Trong bối cảnh cơn hoảng loạn về dịch Covid-19 đang lan rộng ra khắp Hong Kong, người dân đặc khu hàng ngày phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ để mua khẩu trang, thuốc khử trùng và thậm chí cả giấy vệ sinh từ những hiệu thuốc như Kit Pharm ở khu vực North Point.
"Chúng tôi ai cũng mệt mỏi", Tang, một trong những người đầu tiên nếm trải cảm giác của "cơn khát" khẩu trang ở Hong Kong, cho biết, đề cập tới những hậu quả của Covid-19. "Không mấy ai phải trải qua quá nhiều thứ cùng lúc như chúng tôi. Chúng phải được ghi lại trong lịch sử".
Sau nhiều tháng bất ổn chính trị vì biểu tình liên miên và với nỗi ám ảnh từ dịch SARS hồi năm 2003, nhiều người Hong Kong với tâm trạng đầy hoang mang, lo lắng bắt đầu càn quét các hiệu thuốc khắp đặc khu để tích trữ đồ dùng, nhu yếu phẩm, dẫn tới nguồn cung ngày càng cạn kiệt đi đôi với giá cả không ngừng leo thang.
Trước Tết Nguyên đán, một hộp khẩu trang 50 chiếc có giá khoảng 6,5 USD. Nay giá đã tăng gấp đôi nhưng cũng không có để mua.
Khi Tang nhận ra nhu cầu đang tăng phi mã, cô đã cố gắng nhập khẩu trang chất lượng cao từ các nhà cung cấp Đức và Anh. Nhưng để vận chuyển hàng về phải mất nhiều tháng, cửa hàng của cô buộc phải dựa vào những gì có sẵn.
Ngay cả Tang cũng gặp khó khăn trong việc mua khẩu trang. Trong chuyến đi mới đây tới Đài Loan, cô đã mua 200 chiếc cho bản thân và gia đình. Bạn bè Tang còn phải bay đến tận Hàn Quốc và Nhật Bản để săn khẩu trang.
"Giá khẩu trang tăng theo phút", Tang nói, dựa trên giá tham khảo trên mạng. "Thật đáng sợ!".
Không giống các cửa hàng kinh doanh theo chuỗi, Kit Pharm không tích trữ hàng số lượng lớn. Những thứ họ bày lên kệ hàng giờ đây sẽ hết sạch chỉ sau vài phút, Tang cho hay. Cửa hàng thuốc của cô, một cơ sở kinh doanh hộ gia đình nhỏ, chủ yếu hoạt động dựa vào thu nhập từ việc bán thuốc theo đơn. Tuy nhiên, khách hàng hiện nay dường như chỉ đến để mua những thứ như thuốc tẩy, thuốc khử trùng và nước rửa tay.
Như những người khác, Tang cho rằng chính quyền Hong Kong nên hành động sớm hơn để ngăn ngừa dịch bệnh. "Nếu họ hành động sớm hơn, Hong Kong sẽ có tình thế tốt hơn hiện nay", Tang nói.
Hong Kong tới nay ghi nhận 105 ca nhiễm nCoV, trong đó hai người đã tử vong. Dịch bệnh đã khiến hơn 3.300 người chết và hơn 98.000 ca nhiễm trên toàn thế giới. Biểu tình đã nổ ra bên ngoài các khu vực cách ly ở Hong Kong và chính quyền đặc khu đã đóng hầu hết các cửa khẩu với Trung Quốc đại lục.
Theo Tang, cả Hong Kong đang báo động cao và cô hy vọng số ca nhiễm nCov mới sẽ giảm. "Nhìn mọi người qua đời khiến trái tim chúng tôi đau nhói", cô nói. "Tôi mong không còn ai phải chết nữa".
Hiện tại, một phần công việc của Tang tại Kit Pharm là học cách trấn an những khách hàng lo âu đang tuyệt vọng vì không mua được hàng.
"Chúng tôi nói với họ rằng 'Đừng quá lo lắng, hãy chỉ mua vừa đủ thôi. Đừng tích trữ quá nhiều'", Tang kể. Các dược sĩ tại Kit Pharm cũng khuyến khích khách hàng bị sốt hoặc cúm đi xét nghiệm nCoV, nhưng không phải ai cũng chịu nghe họ nói.
Việc phải tiếp xúc với những người bị bệnh bắt đầu khiến Tang lo lắng. Cô càng bất an hơn khi biết có người ở tòa nhà gần nơi cô sống tại Siu Sai Wan đã bị nhiễm nCoV.
Cha Tang, 89 tuổi, gần đây hiếm khi rời nhà, kể cả ra ngoài chơi mạt chược.
Sau khi trở về từ nơi làm việc, Tang cẩn thận rửa tay và lau sạch các bề mặt trong nhà bằng thuốc khử trùng. "Về đến nhà, việc tôi làm chỉ có xịt, xịt và xịt", Tang kể.
Cô thường bắt xe buýt đi làm nhưng bây giờ "không dám nữa". Thay vào đó, cô tự làm bữa trưa để bù cho tiền taxi.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)