Đại học Johns Hopkins ghi nhận 2.234.109 ca nhiễm và 153.379 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. 569.953 người đã bình phục.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 699.706 ca nhiễm và 36.727 ca tử vong, tăng lần lượt 32.481 và 4.041.
New York, tâm dịch của Mỹ, mở thêm 5 trạm thực hiện xét nghiệm nCoV từ ngày 20/4, trong đó có một địa điểm tập trung vào những cư dân từ 65 tuổi trở lên tại các khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nCoV. Trạm xét nghiệm này ban đầu dự kiến cung cấp khoảng 2.400 lượt xét nghiệm mỗi tuần, song chính quyền thành phố đặt mục tiêu nhanh chóng tăng gấp đôi số lượng.
Trump ngày 17/4 công bố gói hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành nông nghiệp. Chương trình bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp cho nông dân, chủ trang trại và nhà sản xuất mà Trump cho biết đã trải qua "thua lỗ chưa từng có trong đại dịch".
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.291 ca nhiễm và 316 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 188.167 và 19.631, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới. Giới chức Tây Ban Nha cho biết dữ liệu không bao gồm những người chết nghi do nCoV, giống cách tính của nhiều quốc gia khác. Chính phủ Tây Ban Nha thông báo sẽ cân đối cách thống kê dữ liệu từ 17 vùng tự trị, sau khi Catalonia ngày 15/4 tính cả các trường hợp chết nghi do nCoV.
Sau 4 tuần phong tỏa toàn quốc, Tây Ban Nha hôm 13/4 cho phép lao động ngành xây dựng và sản xuất quay lại làm việc trong nỗ lực tái khởi động nền kinh tế bị đại dịch làm suy yếu. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về nhân sự, công cụ, nguyên vật liệu và chưa rõ bao giờ tình hình trở lại bình thường.
Italy báo cáo 3.493 ca nhiễm mới, mức tăng thấp hơn so với 3.786 ca hôm qua, nâng tổng số người nhiễm lên 172.434. Nước này ghi nhận thêm 575 ca tử vong, cao hơn mức 525 ca hôm qua, nâng tổng số người chết lên 22.745.
Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số ngành sản xuất và loại cửa hàng mở lại vào ngày 14/4, gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em. Giovanni Rezza, giám đốc Viện Y tế Cấp cao Italy, cho biết sau khi nước này phong tỏa, lây nhiễm chủ yếu diễn ra trong các hộ gia đình. Cách duy nhất để giảm ca nhiễm và ca tử vong mới là cách ly tập trung tất cả người nhiễm nhằm tránh để họ lây cho người thân.
Pháp xác nhận thêm 1.909 ca nhiễm mới và 761 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 147.969 và 18.681. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực giảm 9 ngày liên tiếp.
Pháp gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại nhưng quán cà phê, rạp chiếu phim và địa điểm văn hóa tiếp tục ngừng hoạt động, sẽ không có lễ hội mùa hè cho đến ít nhất là giữa tháng 7.
Số ca nhiễm và tử vong ở Đức là 140.886 và 4.326 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 3.188 và 274 ca. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói rằng số ca nhiễm mới ở Đức "đã giảm đáng kể" và ổ dịch đang "được kiểm soát".
Đức bắt đầu nới lỏng hạn chế từ ngày 15/4, cửa hàng dưới 800 m2 được phép mở cửa nếu có "kế hoạch duy trì vệ sinh". Lệnh cấm tụ tập hơn hai người ở nơi công cộng vẫn được áp dụng, ngoài các thành viên gia đình sống cùng nhau. Trường học sẽ dần được mở cửa trở lại. Trong khi đó, các sự kiện công cộng lớn tiếp tục bị cấm cho đến ngày 31/8. Đức có kế hoạch sản xuất 50 triệu khẩu trang mỗi tuần từ tháng 8 để đảm bảo kiểm soát dịch khi nới lỏng các hạn chế.
Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 108.692 người nhiễm và 14.576 người chết, tăng lần lượt 5.599 và 847. Giáo sư Anthony Costello tại viện Sức khỏe Toàn cầu UCL, London, cảnh báo chính phủ đã ứng phó với Covid-19 quá chậm chạp và hơn 40.000 người nước này có thể chết do nCoV. Ông cho biết Anh cần tiến hành xét nghiệm nCoV diện rộng và xây dựng các hệ thống phù hợp để đối phó với đợt bùng phát mạnh mẽ hơn của đại dịch.
Chính phủ Anh ngày 16/4 kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngoại trưởng Dominic Raad, người đang thay Thủ tướng Boris Johnson chủ trì các cuộc họp về Covid-19, cho hay nới hạn chế quá sớm "có nguy cơ gây thiệt hại cho cả y tế công cộng và nền kinh tế".
Trung Quốc phát hiện thêm 27 ca nhiễm, gồm 17 ca ngoại nhập và không ghi nhận trường hợp tử vong mới. Họ cũng báo cáo thêm 54 ca nhiễm không triệu chứng. Tổng số ca nhiễm và tử vong ở Trung Quốc là 82.719 và 4.512, sau khi Vũ Hán hôm 17/4 sửa lại số người chết vì nCoV từ 2.579 lên 3.869, tăng thêm 1.290 trường hợp, tương đương 50% so với báo cáo trước đó.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 79.494 ca nhiễm và 4.958 ca tử vong. Nước này ghi nhận thêm 1.499 ca nhiễm và 89 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100.
Iran đã đóng cửa trường học, hoãn các sự kiện lớn và áp đặt một loạt hạn chế khác nhưng không phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước khác. Chính quyền sẽ cho phép các doanh nghiệp nhỏ ở Tehran mở cửa trở lại vào ngày 18/4, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với bên ngoài thủ đô vào tuần trước. Động thái này vấp phải sự chỉ trích từ các chuyên gia y tế nhưng các quan chức hàng đầu cho rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran khiến họ không thể đóng cửa nền kinh tế.
Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới.
Tại Đông Nam Á, Indonesia trở thành vùng dịch lớn nhất với 5.923 ca nhiễm và 520 ca tử vong, tăng lần lượt 407 và 24. Indonesia đã thực hiện gần 40.000 xét nghiệm, trong khi số ca nghi nhiễm cũng tăng lên hơn 11.800 người. Quan chức chính phủ Indonesia cho biết nước này có thể đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 5.
Philippines xếp thứ hai với 5.878 ca nhiễm và 387 ca tử vong. Chính phủ hôm 13/4 đưa ra chương trình xét nghiệm tăng cường nhằm xác định khoảng 15.000 ca nhiễm nCoV chưa được phát hiện. Philippines cũng tin rằng đóng cửa biên giới và cách ly gần một nửa dân số tại nhà có thể ngăn chặn thảm họa y tế.
Malaysia ghi nhận thêm 69 ca nhiễm và 2 người chết, nâng tổng số lên lần lượt 5.251 và 86. Số người nhiễm tại Singapore tiếp tục tăng mạnh với 623 ca, nâng tổng số lên 5.050, trong đó 11 người tử vong.
Singapore ban hành nhiều biện pháp để ngăn nCoV lây lan như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu tới 4/5. Dân chúng phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, những người vi phạm sẽ bị phạt 300 SGD (khoảng 210 USD) lần đầu và 1.000 SGD (700 USD) lần hai, có nguy cơ bị truy tố nếu tái phạm nhiều lần.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)