Nghiên cứu của TS Nguyễn Phi Hùng và cộng sự Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa công bố quốc tế, tìm ra những hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tiểu đường trong cây râu mèo. Cây này còn có tên gọi khác là bông bạc (tên khoa học: Orthosiphon stamineus), một loài thực vật thuộc họ bạc hà, phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng và miền núi như Cao Bằng, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), Ba Vì (Hà Nội), Lâm Đồng.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập và tách chiết, phân lập được 40 hợp chất. Trong số này 10 hợp chất được nhóm xác định có khả năng ức chế hoạt lực enzyme protein tyrosine phosphatase 1B (PTP1B). So sánh với chất đối chứng, 10 hợp chất trong cây râu mèo có khả năng ức chế PTP1B gấp 3-4 lần. Enzyme này là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp chuyển hóa đường, không dung nạp được gluscose, gây ra bệnh tiểu đường nếu không được cân bằng.
Đặc biệt, hai hợp chất có hàm lượng cao nhất trong cây râu mèo (rosmarinic acid và ursolic acid), ngoài tác dụng ức chế tiểu đường, còn có khả năng chống oxy hóa, kháng nhiều dòng tế bào ung thư. Hoạt tính của chất này cũng được tìm thấy trong một số dược liệu quý, khó trồng hơn, như đan sâm, xạ đen. Tuy nhiên, giá thành để thu mua những dược liệu quý này thường khá cao trong khi hoạt tính ức chế của hợp chất như nhau.
TS Hùng cho biết, dựa vào kết quả thí nghiệm, ông và cộng sự sẽ nghiên cứu, cải tiến các phương pháp mới để tăng hiệu suất tách chiết đạt độ tinh chế cao, kết hợp với cơ sở cây trồng để thay đổi môi trường sinh trưởng, từ đó giúp hàm lượng hợp chất có giá trị được cải thiện.
Hiện nhóm đang trong quá trình nghiên cứu bào chế các hợp chất ứng dụng làm chế phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Nhóm nghiên cứu cũng đã nhận dạng một hợp chất mới và đang đi sâu trong việc định danh và xác định đặc tính, tiềm năng ứng dụng của chất này.
Cây râu mèo hiện được trồng phổ biến ở vùng núi phía Bắc, có vị ngọt, tính mát, tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, được sử dụng điều trị cao huyết áp, bệnh đường tiết niệu trong Đông y. Các nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của râu mèo ở Việt Nam còn hạn chế, chưa có nghiên cứu nào về thành phần hóa học liên quan đến hoạt tính chống tiểu đường theo hướng tăng cường hấp thu đường máu và ức chế enzyme PTP1B được công bố.
"Việc tìm ra những hợp chất tiềm năng, có giá trị trong những loài cây phổ biến có thể giúp giảm chi phí bào chế, giá thành dược phẩm sẽ không cao trong khi tác dụng điều trị có thể như nhau", TS Hùng nói.
Nguyễn Xuân