Ở làn số 5, Huy Hoàng khởi đầu không mấy hứa hẹn. Nhưng sau 200 m, anh bắt đầu bứt lên. Dù bị văng ra ở mốc 250 m, kình ngư của Việt Nam kịp trở lại và có mặt trong Top 3 cho đến khi kết thúc.
Về thứ hai trong nhóm - sau VĐV New Zealand Zac Reid với 7 phút 53,06 giây, Huy Hoàng không biểu lộ cảm xúc. Anh có vẻ như hiểu rằng bản thân không thể cạnh tranh một suất vào chung kết. Thành tích lần này kém chuẩn Olympic mà anh từng đạt là 7 phút 52,74 giây, và kỷ lục cá nhân khi vô địch Olympic trẻ 2018 tại Argentina (7 phút 50,20 giây).
Sau khi kết thúc năm nhóm đấu loại, với tổng số 34 VĐV, Huy Hoàng tụt xuống thứ 20. Đứng đầu là kình ngư Ukraine Mykhailo Romanchuk với 7 phút 41,28 giây. Tiếp theo lần lượt là VĐV Đức Florian Wellbrock (7 phút 41,77 giây) và VĐV Mỹ Robert Finke (7 phút 42,72 giây). Cả ba đều bơi ở nhóm 4.
Đương kim vô địch thế giới Gregorio Paltrinieri đạt 7 phút 47,73 giây, đứng thứ tám - suất cuối cùng vào chung kết. Paltrinieri là ứng viên sáng giá cho chiếc HC vàng năm nay. Tuy nhiên, một tháng trước khi dự Olympic, kình ngư Italy bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu đơn nhân. Chứng bệnh này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý dù anh khẳng định bản thân đang đạt trạng thái tốt.
Huy Hoàng còn tham dự một nội dung nữa tại Olympic 2020 là 1500m tự do, diễn ra vào tối 30/7. Anh cần phá kỷ lục cá nhân mới có cơ hội vào chung kết. Suất cuối vào chung kết nội dung này ở Olympic Rio 2016 đạt 14 phút 55,40 giây. Còn thành tích gần nhất của Huy Hoàng ở giải quốc gia chỉ là 15 phút 09,79 giây. Nhưng, giải quốc gia vốn không phải thước đo phù hợp đánh giá khả năng thực sự của Huy Hoàng, khi anh chỉ cần đạt kết quả đủ giành HC vàng. Việc không thi đấu nhiều tháng trước đó vì Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng đến anh.
Quang Huy