213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 10.389.779 ca nhiễm và 507.370 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 160.749 và 3.385 trong 24 giờ qua. 5.645.775 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.675.135 ca nhiễm và 128.752 ca tử vong, tăng lần lượt 42.693 và 340 ca trong 24 giờ.
Số ca nhiễm tăng đột biến buộc nhiều bang phải hoãn hoặc đảo ngược kế hoạch nới lỏng phong tỏa, tái mở cửa. Giới chuyên gia lo ngại đợt bùng phát dịch thứ hai có nguy cơ diễn ra tại Mỹ. Các bang New Jersey, New York và Connecticut ra lệnh cách ly 14 ngày với những người đến từ điểm nóng Covid-19 của Mỹ gồm Alabama, Arizona, Arkansas, Florida, Bắc Carolina, Nam Carolina, Texas và Utah.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 22.941 ca nhiễm và 656 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.368.195 và 58.314. Giới chuyên gia lo ngại số người chết vì nCoV tại Brazil trên thực tế có thể cao hơn báo cáo của chính phủ.
Bất chấp sự gia tăng liên tục của các ca nhiễm và tử vong mới do nCoV, nhiều bang ở Brazil đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều tháng áp đặt phong tỏa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo đất nước này đang nới biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 quá sớm.
Nhiều nước Mỹ Latinh khác cũng đang chật vật đối với với đại dịch. Chile đang là vùng dịch lớn thứ tám thế giới với 275.999 ca nhiễm và 5.575 ca tử vong, tăng lần lượt 4.017 và 66 so với hôm trước. Chỉ cửa hàng bán nhu yếu phẩm được phép hoạt động, trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa.
Mexico đứng thứ 11 với 216.852 ca nhiễm và 26.648 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 4.050 và 267 ca. Thủ đô Mexico City phải hoãn các kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, trong khi giới chức y tế cảnh báo số ca nhiễm có nguy cơ tiếp tục tăng khi quá trình làm phẳng đường cong đang chững lại.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 93 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 9.166. Số ca nhiễm tăng 6.719, lên 641.156, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới dưới 7.000. Chính phủ nước này cho biết tình hình dịch đã giảm nhiệt, nhưng vẫn chuẩn bị phương án đối phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm mới bùng lên vào mùa thu.
Anh báo cáo thêm 814 ca nhiễm và 25 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 311.965 và 43.575. Chính phủ Anh đã giảm mức cảnh báo Covid-19, nhưng giới chức nhiều khu vực ven biển đã phải nâng cảnh báo khi hàng nghìn người tràn tới các bãi biển do thời tiết nóng. Khi các quán rượu vẫn đóng cửa, hàng loạt người còn đổ tới công viên và bãi biển để tụ tập ăn nhậu với bạn bè, nhiều trường hợp phớt lờ khuyến cáo giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét của nhà chức trách.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 200 ca nhiễm và 3 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 296.050 và 28.346. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần.
Italy ghi nhận thêm 126 ca nhiễm và 6 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 240.436 và 34.744. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar được mở cửa, phương tiện giao thông công cộng đã hoạt động trở lại, song các trường học vẫn đóng cửa. Dân Italy được tự do di chuyển khắp đất nước.
Đức báo cáo thêm 528 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 195.392, số ca tử vong là 9.041, tăng 12 ca so với hôm qua. Đức mở cửa biên giới với các quốc gia trong khối EU từ 15/6 và sẽ nới các biện pháp cách biệt cộng đồng sau 29/6. Giới chức y tế Đức đang đối phó đợt bùng phát mới tại nhà máy chế biến thịt Rheda-Wiedenbruck ở quận Gueterloh, bang Bắc Rhine-Westphalia. Bang này đã tái phong tỏa Guetersloh và thị trấn lân cận Warendorf.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.536 ca nhiễm, nâng tổng số lên 225.205, trong đó 10.670 người chết, tăng 162 ca so với hôm trước. Đây là mức tăng ca tử vong cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Iran hồi tháng 2.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei hôm qua bày tỏ lo ngại về số người chết, kêu gọi quan chức chính phủ đeo khẩu trang để làm gương cho giới trẻ. Tổng thống Hassan Rouhani cũng thông báo sẽ áp lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi đông người từ ngày 5/7.
Arab Saudi ghi nhận thêm 3.943 ca nhiễm và 48 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 186.436 và 1.599. Nước này bắt đầu chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ 21/6 nhưng các cuộc hành hương tôn giáo và tụ tập hơn 50 người trở lên vẫn bị hạn chế.
Ấn Độ là vùng dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ tư thế giới với 567.536 ca nhiễm, và 16.904 ca tử vong, tăng lần lượt 18.339 và 417. Dù số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tăng, Ấn Độ đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quán bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6.
Trung Quốc ghi nhận thêm 19 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 7 người tại thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc đại lục đến nay đã báo cáo 83.531 ca nhiễm nCoV, trong đó 4.634 người đã chết.
Bắc Kinh tuần trước tuyên bố về cơ bản kiểm soát được ổ dịch bùng phát từ chợ Tân Phát Địa nhưng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp diễn. Hai ngày sau, chính quyền thành phố bắt đầu nới lệnh phong tỏa tại 7 cụm chung cư, sau khi thu được khoảng ba triệu mẫu xét nghiệm nCoV. Nhiều chuyên gia cũng nhận định ổ dịch Bắc Kinh có thể không nghiêm trọng như Vũ Hán vì giới chức thành phố đã sớm thực hiện các biện pháp kiểm soát.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 55.092 ca nhiễm, tăng 1.082 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.805 người chết, tăng 51 ca. Trường học đóng cửa cho đến ngày 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.
Singapore ghi nhận 43.661 ca nhiễm, tăng 202, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore đang dỡ bỏ hạn chế theo từng giai đoạn.
Từ đầu tháng 6, các trường học đã hoạt động trở lại. Phòng tập gym, công viên, bãi biển và nhà hàng hiện có thể mở cửa trở lại nhưng các sự kiện tôn giáo, quán bar, nhà hát và các sự kiện quy mô lớn vẫn chưa được phép.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch chưa có dấu hiệu chậm lại. "Chúng ta đều muốn điều này kết thúc để tiếp tục cuộc sống, nhưng thực tế là còn lâu nó mới chấm dứt. Nhiều nước đã đạt tiến bộ, nhưng đại dịch đang tăng tốc trên toàn cầu. Chúng ta phải đoàn kết trong dài hạn", ông nói.
Vũ Anh (Theo Reuters, AFP)