Tiến sĩ Trần Việt Hùng (Hùng Trần) - người sáng lập Got It - doanh nghiệp start up có ứng dụng về giáo dục nằm trong số 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ, đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp Việt trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tiễn.
Ông Hùng cho rằng, AI hiện hữu quanh cuộc sống của con người. Chiếc điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh tự động lấy nét khuôn mặt đó chính là AI. Hay như trong các giao dịch tự động của ngân hàng, giao thông, y tế, AI cũng tham gia nhiều khâu thay thế con người.
"Có những thứ máy tính làm nhanh, tốt hơn người" - tiến sĩ Hùng nói và cho rằng để có được điều đó là do con người cung cấp dữ liệu cho máy móc chứ không phải tự nhiên sinh ra. Vì thế để Việt Nam ứng dụng AI vào sản xuất và cuộc sống, điểm mấu chốt gồm 3 yếu tố: dữ liệu, khả năng tính toán và con người.
Cụ thể các máy móc, giải thuật được là nhờ dữ liệu. Dữ liệu càng nhiều sẽ giúp cho việc giải thuật các mô hình thông minh hơn. Từ dữ liệu khổng lồ đó cần các thuật toán tốt để xử lý. Sau cùng là con người. AI phụ thuộc nhiều vào các giải thuật được thiết kế bởi con người. Việc xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng là do con người tạo nên.
Tại hội nghị Trí tuệ nhân tạo AI4Life-2018 tổ chức ngày 9-11/5 tại Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), tiến sĩ Hùng cho rằng, Việt Nam phải nhìn vào 3 yếu tố trên để thấy mình đang ở đâu, có gì và thiếu gì, từ đó mới quyết định tập trung trọng yếu vào lĩnh vực nào. Ông gợi ý Việt Nam có nhiều lĩnh vực lợi thế là thương mại điện tử, giao thông, giáo dục, y tế...
Ví dụ trong thương mại điện tử, AI có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Dựa vào dữ liệu người dùng, thói quen mua bán, doanh nghiệp có thể bán được nhiều sản phẩm. Còn người dùng có thể biết được mua ở đâu thì sản phẩm chất lượng và giá cả tốt.
Trong giao thông vận tải với việc tận dụng AI, các dịch vụ chia sẻ xe của Uber, Grab có được dữ liệu người dùng từ đó đưa ra lời khuyên lựa chọn chuyến đi chi phí ít hơn...
Nhân lực giỏi, chọn ứng dụng phù hợp
Với kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp hơn 100 nhân viên, từng nhận được 9 triệu USD đầu tư từ Silicol Valley, tiến sĩ Hùng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố con người. Đó phải là đội quân tinh nhuệ, khởi điểm ban đầu họ vào Got It đều là gương mặt "sáng giá" từ các trường đại học. Doanh nghiệp sau đó phải đào tạo tiếp bởi trường đại học có những hạn chế nhất định.
Với các công ty muốn áp dụng đưa công nghệ AI, phải có lực lượng kỹ sư nhất định nếu không sẽ rất khó khăn. Lý do là người làm công nghệ nghiên cứu chuyên sâu, còn người kinh doanh lại không hiểu gì về công nghệ.
"Kinh nghiệm của chúng tôi là đầu tư rất nhiều cho việc đào tạo. Người đến Got It sau 2 tháng thử việc sẽ được đưa sang Silicon Valley làm việc. Ở đó họ có dịp cọ xát, tự so sánh xem năng lực mình đến đâu để có động lực phấn đấu", ông Hùng cho biết.
Quan trọng hơn, khi ứng dụng AI vào thực tế mỗi đơn vị, vị tiến sĩ Mỹ khuyên không nên quá quan tâm phải làm gì hoành tráng. Hãy xem những công việc hàng ngày, chia nhỏ để thấy phần nào ứng dụng được AI và quan trọng phải ra tiền. Mục đích cuối tăng hiệu suất lên gấp 5-10 lần là thành công. Hay như một công ty thủy sản muốn tăng doanh thu lên 3 lần, nhưng không tăng người mới đáng đầu tư.
"Không nên thấy người ta làm robot cũng bằng mọi giá làm theo. Đừng phí thời gian làm lại cái thế giới đã có mà tìm cách ứng dụng công nghệ phù hợp", tiến sĩ Hùng chia sẻ.
Những dấu mốc trong lịch sử phát triển trí tuệ nhân tạo.