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải áp đặt những biện pháp trừng phạt "khắc nghiệt nhất". Triều Tiên miêu tả các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc là "hành động chiến tranh".
Cơ hội xen lẫn hoài nghi
Hiện chưa rõ kế hoạch của Triều Tiên tham gia thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc chắc chắn đến đâu và Bình Nhưỡng sẽ cử đại diện gồm những ai. Nhưng theo nhà phân tích an ninh quốc gia John Kirby từ CNN, các câu hỏi trên không quan trọng. Thể thao là chủ đề song điểm mấu chốt là nó mang đến cho đôi bên cơ hội quý giá để cùng ngồi vào bàn thảo luận, thậm chí là cơ hội để nuôi dưỡng các mối quan hệ hay tiến xa hơn với những vấn đề nhạy cảm khác.
"Dù không đáng kể nhưng nó là sự khởi đầu. Hiện tại, đấy là điều tốt", ông Kirby nhận xét.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể hướng đến một mục đích "không tốt đẹp" khi gợi ý về cơ hội hàn gắn quan hệ hai miền thông qua thế vận hội thể thao mùa đông tại Hàn Quốc. Theo họ, việc ông Kim tỏ thiện chí sẵn sàng thảo luận là cách để ông khoét sâu khoảng cách giữa Seoul và Washington, đồng thời lợi dụng mối bất đồng giữa Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ.
Ông Donald Trump từng chỉ trích ông Moon vì cái mà ông gọi là "sự phục tùng" của Tổng thống Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Tổng thống Moon khẳng định ông coi trọng đồng minh Mỹ nhưng ông "không phải con tốt" trong tay bất kỳ ai.
Không ít người còn đặt câu hỏi liệu Triều Tiên sẽ hành động ra sao sau khi trở về từ thế vận hội, nếu họ tham gia.
Ngoại giao thể thao từng được ca ngợi như một bước đột phá lớn giữa hai quốc gia vào hồi tháng 6 năm ngoái khi Triều Tiên gửi một đội đồng diễn taekwondo tới tham dự giải vô địch taekwondo thế giới tổ chức tại huyện Muju, tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc. 16 vận động viên Triều Tiên phô diễn những cú đá xoay hay màn dùng tay không đập vỡ gạch đầy dũng mãnh trong tiếng reo hò, cổ vũ của các khán giả Hàn Quốc.
"Tôi đã nghĩ đấy là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hai miền sẽ cải thiện", ông Oh Hye-ri, vận động viên Hàn Quốc đoạt huy chương vàng Olympic môn taekwondo, cho biết. "Bấy giờ, tôi thực sự chào đón họ".
Tuy nhiên, sau đó, những động thái khiêu khích từ Triều Tiên lại tái diễn, quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng tiếp tục bị phủ băng dày hơn sau mỗi lần chính quyền Kim Jong-un thử tên lửa.
Mặt khác, giới quan sát cũng nghi ngại về việc Tổng thống Hàn Quốc tỏ ra quá nhiệt thành trước gợi ý đàm phán từ phía Triều Tiên bởi nó có thể mang đến cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm giác rằng với "lưỡi gươm hạt nhân", ông có thể dễ dàng nói chuyện với bất cứ ai mà ông muốn, về bất cứ chủ đề gì. Suy nghĩ này dễ dẫn tới những hành động không có lợi.
Trước mối lo âu về nguy cơ chia rẽ Mỹ - Hàn, ông Kirby cho rằng quan hệ đồng minh giữa Washington và Seoul vô cùng vững chắc và khó lòng bị rạn nứt chỉ bởi một lời gợi ý chưa rõ ràng từ phía nhà lãnh đạo Triều Tiên. Mối quan hệ ấy bắt đầu từ năm 1953, trải qua 12 đời chính quyền tổng thống Mỹ và 10 đời tổng thống Hàn Quốc. Mỹ hiện vẫn đồn trú 30.000 lính tại Hàn Quốc, triển khai nhiều chiến đấu cơ, chiến hạm tới khu vực và nay là một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân.
"Đây là một liên minh mạnh mẽ và như người Hàn Quốc thường nói, nó 'hình thành từ máu'", Kirby bình luận.
Theo ông, để ngăn kịch bản tồi tệ nhất, một mặt, Mỹ và Hàn Quốc cần tích cực tăng cường năng lực quân sự để sẵn sàng đối phó mọi mối đe dọa từ Triều Tiên, song hành với các biện pháp gây áp lực. Nhưng bên cạnh đó, đàm phán vẫn nên là lựa chọn ưu tiên.
"Không ai nên sợ nói chuyện và chắc chắn không nên sợ khi nói chuyện về thể thao", Kirby nhấn mạnh.
Vũ Hoàng