Thế giới ghi nhận 64.783.598 ca nhiễm và 1.497.883 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 667.967 và 13.087 ca trong một ngày, trong khi 44.888.811 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 178.427 ca nhiễm và 2.314 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 14.069.037, trong đó 276.448 người đã chết. Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.
Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, số ca tử vong trung bình trong tháng vì Covid-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12, lên hơn 70.000, sau đó tiếp tục tăng lên hơn 76.000 vào tháng một, trước khi giảm xuống trong tháng 2.
COVID Tracking Project, dư án theo dõi tình hình dịch của các tình nguyện viên, cho biết số người được điều trị tại các bệnh viện Mỹ vì Covid-19 lần đầu tiên vượt mức 100.000 người hôm 2/12. "100.226 người đang nằm viện vì Covid-19 ở Mỹ", dự án cho biết trên Twitter.
Con số này cao gần gấp đôi so với hồi mùa xuân, trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Các bệnh viện ở một số nơi đã gần hết công suất và nếu các bang không thể kiềm chế sự gia tăng của ca nhiễm mới, các hệ thống có thể sớm trở nên quá tải.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ngày 2/12 khuyến cáo rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc với người nhiễm nCoV từ 14 xuống 10 ngày nếu họ chưa làm xét nghiệm và không có triệu chứng.
Thời gian cách ly có thể giảm xuống chỉ còn 7 ngày nếu người đó có kết quả xét nghiệm âm tính. "Giảm thời gian cách ly có thể giúp mọi người dễ dàng tuân thủ quy định và giảm bớt khó khăn kinh tế, đặc biệt là nếu họ không thể làm việc trong thời gian đó", nhà khoa học Henry Walke từ CDC cho biết. Walke nhấn mạnh những người kết thúc cách ly sớm nên tiếp tục theo dõi triệu chứng cho đến hết 14 ngày.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 31.585 ca nhiễm và 469 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.531.295 và 138.628.
Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tuần trước tới thăm các cơ sở sản xuất vaccine, nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine Covid-19 trong công tác kiểm soát đại dịch. Hồi tháng 10 ông cho biết chính phủ sẵn sàng tiêm chủng cho từng người dân ngay khi vaccine sẵn sàng.
Tuy nhiên, Rajesh Bhushan, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, hôm qua cho biết "chính phủ chưa bao giờ nói về việc tiêm chủng toàn quốc", giải thích thêm rằng họ chỉ cần tiêm cho một số lượng người nhất định để phá vỡ chuỗi lây truyền.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 653 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 174.515. Số người nhiễm nCoV tăng 48.124 trong 24 giờ qua, lên 6.436.650.
Số ca nhiễm mới trung bình tại Brazil đã tăng từ 10.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11 lên hơn 50.000/ngày, trong khi số người chết mỗi ngày tăng gấp gần 9 lần chỉ trong một tuần.
Các thống đốc bang và chính trị gia đối lập đang thúc giục chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro lập kế hoạch tiêm chủng quốc gia. Việc Bolsonaro từng tuyên bố "sẽ không sử dụng vaccine Covid-19" làm dấy lên lo ngại hàng triệu người ủng hộ ông cũng sẽ không chịu tiêm, khiến Brazil không thể đạt được mục tiêu tối thiểu 70-75% dân số được tiêm chủng để ngăn đại dịch.
Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.244.635 ca nhiễm và 53.816 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 14.064 và 310 ca. Tổng thống Pháp tuần trước nói rằng nước này đã qua đỉnh làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Chính phủ đã nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc thứ hai vì Covid-19, được áp dụng từ ngày 30/10, với việc cho phép tất cả cửa hàng mở cửa trở lại vào cuối tuần. Các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép tổ chức trở lại, nhưng tín đồ chỉ được tập trung dưới 30 người bất kể quy mô của nhà thờ.
Anh báo cáo thêm 16.170 ca nhiễm và 603 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.643.086 và 59.051. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.
Quốc hội Anh hôm qua tiếp tục thông qua một kế hoạch kiểm soát Covid-19 cấp khu vực, buộc hơn 40% dân số phải chịu lệnh hạn chế khắt khe, bất chấp sự phản đối của hàng chục nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson.
Đức ghi nhận 14.156 ca nhiễm và 329 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.069.763 và 16.862. Các cuộc tụ tập riêng tư bị giới hạn xuống còn 5 người từ ngày 1/12, số lượng khách được vào các cửa hàng cũng giảm xuống. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng nước này có thể bắt đầu tiêm chủng muộn nhất vào tháng một năm sau.
Phản ứng của Đức trước làn sóng Covid-19 đầu tiên được đánh giá cao, nhưng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch khi làn sóng thứ hai tấn công châu Âu, số ca nhiễm được ghi nhận khá đáng kể. Bên cạnh đó, đông đảo người dân trở nên tức giận vì những lệnh hạn chế, dẫn đến các cuộc biểu tình.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 25.345 ca nhiễm nCoV và 589 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.347.401 và 41.053. Anna Popova, giám đốc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor), hôm 1/12 cho biết tình hình dịch tại nước này đang có xu hướng chậm lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho hay đại dịch vẫn khá nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước, đáng lo ngại nhất là Kaliningrad và St Peterburg. Thay vì áp dụng các lệnh phong tỏa trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, Nga chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. St.Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.
Putin hôm qua yêu cầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V trên diện rộng từ tuần sau. Putin nhấn mạnh giáo viên và nhân viên y tế sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine. Tiêm chủng được thực hiện theo cơ sở tự nguyện và công dân Nga sẽ được tiêm miễn phí.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 48.990 người chết, tăng 362, trong tổng số 989.572 ca nhiễm, tăng 13.621. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này tuần trước cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.
Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho hay mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, hầu hết văn phòng không thiết yếu của chính phủ vẫn bị đóng cửa nhằm ngăn virus lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương nước này cấp ngân sách cần thiết để nhập khẩu vaccine Covid-19.
Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 511 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 35.163, trong đó 526 trường hợp tử vong.
Giới chức Hàn Quốc hôm 29/11 cho biết Thủ tướng Chung Sye-kyun sẽ thảo luận với các quan chức y tế về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn để ngăn Covid-19. Trước đó, Thủ tướng Chung cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 549.508 ca nhiễm, tăng 5.533, trong đó 17.199 người chết, tăng 118.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Philippines báo cáo 434.357 ca nhiễm và 8.436 ca tử vong, tăng lần lượt 1.438 và 18 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Quốc gia này đã ký hợp đồng mua 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác nghiên cứu sản xuất.
Chính phủ Philippines trước đó từng đàm phán với một số nhà sản xuất vaccine Covid-19 tiềm năng, đến từ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte hồi tháng 9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga và Trung Quốc sản xuất, bởi họ không yêu cầu tiền đặt trước.
WHO ngày 2/12 khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang không phải y tế trong nhà, như tại cửa hàng, nơi làm việc chung, trường học, nếu không gian không đủ thông thoáng, bất kể họ có thể duy trì khoảng cách một mét với nhau hay không.
WHO cũng khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang ở ngoài trời khi không thể duy trì khoảng cách ít nhất một mét với nhau.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)